Giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học là hợp xu thế

14:51 | 25/05/2012

494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện nay.

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục Đại học; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Tuyệt đại đa số các ý kiến đều khẳng định, trong tình hình hiện nay, việc ra đời Luật Giáo dục Đại học là rất quan trọng. Các ý kiến cũng đánh giá cao báo cáo giải trình của UBTVQH, nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu và bổ sung một cách chặt chẽ hơn, phù hợp hơn.

Ý kiến các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc cần nhanh chóng có Luật Giáo dục Đại học

Nên có lộ trình thực hiện quyền tự chủ

Về những nội dung trong dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội), do các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều và hiện tại phần lớn các cơ sở GDĐH còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở GDĐH thực thụ nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.

Ở khía cạnh kỹ thuật văn bản luật, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng Điều 33 quy định mang tính nguyên tắc về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH dẫn chiếu đến 27 điều là hơi phức tạp, hiếm thấy.

Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh; quy định chế tài chặt chẽ đối với vi phạm về tuyển sinh.

Theo Ủy ban TVQH, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là phù hợp với xu thế chung.

Cần làm rõ CSGD vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành chủ trương xã hội hóa GDĐH nhưng đề nghị làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận và quy định rõ về cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận trong luật; ngược lại cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định rõ vấn đề phi lợi nhuận của cơ sở GDĐH tư thục trong luật vì không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta và khó xác định trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho biết, có nghiên cứu cho thấy 100% cơ sở tư tục đều hoạt động vì lợi nhuận và điều đó thể hiện một phần ở ngành nghề được chọn để đào tạo. Và nhiều khi do áp lực của cổ đông chạy theo lợi nhuận mà công tác đào tạo bị ảnh hưởng. Do đó, Luật phải quy định rõ để từ đó có những chế tài phù hợp.

Có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm vốn của phía nước ngoài đối với cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài để được tự chủ về cơ cấu tổ chức, báo cáo giải trình cho rằng để thu hút được nguồn lực nước ngoài đầu tư cho GDĐH Việt Nam cũng như để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài thì việc các cơ sở GDĐH có 100% vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức là cần thiết và hợp lý.

Riêng đối với cơ sở GDĐH liên doanh, liên kết với nước ngoài thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể sẽ được tự chủ về cơ cấu tổ chức theo tỉ lệ vốn góp khi cấp phép đầu tư, thành lập trường.

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí quy định Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH công lập, Hội đồng đại học ở đại học quốc gia, đại học và Hội đồng quản trị trong cơ sở GDĐH tư thục là thiết chế bắt buộc phải có và đề nghị quy định chi tiết cơ cấu, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Hội đồng trường.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành việc khống chế mức học phí của các trường công lập và đề nghị trường công lập cũng được tự chủ quy định mức thu học phí.

Ủy ban TVQH cho rằng cơ sở GDĐH công lập thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, do đó, việc khống chế mức thu học phí của cơ sở GDĐH công lập là cần thiết và hợp lý nhằm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, giúp cho người học trong các gia đình nghèo, người học thuộc các đối tượng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp được có cơ hội tiếp cận với giáo dục ở trình độ cao.

Liên quan vấn đề học phí đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, để thu hút người học, nhiều trường chi một khoản không nhỏ cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, nhưng cuối cùng người học lại phải gánh chịu qua các khoản thu.

Chất lượng giáo dục mới là then chốt

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, đại biểu đoàn Quảng Ninh cho rằng, kết quả cuối cùng phải là đào tạo thầy ra thầy, thợ ra thợ. Do đó, các quy định và chính sách phải thể hiện ngay được từ các cấp học, từ thấp lên cao.

Đại biểu ủng hộ việc tạo điều kiện cho sinh viên học nội trú, vì người học được sống trong môi trường tập thể, thuận lợi hơn trong tham gia các hoạt động ngoại khóa…

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) lại nhấn mạnh, chất lượng giáo dục đại học ở nước ta thời gian qua thực sự có vấn đề, và cần có các biện pháp bảo đảm người học được đào tạo cơ bản. Do đó, Luật ra đời phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi của người học.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, để thu hút người học, các trường chi phí một khoản không nhỏ cho quảng cáo, tiếp thị, và rồi người học lại phải gánh khoản phí này qua các khoản thu. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được đảm bảo, nhà trường thì cứ đào tạo, còn sinh viên ra trường có việc làm hay không, có đáp ứng được yêu cầu thực tế hay không thì lại là chuyện của sinh viên. Theo đại biểu, nên có quy định để thể hiện rõ hơn trách nhiệm của các trường trong chấ lượng công tác đào tạo.

Theo VOV Online

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc