Giờ trái đất: Không chỉ là tắt đèn

07:41 | 03/03/2012

513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Công Thương vừa chính thức phát động chiến dịch Giờ trái đất 2012. Đây là năm thứ tư Việt Nam tham gia hoạt động toàn cầu này. Với thông điệp "Tôi và Bạn hãy cùng hành động", Giờ trái đất 2012 kêu gọi các ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức và mọi người dân tham gia hành động chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Đã đến lúc nhận thức rằng, tiết kiệm điện không chỉ là việc tắt đèn trong một giờ nhất định.

Việt Nam dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu

Sự kiện chính thức Giờ trái đất sẽ được tổ chức tại Quảng trường CMT8 phía trước Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Nghi thức tắt đèn sẽ bắt đầu từ 20h30 – 21h30 ngày 31/3/2012. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ kích hoạt các hoạt động nâng cao nhận thức và kêu gọi cam kết hành động từ các doanh nghiệp, trường đại học, văn phòng, nhà hàng và những điểm công cộng từ ngày1/3/2012.

Trong cuộc họp báo về sự kiện này, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Việc Bộ chính thức chủ trì sự kiện Giờ trái đất 2012 thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Việt Nam nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, nếu mực nước biển tăng 1m ở Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% GDP. Các chuyên gia cho rằng, ngành điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD tiền đầu tư xây dựng nguồn cung mới nếu mỗi năm tiết kiệm được 3-5% lượng điện tiêu dùng. Dự kiến giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phấn đấu tiết kiệm 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Điện lực Hà Nội sớm triển khai chiến dịch

Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động tiết kiệm điện cùng Giờ trái đất”. Các đơn vị điện lực đều lên kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trên địa bàn, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền cho chiến dịch Giờ trái đất 2012. Các công ty điện lực sẽ tổ chức họp với các tổ trưởng tổ dân phố để tuyên truyền chiến dịch Giờ trái đất cũng như công tác tiết kiệm điện; trao đổi với các khách hàng có sử dụng điện chiếu sáng biển hiệu về việc tắt điện chiếu sáng, các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ trái đất. Các công ty quảng cáo cũng được yêu cầu thực hiện tắt đèn chiếu sáng các tấm panô quảng cáo tấm lớn trên các tuyến phố lớn trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ trái đất.

Năm nay EVN Hà Nội triển khai hình thức gửi tin nhắn SMS tới khách hàng vào 2 ngày 29 và 30/3/2012, để khách hàng được biết về sự kiện Giờ trái đất năm 2012 và chung tay hưởng ứng với ngành điện. Đoàn thanh niên của Tổng Công ty cũng tổ chức phong trào “Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên tiết kiệm điện”, đảm nhiệm quản lý 29 tuyến phố tiết kiệm điện, giao lưu với học sinh tiểu học về đề tài tiết kiệm điện…

Đừng tham gia với "bệnh hình thức”

Ông Cao Quốc Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Giai đoạn 2006-2010, Bộ Công Thương đã triển khai 11 đề án thuộc 6 nhóm nội dung với 150 nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 4.900 KTOE, tương ứng 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ (tương đương 56,9 tỉ kWh điện với trị giá khoảng 65.000 tỉ đồng). Dự kiến giai đoạn 2011-2015 sẽ phấn đấu tiết kiệm 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực, nếu mỗi năm tiết kiệm được 3-5% lượng điện tiêu dùng thì ngành điện sẽ tiết kiệm được 50 triệu USD đầu tư xây dựng nguồn cung mới.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực khẳng định: Ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện và các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước, hiện EVN đang tích cực phối hợp triển khai chương trình lắp đặt 70.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời trong giai đoạn 2011-2015, trong đó EVN hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng 1 triệu đồng/bình. EVN cũng cam kết sẽ cùng các nhà cung cấp bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời lắp đặt 25.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời trong năm 2012. Nhà tài trợ Tân Á Đại Thành cũng cam kết sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm công nghiệp xanh, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường.

Đây là những phương hướng mới nhằm đưa chiến dịch tiết kiệm điện trở nên thiết thực, hiệu quả hơn. Bởi qua thực tế triển khai chiến dịch của 3 năm trước, vẫn thấy rất nặng tính phong trào, “bệnh hình thức” ở nhiều hoạt động. Ví dụ như để kêu gọi tiết kiệm điện thì trước thời điểm tắt điện là hàng loạt hoạt động biểu diễn ca múa hát với sân khấu và hệ thống đèn chiếu công suất lớn, các hội nghị, hội thảo được tổ chức với kinh phí lớn… Nếu cứ theo đà đó thì chẳng phải chuyện “một tiền gà, ba tiền thóc” hay sao? Và đi cùng với việc tắt đèn (để tiết kiệm điện) là việc thắp nến. Hàng nghìn cây nến được thắp lên ở chỗ này chỗ khác, hàng trăm chiếc đèn trời được thả, nến và hoa đăng cũng được thả trên sông, hồ. Hình thức thì rất đẹp, rất lung linh. Nhưng để tiết kiệm điện thì lại tốn kém cho những thứ khác.

Có ý kiến cho rằng, đối tượng tiêu thụ điện năng lớn nhất phải kể tới các hệ thống công nghiệp chứ không phải là các hộ gia đình. Đã đến lúc phải tập trung tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng này tham gia chiến dịch trên một cách thực tế nhất. Và bản thân mỗi người dân phải có ý thức tiết kiệm điện không phải chỉ trong một Giờ trái đất, mà là trong suốt 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm. Hãy cứ nhìn nhận lại đã bao lần ta thắp quá nhiều bóng đèn cho một căn phòng, bao lần bật tivi nhưng chẳng để ý tới nội dung chương trình, bao nhiêu tờ giấy được in ra vô ích, bao nhiêu túi nilon dùng lặt vặt hàng ngày… Phải tham gia vào Giờ trái đất từ những hành động nhỏ chứ không chỉ có mỗi việc tắt đèn.

Giờ trái đất là chiến dịch toàn cầu do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng và được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney năm 2007 với sự tham gia của 2,2 triệu người. Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch Giờ trái đất đã thực hiện tiết kiệm được 140.000kWh; năm 2010, tiết kiệm được 500.000kWh; năm 2011, tiết kiệm được 400.000kWh, riêng tại Hà Nội đã tiết kiệm được 162.000kWh.

Huyền Trang