Giáo dục châu Âu, tại sao bi đát?

07:00 | 11/08/2015

3,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật khó tưởng tượng một số trường đại học danh tiếng của các nước châu Âu bây giờ lại khó khăn như vậy. Nghe cứ như chuyện xảy ra tại các nước thế giới thứ ba chứ không phải xã hội văn minh và hiện đại như châu Âu. Giáo viên không sống nổi, phải còng lưng làm thêm và học sinh - sinh viên bỏ trường, bỏ lớp với đủ lý do…

Chính quyền Ukraina bị “trên đe dưới búa”

Chính quyền Ukraina bị “trên đe dưới búa”

Chính quyền của Tổng thống Ukraina Poroshenko đang chịu sức ép từ nhiều phía. Nga và châu Âu thúc ép ông thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, phong trào cánh hữu từng ủng hộ chính phủ đương nhiệm yêu cầu ông từ chức, trong khi tình hình miền đông Ukraina vẫn ngày càng xấu đi.

Một bức tranh u ám

Tại viện đại học lớn nhất châu Âu La Sapienza (Đại học Rome) với 150.000 sinh viên, lớp học được dựng trong những căn lều xiếc bởi không có tiền sửa phòng học đổ nát. Thông tin liên quan giáo dục châu Âu bây giờ không phải là những khám phá sáng chói mà là những scandal, chẳng hạn vụ một số giáo sư bán điểm để đổi lấy quan hệ tình dục với sinh viên! Immacolata Curinga 27 tuổi, người có bằng thạc sĩ giáo dục và tâm lý học, phải kiếm thêm bằng nghề giữ trẻ với 6 euro/giờ. Tình cảnh tương tự xảy ra khắp châu Âu, từ hệ thống giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Tại Trường Rtli (Berlin), nằm tại một trong những khu Arab - Thổ Nhĩ Kỳ với 83% học sinh không biết tiếng Đức, các bức tường gần như muốn sập.

Giáo dục châu Âu, tại sao bi đát?

Ít người hình dung rằng, giáo dục châu Âu đang trong tình trạng bi thảm

Tại hauptschule (trung học dạy nghề) này, học sinh ra trường ít có cơ hội tìm được việc làm. Cựu Hiệu trưởng Brigitte Pick cho biết, năm 2005, không học sinh nào tốt nghiệp Rtli có thể tìm được việc. Tháng 3-2006, tập thể giáo viên Rtli đã nhất trí ký đơn xin giải thể trường! Trong thế giới “đi chậm là chết” - theo ngôn ngữ nhà báo - nhà toàn cầu học Thomas Friedman, châu Âu đã không bắt kịp nhịp kết nối sự chuyển dịch toàn diện xảy ra trong nền kinh tế thị trường được thúc đẩy bằng chất xám và cạnh tranh sáng tạo. Trong khi đó, hệ thống giáo dục châu Âu tiếp tục “nổi tiếng” với ngân sách khiêm tốn và bộ máy quản trị cồng kềnh. Hơn nữa, tình trạng bất bình đẳng cũng tồn tại như một nhức nhối xã hội.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc Vernor Munoz Villalobos đặc trách giáo dục từng chỉ trích việc nước Đức tống học sinh thuộc thành phần nhập cư vào những trường “cấp ba” (hạng bét) và tình trạng tương tự cũng hiện diện tại Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, nơi trường dành cho dân da màu luôn đồng nghĩa với hình ảnh học sinh nhếch nhác cá biệt, quậy có đẳng cấp và tất nhiên biếng học (cách đây không lâu, Giáo sư Georges Felouzis tại Bordeaux từng nói đến nạn “apartheid” trong học đường Pháp). Trong khảo sát gần đây của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), thành phần nhập cư thế hệ thứ ba tại Đức cũng như một số nước khác có học bạ “bê bối” hơn thế hệ thứ hai (Newsweek).

Hiện trạng trên khiến châu Âu đang đối mặt nguy cơ tụt hậu, không chỉ với Mỹ mà thậm chí với châu Á. Hệ thống đại học châu Âu vẫn sản xuất đều đặn và cung cấp cho xã hội tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp nhất định nhưng lực lượng này nhanh chóng trở thành đối tượng sống nhờ trợ cấp của chính phủ. Cuộc khủng hoảng tại Pháp cách đây vài năm với sự phản kháng quyết liệt của thanh niên trước một dự luật lao động đã cho thấy rõ một phần diện mạo tương lai (u ám) của nền kinh tế tri thức châu Âu. Ở cả ba cấp độ - giáo dục tiểu học, trung học và đại học - Mỹ và Nhật đều tiến xa hơn châu Âu. Mỹ đầu tư 2,6% GDP vào riêng hệ thống đại học, so với 1,1% tại Đức, Ý và Pháp.

Những bất cập

Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí cũng qua mặt ba cụ trí thức cựu trào trên. Theo xếp hạng của Times Higher Education 2015, chỉ 9 đại học châu Âu có mặt trong top 50 mà chủ yếu là ở Anh (không có đại học nào của Pháp). Không đến 1/4 lực lượng lao động châu Âu hiện có bằng đại học, so với 38% tại Mỹ và 36% tại Nhật. Từng là đàn anh về đào tạo, Đức hiện xếp thứ 20 trong 30 quốc gia OECD về toán học và kỹ năng đọc; và thứ 23 về số sinh viên tốt nghiệp. Một trong những nỗi khổ triền miên của hệ thống giáo dục châu Âu là tình trạng quan liêu. Tại Pháp và Đức, các vị đáng kính thuộc bộ, ngành trung ương nhúng tay vào đủ tiểu tiết, từ ngân sách đến bổ nhiệm nhân sự. Áo, Bỉ, Đức và Hà Lan bây giờ vẫn duy trì hệ thống trường học thế kỷ XIX, phân chia học sinh từ độ tuổi rất sớm (10 tuổi) thành các cấp khác nhau. Và hệ thống hauptschule tại Đức chỉ cung cấp trình độ sơ đẳng (đây là vết tích của thời phong kiến, khi xã hội chỉ cần một đại học tinh hoa nhưng cần một lượng lớn nhân công).

Chính sách giáo dục châu Âu còn có nhiều bất cập. Với học sinh tiểu học gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, khoảng 2/3 sẽ được chuyển trường sau lớp bốn, đến hauptschule hoặc trường dành cho người khuyết tật! Trong nhiều trường hợp, bọn trẻ thường chọn con đường dẫn ra “trường đời”. Số học sinh thuộc thành phần nhập cư tại hệ thống dạy nghề Đức đã giảm từ 9,4% năm 1994 xuống còn 5,6% năm 2014, dù tỉ lệ đầu vào tăng 27%. Nếu số học sinh thuộc thành phần nhập cư chiếm 1/3 tổng học sinh Đức vào trước năm 2020 như dự báo, Đức chắc chắn khốn đốn về quả bom nổ chậm này đối với nền kinh tế quốc gia. Sự lãng phí tài năng, tiền của và nguồn đào tạo cũng là vấn đề đáng kinh ngạc. Tỉ lệ học sinh - sinh viên bỏ học tại hệ thống hauptschule Đức là 10% và tại hệ thống đại học Ý là 60%!

Và tất nhiên chúng trở thành “tầm gửi” của chế độ trợ cấp. Văn phòng lao động Liên bang Đức hiện có 960.000 “khách hàng” dưới 25 tuổi và họ phải chi 6 tỉ euro chỉ riêng cho chương trình tái đào tạo những kỹ năng cơ bản, chẳng hạn toán sơ cấp hoặc cách sử dụng Microsoft Word. Và dù tỉ lệ thất nghiệp chính thức tại Đức hiện là 4,5 triệu người nhưng các công ty vẫn “bói” không ra nhân công có tay nghề chứ đừng nói kỹ sư và chuyên gia. Nỗi khổ tâm của giáo dục Đức có nguy cơ làm thiệt hại 0,9% trong tỉ lệ phát triển hằng năm. Không có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng tài trợ giáo dục như tại Mỹ, cái khó của hệ thống giáo dục châu Âu nữa là họ không thể nâng học phí.

Đúng là cơ chế quan liêu mang lại ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng cho giáo dục châu Âu. Trong 25 năm, các bộ trưởng giáo dục Đức luôn cấm học sinh dự bất kỳ cuộc thi quốc tế nào, từ sau một nghiên cứu 1970 cho biết, học sinh Đức ngày càng có học lực kém. Trong khi Mỹ tạo ra mạng kết nối cực tốt giữa hệ thống giáo dục và hệ thống doanh nghiệp để tìm tài trợ cho nghiên cứu, giới quản lý giáo dục châu Âu vẫn không cho phép nhà nghiên cứu tiếp cận những dữ liệu mới nhất. Chẳng phải tự nhiên mà giới khoa học châu Âu kéo nhau sang Mỹ và thậm chí nhiều nước châu Á trong đó có Hàn Quốc để tìm kiếm một “cuộc sống chất lượng hơn”.

Tụt hậu sáng tạo kỹ thuật

Theo Times of London, khoảng 400.000 sinh viên ngành khoa học, kỹ thuật mới tốt nghiệp tại châu Âu hiện sống tại Mỹ và mỗi năm có hàng ngàn người khác tiếp tục cuốn gói lên đường ra nước ngoài. Cuộc khảo sát công bố vào tháng 11/2003, do Ủy ban châu Âu thực hiện cho thấy chỉ 13% khoa học gia châu Âu hiện làm việc tại khu vực họ. Tại Ý, ngân sách cho nghiên cứu công cộng đã giảm một thập niên qua. Ngân sách nghiên cứu khoa học 2004 của Pháp chỉ khoảng 0,9%, không bằng 1/2 kinh phí cần có. Ngân sách 27 tỉ USD của Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (nơi từng khảo sát di chứng chất độc da cam từ chiến tranh Việt Nam) gấp 12 lần so với Ủy ban Nghiên cứu Y học Anh.

Hậu quả thật bi đát. New York Times (18/6/2015) cho biết, tại Mỹ, 3 trong 10 công ty hàng đầu xét về vốn thị trường đều là những công ty kỹ thuật được thành lập trong nửa thế kỷ qua (Apple, Microsoft và Google). Tại châu Âu, không có công ty nào lọt vào top 10. Tháng 5/2015, Ủy ban châu Âu công bố chiến lược “Thị trường kỹ thuật số đơn nhất” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tháo bỏ rào cản cho sáng tạo. Một số nước châu Âu đã mô phỏng Thung lũng Silicon với những trung tâm công nghệ như Công viên Khoa học Oxford tại Anh; “Silicon Allee” tại Berlin và Isar Valley tại Munich; “Silicon Docks” tại Dublin…

Tuy nhiên, “không nơi nào có thể so sánh về quy mô lẫn sự tập trung vào kỹ thuật sáng tạo thật sự mới mẻ như cách tại Mỹ” - nhận xét của Jacob Kirkegaard, kinh tế gia thuộc Viện Kinh tế học quốc tế Peterson. “Fail fast, fail often” (Thất bại nhanh và thất bại thường xuyên” - “khẩu ngữ” của Thung lũng Silicon - là tư duy không được chấp nhận ở châu Âu. Phá sản với người châu Âu không phải là con đường đi đến thành công sau đó như quan niệm của người Mỹ. Và tại châu Âu, việc bị sa thải, như cách Steve Jobs bị sa thải từ chính công ty mình sáng lập, là một nỗi nhục!

Trong toàn khối EU, Anh có lẽ là quốc gia duy nhất không bị ảnh hưởng bởi không khí bảo thủ trong giáo dục đại học châu Âu nói chung. Anh có ba đại học nằm trong top 10 danh sách Times Higher Education 2015. Giáo dục đại học Anh bắt đầu được nhấn mạnh khi Thủ tướng Margaret Thatcher tiến hành kế hoạch lột xác hệ thống giáo dục đại học vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ảnh hưởng về lâu dài của chính sách Thatcher tiếp tục duy trì và càng được làm đậm dưới thời các thủ tướng sau đó. Hệ thống đại học Anh được quyền tự quyết trong cân đối chính sách học phí; và đại học Anh cũng nhận tài trợ từ doanh nghiệp tư nhân.

Thập niên 60, hình ảnh quen thuộc nhất trong giảng đường Anh là các nhà xã hội học cấp tiến; bây giờ là giới doanh nghiệp kinh viện. Dù vậy, đại học Anh vẫn còn ảnh hưởng của bóng dáng cơ chế bao trùm nhà nước và hoạt động thiếu hiệu quả. Oxford hiện tồn tại với mức thâm thủng ngân sách hoạt động 20 triệu bảng/năm và thâm thủng ngân sách giảng dạy - nghiên cứu 95 triệu bảng/năm. Bộ Tài chính chỉ trả chừng 1/2 so với mức kinh phí trung bình 18.600 bảng/năm cần có để đào tạo một sinh viên Oxford... Toàn cảnh, có lẽ vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục châu Âu là sự hạn chế của xã hội hóa, theo mô hình kinh tế thị trường, như thành công không thể không thừa nhận của hệ thống giáo dục Mỹ.

Chảy máu chất xám Cách đây ba năm, giới lãnh đạo châu Âu từng thề Liên minh châu Âu (EU) sẽ là nền kinh tế tri thức (knowledge-based economy) năng động và có tính cạnh tranh cao nhất thế giới vào trước năm 2010. Tuy nhiên, 5 năm đã trôi qua sau cột mốc trên và viễn tưởng trên vẫn là ảo tưởng, bởi hiện tượng chảy máu chất xám đang bùng nổ tại châu Âu. Hàng ngàn bộ não tinh túy của châu Âu đang được sử dụng tại Mỹ. Time cho biết khoảng 400.000 sinh viên ngành khoa học-kỹ thuật mới tốt nghiệp tại châu Âu hiện sống tại Mỹ và mỗi năm có hàng ngàn người khác tiếp tục cuốn gói lên đường ra nước ngoài.

Cuộc khảo sát công bố vào tháng 11/2013 do Ủy ban châu Âu thực hiện cho thấy chỉ 13% khoa học gia châu Âu hiện làm việc tại khu vực họ. Cơn lốc khoa học gia châu Âu lên đường sang Mỹ tất nhiên không mới. Albert Einstein và Enrico Fermi từng vượt Đại Tây Dương và cuộc đổ bộ của giới khoa học châu Âu sang Mỹ tiếp tục ào ạt vào thập niên 1950-1960, khi Mỹ tung hàng tỉ đôla cho nghiên cứu khoa học quốc phòng.

M.Kim

Năng lượng Mới 445

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc