Giáo dục tình dục ở Việt Nam - bài toán khó

18:09 | 25/12/2012

2,839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới nên câu chuyện giáo dục giới tính và tình dục luôn cần thiết và cấp bách. Mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi cụ thể trong việc giáo dục tình dục cho thanh niên/trẻ vị thành niên nhưng kết quả là điều còn phải bàn.

Chuyện giáo dục tình dục trên thế giới

Theo định nghĩa của ngành y tế, giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người.

Những cách giáo dục giới tính thông thường là thông qua cha mẹ, người chăm sóc, các chương trình trường học và các chiến dịch sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, từ khi có sự xuất hiện của AIDS với tốc độ lan rộng khủng khiếp của nó đã mang một thông điệp khẩn cấp mới cho chủ đề giáo dục giới tính. Tại nhiều nơi ở Châu Phi, nơi AIDS đã trở thành bệnh dịch, giáo dục giới tính được coi là một chiến lược sống còn để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Còn theo Hội đồng thông tin và giáo dục giới tính Hoa Kỳ, 93% người lớn được khảo sát ủng hộ giáo dục giới tính ở trường trung học phổ thông và 84% ủng hộ tại các trường trung học cơ sở. Vì bằng phương pháp này, các bậc phụ huynh cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi trò chuyện với con mình về tình dục.

Tại Châu Phi, nơi AIDS đã thành bệnh dịch thì việc giáo dục tình dục là chiến lược quan trọng để bảo vệ cộng đồng

 

Khảo sát các chương trình giáo dục giới tính ở Châu Á cũng đang có những mức độ phát triển rất khác nhau. Ở Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc có khung chính sách hệ thống về việc giảng dạy giới tính trong các trường học. Tại Malaysia, Philippines và Thái Lan đánh giá các nhu cầu sức khoẻ sinh sản thanh niên. Còn Ấn Độ thì có các chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ chín tới mười sáu tuổi.

Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Tại Trung Quốc và Sri Lanka, giáo dục giới tính truyền thống gồm đọc về đoạn sinh sản trong các cuốn sách giáo khoa sinh học.

Cũng vì thế mà ông Michel Sidibé, Giám đốc điều hành, UNAIDS (là tên viết tắt của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) từng viết trong cuốn “Hướng dẫn kỹ thuật quốc tế về giáo dục tình dục – Cách tiếp cận dựa trên bằng chứng cho trường học, giáo viên và những nhà giáo dục sức khỏe”, rằng:

“Chuẩn bị cho trẻ em và thanh niên/vị thành niên (TN/VTN) chuyển tiếp sang thời kỳ trưởng thành luôn luôn là một trong những thách thức của loài người, với tình dục học và các mối quan hệ cốt lõi. Ngày nay, trong một thế giới với AIDS, việc chúng ta có thể ứng phó được với thách thức này là cơ hội quan trọng nhất của chúng ta trong việc chặn đứng đường đi của đại dịch. Trong nhiều xã hội, thái độ và những điều luật đã kìm hãm việc thảo luận công khai về tình dục và hành vi tình dục – ví dụ liên quan tới biện pháp tránh thai, nạo phá thai và đa dạng tình dục”.   

Còn ở Việt Nam, những giờ học về giới tính ở các trường học còn rất hiếm hoi. Trong gia đình, ít bậc cha mẹ nào giảng giải cho con cái mình những kiến thức về giới tính, tình dục. Chính vì thế mà giới trẻ phải tìm hiểu những điều đó từ sách báo, mạng Internet và cả những kênh không chính thống.

Bài toán khó cho việc giáo dục tình dục ở Việt Nam

UNESCO từng có báo cáo về Việt Nam trong khuôn khổ nghiên cứu trường hợp về mức độ thành công của các chương trình giáo dục tình dục (GDTD) cấp quốc gia.

Báo cáo này đưa ra bằng chứng cho thấy, GDTD ở Việt Nam vẫn nhấn mạnh đến giáo dục về giới tính (sinh học), bệnh tật (HIV) và sức khỏe sinh sản mà vẫn chưa thực sự là “giáo dục về tình dục”. khi mục tiêu của chương trình quốc gia là: “nhằm mục đích giúp học sinh đưa ra những lựa chọn về sức khỏe sinh sản phù hợp và phòng ngừa “tệ nạn xã hội”.

Và UNESCO cũng đưa ra nhận định, thách thức lớn nhất cho GDTD ở Việt Nam là nhận thức phổ biến rằng giáo dục về tình dục là “không phù hợp về văn hóa, đặc biệt với học sinh trung học cơ sở”.

Tuy nhiên, từ năm 1981, chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực nhằm đưa giáo dục sức khỏe sinh sản vào chương trình giảng dạy chính thức. Từ đó, các chủ đề về sức khỏe sinh sản được lồng ghép với các môn văn học, sinh học, giáo dục công dân và địa lý, cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.

Đến năm 1995, trước sự lan rộng của dịch HIV, Việt Nam đưa ra chính sách nhằm bắt buột đưa giáo dục HIV/AIDS như một phần trong chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản được thông qua, cùng với các chính sách quan trọng khác tiếp sau đó trong thập kỷ tiếp theo.

Khi bước sang thế kỷ XXI, từ năm 2002 đến 2006, Viện chiến lược và chương trình giáo dục cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ hoạt động của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, nhằm lồng ghép các chủ đề sức khỏe sinh sản và tình dục vào chương trình phòng chống HIV quốc gia tại các trường THCS.

Tuy nhiên, một đánh giá của tổ chức Cứu trợ trẻ em Hoa Kỳ thực hiện năm 2006 kết luận: Trong khi các chính sách thể hiện cam kết mạnh mẽ về phía Chính phủ, chương trình giáo dục SKSS và phòng chống HIV vẫn chưa được lồng ghép đầy đủ. Ngoài ra, các trường học lại không bị bắt buột phải dạy các môn học theo yêu cầu.

Do tính chất phi tập trung hóa của hệ thống giáo dục Việt Nam, nên hiệu quả của chương trình giáo dục SKSS và phòng chống HIV phụ thuộc vào cam kết của những nhà quản lý giáo dục cấp tỉnh, hiệu trưởng và giáo viên.

Giáo dục tình dục ở VN còn là bài toán khó khi sự khác biệt giữa các thế hệ, định kiến giới, rào cản văn hóa còn rất lớn

Các nghiên cứu khác còn đưa ra đánh giá, ở Việt Nam, các giáo viên và học sinh thường không tự tin và thỏa mái với chủ đề liên quan tới SKSS tình dục và HIV. Điều này có thể giải thích một phần do sự khác biệt giữa các thế hệ, định kiến giới và rào cản về văn hóa. Và nhiều giáo viên cho rằng, việc giảng dạy SKSS tình dục và phòng chống HIV là trách nhiệm của cha mẹ. Nên kết luận chung là cả giáo viên và học sinh đều cho rằng, SKSS tình dục không phù hợp về mặt văn hóa, đặc biệt với học sinh THCS.

Vào năm 2007, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và tổ chức Cứu trợ trẻ em, Bộ GDĐT phê duyệt Chương trình hành động về SKSS và phòng chống HIV/AIDS cho học sinh THCS giai đoạn 2007-2010, thiết lập một chương trình mới về giáo dục SKSS và phòng chống HIV quốc gia trong các trường THCS. Kế hoạch hành động là vận  động cho việc giảng dạy theo chương trình với hướng dẫn cụ thể trong các môn học, chủ đề và thông  điệp được giảng dạy.

Các cấu phần chính của kế hoạch hành động bao gồm: Tạo môi trường chính sách và xã hội mang tính thúc đẩy; tăng cường chất lượng dạy học thông qua phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên; Tăng cường quản lý, điều phối, theo dõi và đánh giá; Tăng cường sự tham gia của học sinh thông qua giáo dục nhóm.

Vì thế mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng: “Nói đến tình dục, không thể chỉ nói chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai.”

Thanh Thanh

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.