Gian nan tiến trình Brexit

06:56 | 16/02/2017

421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hạ viện Anh ngày 9-2-2017 đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May khởi động tiến trình chính thức đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi nước Anh hoàn toàn tách khỏi EU là cả một tiến trình gian nan và đầy phức tạp.

Hiện dự luật khởi động Brexit còn cần phải được Thượng viện Anh thông qua, dự kiến vào ngày 20-2 này, trước khi chính thức trở thành luật. Giới quan sát dự đoán, dự luật sẽ dễ dàng vượt qua tại Thượng Viện mặc dù phe Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh không chiếm đa số. Chính phủ của bà May hy vọng các thủ tục pháp lý mở đường cho việc chính thức khởi động Brexit sẽ hoàn tất vào ngày 7-3 tới.

gian nan tien trinh brexit
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu về lộ trình rời Liên minh châu Âu, ngày 17-1-2017

Hồi giữa tháng 1-2017, Thủ tướng Theresa May chính thức công bố lộ trình rời EU, theo đó tiến trình Brexit sẽ bắt đầu trước cuối tháng 3-2017. Cuộc bỏ phiếu (hôm 9-2) cho thấy quá trình "ly hôn" của Anh với EU đang diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu. Nếu như cách đây không lâu, phía Chính phủ Anh còn tỏ ra lúng túng, chưa có hướng đi cụ thể và không có ý định vội vàng trong việc thúc đẩy đàm phán Brexit, thì bây giờ mọi việc đang diễn ra một cách vô cùng chóng vánh. Những gì đang diễn ra cho thấy thái độ của Anh quốc về Brexit đã hoàn toàn thay đổi.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi chóng mặt này được cho là do lời ngỏ về việc hợp tác thương mại Anh - Mỹ sau khi nước này hoàn toàn chấm dứt với EU. Cụ thể vào hồi đầu tháng 1-2017, khi còn chưa chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã công khai tuyên bố trên báo Đức rằng ông rất ủng hộ những thỏa thuận thương mại giữa Washington và London thời hậu Brexit. "Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận phù hợp với tình hình hai nước, theo đúng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương”, tân Tổng thống Mỹ từng phát biểu.

Và để biến lời bỏ ngỏ này của ông chủ Nhà Trắng thành sự thật thì điều tất yếu London cần làm lúc này đó là đẩy nhanh quá trình Brexit để nước này nhanh chóng chấm dứt mọi mối ràng buộc với EU. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng khi đi vào thực tế đàm phán là vô cùng rắc rối, vì tất cả các bên đều muốn đảm bảo lợi ích cho mình. Thủ tướng Theresa May thì vừa muốn xây dựng quan điểm thống nhất bên trong Vương quốc về thể thức rút khỏi EU lại vừa muốn thương thuyết về quan hệ của Vương quốc với EU. Ngược lại, lãnh đạo EU cũng có nhu cầu giải quyết êm thắm vụ ly khai mà không gây ra tiền lệ, là các thành viên còn lại cũng có thể muốn ra đi.

Trong phát biểu hôm 17-1-2017, Thủ tướng May cho biết quan điểm của bà về thể thức triệt thoái. Trước hết, bà nhắc lại hai điểm chính thuộc về triết lý chính trị của hồ sơ Brexit: chủ quyền quốc gia và thống nhất quốc gia. Là một lãnh đạo đảng Bảo thủ và không ủng hộ chủ trương ly khai, bà cần nhắc lại như vậy vì nhiều người không hiểu tại sao dân Anh đòi rút. Anh muốn giành lại chủ quyền quốc gia, nhất là quyền quyết định về chính sách tiếp nhận di dân - yếu tố then chốt của cuộc trưng cầu dân ý và về chính sách mậu dịch cùng luật lệ bên trong Vương quốc Anh. Đa số dân Anh đòi rút khỏi EU vì muốn giảm bớt số người nhập cư, lấy lại quyền hạn cho Quốc hội và cơ chế Tư pháp của Anh.

Muốn đạt những mục tiêu ấy, London phải thực hiện hai điều. Thứ nhất, ra khỏi khuôn khổ thị trường thống nhất là nơi mà hàng hóa, dịch vụ và con người có quyền tự do di chuyển. Thứ hai, thương thuyết lại “một hiệp định toàn diện, lớn lao và đầy tham vọng” với châu Âu.

Khi ra khỏi thị trường thống nhất, Anh có toàn quyền thương thuyết lại các thỏa ước mậu dịch, bao nhiêu cũng được, với ai cũng được, bên trong có những khu vực hay thành phần kinh tế nào mà quốc gia thấy là có lợi cho mình. Chủ quyền quốc gia là thế. Thủ tướng May nêu ví dụ là ngoài việc đàm phán hiệp ước mậu dịch với EU, Anh có thể thương thuyết với Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc hay Brazil…

Theo giới chuyên môn, những việc đàm phán ấy thường kéo dài nhiều năm, có khi là 5-7 năm. Có hai khó khăn lớn mà tiến trình đàm phán rời EU của Anh gặp phải. Thứ nhất là vấn đề thống nhất quốc gia. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là một tập thể 4 nước gồm có Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland. Bên trong liên hiệp có Scotland và Bắc Ai Len là nơi mà đa số lại muốn Vương quốc Anh tiếp tục là thành viên của EU. Riêng chính quyền Scotland còn lên tiếng kêu gọi Anh ở lại trong thị trường thống nhất. Thủ tướng May hiểu ra vấn đề nên vừa thương thuyết với EU bà vừa phải trấn an các thành viên còn lại với đề nghị thành lập một Ủy ban Liên bộ sẽ tiến hành việc đàm phán với EU để từng chính quyền địa phương đều có tiếng nói.

Năm 2014, Scotland đã trưng cầu dân ý để quyết định xem có muốn nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hay ly khai thì đa số quyết định ở lại. Chính vì vậy mà chính quyền của Thủ tướng tiền nhiệm David Cameron mới tưởng rằng nếu trưng cầu dân ý thì đa số dân chúng cũng muốn ở lại trong EU. Như nhiều người khác, ông đoán lầm nhu cầu giành lại chủ quyền quốc gia và phe chủ trương Brexit chiếm đa số. Thực tế, xu hướng ly khai của Scotland vẫn còn và chính quyền nước này vẫn dùng đó làm áp lực để có tiếng nói trong việc đàm phán giữa Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và EU!

Thứ hai, khó khăn hơn là chuyện đàm phán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland - EU. Nên nhớ rằng, EU là một tập thể có 27 thành viên và quốc hội của từng thành viên - bên trong từng quốc hội còn có những thành viên thiếu thống nhất - có quyền phê chuẩn.

Khi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thương thuyết với EU, bất cứ thành viên nào của châu Âu cũng có quyền phủ quyết, nôm na là phá hoại, nếu quốc hội không phê chuẩn. Và bên trong từng quốc hội, mâu thuẫn hay xung đột quyền lợi của quốc gia cũng có thể gây khó cho quốc hội. EU thiếu thống nhất khiến từng nước có thể bắt bí việc phê chuẩn hiệp ước Anh - châu Âu vì những lý do có khi chẳng liên hệ gì đến Brexit! Đấy là cơn ác mộng chung. Nó sẽ kéo dài bao lâu?

Theo quy định của EU, một thành viên có thể thoát ly thì sau khi quyết định, tập thể và quốc gia kia có thời hạn hai năm để đàm phán về quan hệ tương lai giữa đôi bên. Vì tình chất quá phức tạp của việc đàm phán, người ta có thể gia hạn. Thủ tướng May nói rằng, Anh không muốn kéo dài giai đoạn ấy, nhưng cũng cần thời gian chuyển tiếp cho các doanh nghiệp Anh bố trí lại tổ chức cho môi trường sinh hoạt mới. Nhưng quyết định gia hạn quá hai năm cũng cần được các thành viên châu Âu phê chuẩn, nên nhiều nước sẽ khai thác cơ hội để đòi EU nhượng bộ những đòi hỏi riêng của mình.

Vì vậy, 2 năm tới sẽ là thời gian khốn khổ cho EU! Cho nên, có thể thấy bản kế hoạch của Thủ tướng Anh hôm 17-1 mới chỉ là khúc dạo đầu cho vô số tranh cãi sắp tới, không chỉ song phương với châu Âu, mà như bà Theresa May đã bày tỏ hy vọng là nước Anh sẽ đạt được vai trò quốc gia thương mại toàn cầu, tiếp tục được thế giới tin cậy và trong nước thì đoàn kết.

Một khó khăn khác ít được nhắc đến, đó là vấn đề di dân. Mặc dù vấn đề kinh tế luôn được bàn cãi đầu tiên nhưng di dân mới là lý do chính khiến rất nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Cho đến nay, vấn đề này hầu như bị bỏ trống trong bản kế hoạch cụ thể.

Khi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thương thuyết với EU, bất cứ thành viên nào của châu Âu cũng có quyền phủ quyết, nôm na là phá hoại, nếu quốc hội không phê chuẩn. Và bên trong từng quốc hội, mâu thuẫn hay xung đột quyền lợi của quốc gia cũng có thể gây khó cho quốc hội. EU thiếu thống nhất khiến từng nước có thể bắt bí việc phê chuẩn hiệp ước Anh- châu Âu vì những lý do có khi chẳng liên hệ gì đến Brexit! Đấy là cơn ác mộng chung. Nó sẽ kéo dài bao lâu? Theo quy định của EU, một thành viên có thể thoát ly thì sau khi quyết định, tập thể và quốc gia kia có thời hạn hai năm để đàm phán về quan hệ tương lai giữa đôi bên.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc