Giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh: Trông người, ngẫm đến ta

07:45 | 22/12/2018

115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra vừa qua cho thấy, giáo dục Việt Nam dường như “có vấn đề”, đặc biệt là giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh. Dưới góc độ là một nhà giáo, đồng thời là một nhà ngoại giao, PGS.TS Lê Thanh Bình - Phó đại sứ Việt Nam tại Na Uy, giảng viên cao cấp Học viện Ngoại giao - sẽ làm rõ hơn vấn đề này. 

PV: Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc một giáo viên bắt học sinh tát bạn cùng lớp tới hơn 230 cái, thầy hiệu trưởng bị cáo buộc lạm dụng tình dục học sinh… Cũng là một nhà giáo, ông nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Các vụ việc này do chỉ là nắm thông tin trên báo chí và cũng không tường tận nên tôi không đánh giá một cách chủ quan. Tuy nhiên, tôi tin chắc một điều rằng, nếu ở Na Uy, nơi tôi đang làm việc, thì không bao giờ xảy ra vấn đề đó. Bởi ở Na Uy, trẻ em được giáo dục để biết cách nhìn nhận vấn đề rất logic và cơ bản biết đâu là phải - trái, bạo lực… Trên nền tảng đó, học sinh biết phản biện, định hướng từ rất sớm. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được tiếp cận sự nhân văn, tính cộng đồng cao, có thực tiễn về kỹ năng sống thì những chuyện bạo hành, phi giáo dục như vậy không thể xảy ra. Không một ai có thể xâm phạm thân thể trẻ em và đặc biệt trong hoàn cảnh nếu trở thành nạn nhân của bạo lực chẳng hạn thì trẻ em cũng biết cách ứng xử hay xử lý như thế nào để bảo vệ chính mình.

giao duc ky nang ung xu cho hoc sinh trong nguoi ngam den ta
Học sinh bị tát 231 cái phải nhập viện

PV: Cụ thể cách ứng xử hay xử lý đó của trẻ em Na Uy được giáo dục như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Ở Na Uy, ngay từ nhỏ trẻ em đã được khuyến khích phản biện, trình bày ý kiến của mình. Nếu thầy cô giáo, bố mẹ có sự ép buộc thì các con được quyền phản ứng. Nếu bố mẹ đánh con hay có bất kể hành động bạo lực, gồm cả về tinh thần và thể xác, thì học sinh có thể mách cô giáo. Nếu cô giáo thấy học sinh của mình tay chân, thân thể bị bầm tím hoặc tinh thần không vui vẻ thì cô sẽ báo với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ đến giải quyết tùy theo mức độ để đưa ra biện pháp xử lý. Trường hợp bố mẹ tái phạm thì sẽ không được quyền nuôi con, các con sẽ được đưa vào các cơ sở xã hội Na Uy nuôi và bố mẹ chỉ được đến thăm theo quy định.

PV: Trẻ em Na Uy có thể làm được điều đó do văn hóa, giáo dục khác với Việt Nam. Trẻ em Việt Nam đã quen với kiểu giáo dục “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không dám phản ứng, nhất là với giáo viên. Ông có nghĩ vậy không?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Đúng là khác nhau về nếp nghĩ nhưng đó là chuyện xưa với giai đoạn xã hội khác, giờ đây đã khác. Xã hội với nhiều diễn biến phức tạp hơn, con người cũng phải có những ứng xử thích ứng. Nếu không, sẽ luôn có chuyện một học sinh chịu đứng cho hàng loạt bạn tát mình hàng trăm cái mà không có động thái gì, sẽ có không ít học sinh phải chịu bị lạm dụng tình dục nhiều lần…

Tôi không muốn nói đến chuyện giáo dục cho các con hành vi phản ứng cực đoan như cãi hỗn hay cũng dùng bạo lực đáp trả..., nhưng phải giáo dục cho các con biết phản biện, biết bày tỏ ý kiến và phải coi đó là chuyện bình thường, nhất là người lớn, không nên quan niệm đó là “hỗn”. Cũng vì cách giáo dục như vậy mà học sinh ở Na Uy không có chuyện học theo kiểu bị động, học một chiều và càng không có chuyện bị bạo hành…

giao duc ky nang ung xu cho hoc sinh trong nguoi ngam den ta
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (Phú Thọ)

PV: Ý của ông là muốn học sinh Việt Nam phải biết lên tiếng, phản ứng theo cách không cực đoan để bảo vệ chính mình?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Đúng thế. Và nhà trường, gia đình… phải dạy được các con làm điều đó.

PV: Ở góc độ khác, việc lựa chọn giáo viên ở Na Uy như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Nói chung trình độ dân trí ở quốc gia này rất cao. Người dân sống hướng thiện, nhân văn, chân - thiện - mỹ, đề cao con người và rất quan tâm tới cộng đồng. Việc lựa chọn giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học, ở Na Uy rất quy củ và nghiêm ngặt. Bởi theo tôi hiểu, thời kỳ này trẻ em như tờ giấy trắng nên giáo viên dạy học sinh ở cấp tiểu học cũng cần phải có những tiêu chí riêng thì mới có thể giúp trẻ em hình thành nhân cách tốt. Tiêu chí của họ trong việc lựa chọn giáo viên tiểu học là phải có học vấn tốt, phải biết cách trình bày, có năng khiếu sư phạm và đặc biệt phải yêu công việc này.

Những ứng viên được lựa chọn để trở thành giáo viên tiểu học phải qua vòng kiểm tra hồ sơ với điểm tâm lý, văn hóa cao; ứng viên phải có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, có tính hài hước, thông minh… và phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn để hội đồng đánh giá lựa chọn và đưa ra quyết định.

Đặc biệt, nhiều trường đại học tại Na Uy chỉ có thời gian đào tạo là 3 năm. Nhưng với ngành sư phạm tiểu học thì yêu cầu đào tạo chặt chẽ và lâu hơn, tới 4 năm. Sinh viên sư phạm phải học rất nhiều cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, phải đi đến các trường thực tập, làm việc theo nhóm để bổ khuyết những cái thiếu, yếu và soi sáng lý thuyết…

Với cách đào tạo sinh viên sư phạm bài bản như vậy, nên khi trở thành giáo viên mới có thể truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà mình lĩnh hội được cho các học sinh. Và các bé học sinh tiểu học được học đều tất cả các lĩnh vực để sau này có thể phát triển mọi mặt.

PV: Một học sinh với nguồn gốc khác, văn hóa khác… nếu học ở Na Uy thì “cái tôi” hay sự phản biện của họ có được chấp nhận như người bản xứ không?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Na Uy là đất nước đa văn hóa, nên họ rất tôn trọng văn hóa của từng quốc gia. Cho dù bạn xuất thân từ nền văn hóa nào thì họ cũng tôn trọng và khuyến khích để mọi người biểu hiện “cái tôi” của nền văn hóa đó. Và, những người kém may mắn, những người yếu thế trong xã hội luôn được phát biểu, trình bày những ý kiến, ý tưởng về văn hóa của đất nước mình.

PV: Xin được hỏi câu cuối cùng, nếu đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục Việt Nam, ông sẽ nói gì?

PGS.TS Lê Thanh Bình: Tại thời điểm này khó có thể đưa ra được đầy đủ mọi vấn đề, vì hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn phát triển, điều chỉnh. Vấn đề mấu chốt là việc lựa chọn người làm giáo dục, đặc biệt là giáo viên tiểu học, cấp học phổ thông phải là người giỏi sư phạm, có văn hóa và tâm huyết với nghề. Nếu chỉ là người làm công tác hành chính thuần túy thì không nên tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ở Na Uy, trẻ em được giáo dục để biết cách nhìn nhận vấn đề rất logic và cơ bản biết đâu là phải - trái, bạo lực… Trên nền tảng đó, học sinh biết phản biện, định hướng từ rất sớm. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được tiếp cận sự nhân văn, tính cộng đồng cao, có thực tiễn về kỹ năng sống thì những chuyện bạo hành, phi giáo dục không thể xảy ra.

Nguyễn Anh

giao duc ky nang ung xu cho hoc sinh trong nguoi ngam den taYêu cầu lập hội đồng kỷ luật vụ cô giáo phạt học sinh 50 cái tát
giao duc ky nang ung xu cho hoc sinh trong nguoi ngam den taBộ GD&ĐT đôn đốc thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.