Giỏi quá… và dốt quá…!

07:00 | 07/08/2013

983 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai dám nói chất lượng giáo dục của chúng ta có vấn đề và học sinh của chúng ta ngày càng kém đi?

Như Thổ (NLM số 245)

Những ai có suy nghĩ như vậy thì hãy nhìn vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm sẽ thấy kết quả này rất lạc quan, rất đáng mừng (?!). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta năm nào cũng cao cất ngưởng, chí ít thì cũng hơn 90%. Năm nào ngành giáo dục cũng có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong các kỳ thi, rồi tuyên chiến mạnh mẽ với chủ nghĩa thành tích. Thế nhưng kết quả xem ra còn rất hạn chế.

Lẽ ra tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cao như vậy phải là đáng mừng và phải thấy rằng, học sinh chúng ta quá giỏi. Rồi những đoàn học sinh đi thi các cuộc thi Olympic quốc tế lần nào cũng mang giải thưởng về. Trong khi đó, nhìn ra xa, chúng ta có thể thấy một quốc gia có nền giáo dục rất tiên tiến, được Nhà nước đầu tư tối đa như Cuba thì hầu như chẳng có học sinh nào được giải trong các kỳ thi quốc tế. Nhưng về chất lượng giáo dục ở Cuba, họ lại đứng thứ 17 trên thế giới. Hiện nay, học sinh của 72 quốc gia đang theo học tại Cuba. Còn nền giáo dục của chúng ta đang đứng hàng bao nhiêu?

Mở rộng ra một chút nữa, chúng ta có Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên dành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Chopin nhưng nền âm nhạc của chúng ta thì quả thật chẳng có gì đáng nói so với thế giới.

Học sinh sờ đầu rùa... cầu thi đỗ

Lại nữa, chúng ta có một giáo sư thiên tài Ngô Bảo Châu, nhưng chắc chắn không ai dám nói rằng, Ngô Bảo Châu là đại diện cho nền giáo dục Việt Nam.

Một khu rừng cằn cỗi thì thế nào cũng có một vài cây cao vượt lên, nhưng những cây đó không thể đại diện cho cả một cánh rừng.

Thầy cô giáo ở các trường THPT có thể vui mừng, hớn hở vì tỷ lệ thi tốt nghiệp của trường năm nay cao hơn, hoặc chí ít là bằng năm trước và thấy tỷ lệ đỗ cao ấy thật đáng “tự hào”.

Học sinh chúng ta giỏi thật!

Nhưng không biết có thầy cô nào xấu hổ khi thi vào đại học, có hàng ngàn thí sinh bị điểm 0. Con số này thể hiện cái gì? Rõ ràng là việc chấm thi tốt nghiệp THPT của chúng ta đang có những vấn đề “biết mà không nói ra được”. Biết ở đây là các thầy cô đã chấm nới tay, rồi mặc dù là đã chấm chéo nhưng mỗi thầy cô giáo khi chấm đã ngấm ngầm mang theo tâm lý “cho chúng mày cái bằng tốt nghiệp để đi mà kiếm sống”. Có lẽ vì vậy mà việc chấm bài cũng xuê xoa, qua quýt và kết quả là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT mới cao như vậy.

Biết là như thế, nhưng bây giờ chỉ ra là ai thì lại chẳng chỉ được. Hóa ra, học sinh chúng ta cũng quá dốt. Dốt đến mức vừa thi tốt nghiệp THPT xong, đến lúc vào thi đại học lại không được điểm nào. Và cũng mới vỡ lẽ ra rằng, cái giỏi chỉ là ảo, cái dốt mới là thực. Có lẽ bức xúc vì kết quả thi “ảo” này mà đã có một số người đặt vấn đề, có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT nữa hay không?

Những ý kiến này cũng có lý. Bởi thấy rằng, con cháu chúng ta cứ phải học thêm học nếm, lao tâm khổ tứ dốc vào các kỳ thi để rồi mang về một giá trị ảo. Tốn tiền, tốn của đã đành, kết quả thu được lại chẳng thực chất thì để làm gì.

Nhưng học sinh chúng ta bây giờ có thi cử mà còn chưa chịu học cho tử tế thì nếu không thi nữa thì… Trời ạ, nền giáo dục chúng ta chẳng còn gì để nói.

Hơn nữa, việc học trong nhà trường nhằm xóa nạn mù chữ, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh và còn là nơi đào tạo, rèn luyện, nuôi dưỡng nhân cách, tính cách, đạo đức, tác phong, lý tưởng cho học sinh… Việc này phải được bắt đầu ngay từ lớp 1. Nhưng bây giờ chúng ta đang quá coi trọng dạy chữ, quên đi việc dạy làm người. Không ít thầy cô quên đi đạo làm thầy mà chỉ nghĩ đến… “đạo làm tiền”. Cũng xin đừng trách các thầy cô, bởi lẽ các thầy, các cô cũng là người, cũng phải có tiền để tồn tại. Trong một xã hội mà đồng tiền đang có tiếng nói gần như quyết định tất cả thì các thầy, các cô cũng phải nghiến răng lại mà kiếm tiền trên đầu học sinh. Đó cũng là điều không có gì lạ. Ngành giáo dục cũng giống như nhiều ngành khác của chúng ta đang bối rối, đang vật vã như trong cơn đau đẻ để sinh nở. Đừng vội lên án ngành giáo dục và cũng đừng vội có những “đề xuất” như kiểu bỏ kỳ thi THPT.

Chúng ta đã nhìn thấy những yếu kém, những hạn chế trong việc thi cử và đặc biệt là đã nhìn thấy tác hại của chủ nghĩa thành tích trong ngành giáo dục. Vậy thì phải nghĩ cách chống nó.

Việc chống tiêu cực này cũng không phải quá khó. Vấn đề là chúng ta nên thay đổi quan niệm về chủ nghĩa bằng cấp, đồng thời không nên lấy tỷ lệ có quá nhiều sinh viên đại học để đánh giá vấn đề dân trí quốc gia. Nếu như dựa vào tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, tỷ lệ người biết chữ thì dân trí Việt Nam là cao đấy. Nhưng nếu nói về tính vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu chuyên nghiệp trong làm ăn thì có lẽ người Việt Nam cũng đứng vào hàng có số ở trên thế giới. Bằng chứng là những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động đang bỏ trốn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, rồi vô vàn những chuyện người Việt làm ăn vô tổ chức, vô kỷ luật… Những điều đó thể hiện gì? Rồi trong việc chấp hành luật pháp, chấp hành kỷ cương xã hội, chúng ta cũng rất tùy tiện. Một xã hội văn minh thì không thể có trật tự xã hội bát nháo như chúng ta hiện nay.

Để chống tiêu cực trong ngành giáo dục, nên tính theo từng giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ lớp 1 đến lớp 9 - nên cho học sinh học nhẹ nhàng, không nên nhồi nhét quá nhiều thứ vào như hiện nay. Mục tiêu của 9 năm này nên đặt ra là xóa nạn mù chữ. Trong 9 năm này, nên coi nhẹ phần kiến thức, coi nặng phần lễ - nghĩa là dạy học sinh các vấn đề xung quanh chữ “lễ”. Học xong, tất cả đều được cấp giấy chứng nhận đã xóa nạn mù chữ hoặc tốt nghiệp THCS. Giai đoạn 3 năm sau - lớp 10 đến lớp 12 thì phải học nâng cao và chỉ những học sinh có ý thức học tập tốt, chăm học thì mới có thể học và tốt nghiệp được. Yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học phải nâng mức khó lên và khắt khe hơn nữa, làm sao để số lượng học sinh vào được đại học phải thực chất về trình độ năng lực. Cứ như hiện nay thì kể cả bằng đại học hầu như cũng không có mấy giá trị cho sinh viên khi đi xin việc. Không nói đâu xa, trong lĩnh vực báo chí, hơn 90% sinh viên khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Khoa Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khi về làm việc phải đào tạo lại từ đầu. Rất nhiều trường đại học khác, đào tạo học sinh ra trường nhưng khi vào cuộc sống thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Ở xã hội chúng ta bây giờ, cứ thấy gì không đạt là nghĩ kế xổ toẹt và phủ nhận tất cả những gì đã có. Nếu như cách đây 6 năm, những ai tỏ ý nghi ngờ việc thành lập các tập đoàn kinh tế, không dám mở rộng ngành nghề kinh doanh thì bị coi là người thiếu năng động, không có ý chí vươn lên… Nhưng đến khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi chúng ta đang ở trong thế giới phẳng, rồi do công tác quản lý yếu kém, dẫn đến việc làm ăn thua lỗ của một số tập đoàn thì lại nghi ngờ tất cả. Thật ra, tự thân mô hình tổ chức của các doanh nghiệp không làm nên tội mà tội chính là ở trình độ của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo giỏi, có tâm, có tài thì bất kể mô hình nào cũng sẽ thắng. Còn nếu như người lãnh đạo kém thì chẳng có loại mô hình tổ chức nào có thể cứu vãn được. Nền giáo dục của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có quyền nghi ngờ về kết quả chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vậy thì phải có cách nào đó để giảm bớt nỗi nghi ngờ này, chứ không phải là xóa một kỳ thi đi.

N.T