Giảm tải chương trình sách giáo khoa: Dục tốc bất đạt!

08:20 | 14/09/2011

1,065 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Mở đầu năm học mới 20112012, năm đầu tiên thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo”, Bộ GDĐT đã đưa ra phương án giảm tải chương trình sách giáo khoa cho học sinh tiểu học, THCS và THPT.

Học sinh vẫn "hoa mắt" với chương trình giảm tải sách giáo khoa.

7 ngày ít ỏi lấy ý kiến

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, năm học 2011-2012 có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Và có lẽ để mở đầu cho giai đoạn giáo dục mang tính chiến lược này, ngày 17/8, Bộ GD-ĐT bất ngờ “đòi” lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học ở tiểu học, THCS, THPT. Theo đó, nội dung được điều chỉnh trong tài liệu này sẽ là cắt giảm một phần kiến thức trong chương trình sách giáo khoa.

Tiếp đó, ngày 19/8 Bộ GD-ĐT có công văn gửi các cơ quan thông tấn báo chí đề nghị ủng hộ thực hiện việc giảm tải, thông qua việc đưa tin tuyên truyền và đăng tải các ý kiến đóng góp vào dự thảo. Và thời hạn cuối gửi đến Bộ các ý kiến đóng góp chỉ là ngày 24/8. Thời gian vỏn vẹn chỉ trong 1 tuần, thật sự quá ngắn ngủi cho một dự thảo có tầm chiến lược để “đổi mới giáo dục”.

Nhưng điều đáng nói ở đây, hoạt động giảng dạy học tập của thầy cô và học sinh trên nhiều địa phương đã bắt đầu từ đầu tháng 8 và một điều tất nhiên là các tiết học này vẫn diễn ra trên tinh thần “chưa giảm tải”, bởi lẽ tài liệu hướng dẫn chưa đến tay các thầy cô.

Và trong khi cả thầy và trò đều đang bộn bề trong công việc đầu năm học mới, thì thời hạn 1 tuần phải nói là cực kỳ ít ỏi để suy nghĩ và cân nhắc, làm sao đóng góp ý kiến vào dự thảo giáo dục sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều vấn đề này mà vẫn có thể mang lại hiệu quả cao nhất…

Quyết định như vậy có khác nào đánh đố?

Cập rập, rối ren…

Ông Phạm Hữu Hoan, Phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Ngày 7/9, sau ba ngày kể từ khi Bộ GD-ĐT ban hành tài liệu giảm tải chính thức, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn cụ thể gửi đến các trường”.

Theo công văn này, ban giám hiệu các trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn họp để thảo luận, thống nhất việc điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết trên cơ sở lược bớt những nội dung, yêu cầu đã được Bộ GD-ĐT cho phép.

Tuy nhiên, Sở chỉ đạo như vậy nhưng các trường vẫn còn lấn cấn việc thống nhất cách thực hiện. Có trường mới chỉ xong việc phát tài liệu cho giáo viên nghiên cứu. Có trường chờ phòng GD-ĐT hướng dẫn chi tiết, một số lãnh đạo phòng vẫn chờ sở.

“Bảo tinh giản thì cứ nghiên cứu tài liệu, nhưng cách làm thế nào để tinh giản có hiệu quả còn phải chờ thống nhất” – một giáo viên Trường THCS Trưng Nhị, Hà Nội phát biểu.

Nhiều thầy cô giáo dạy văn và sử ở Trường THCS Trưng Nhị, THPT Trần Phú, Hà Nội chia sẻ: “Nếu bây giờ chúng tôi cứ chủ động triển khai, sau này ở trên lại chỉ đạo khác, thanh tra chuyên môn khi kiểm tra lại vặn vẹo thì chúng tôi biết làm sao?”. Và “không thống nhất, trong trường hợp có những đề kiểm tra chung của trường, của quận, rất có thể học sinh sẽ bị thiệt thòi khi giáo viên mỗi lớp làm một kiểu”.

Cô Võ Thu Hà – giáo viên môn toán Trường THPT Phú Hòa, TP HCM cho biết: “Chúng tôi xem trên mạng mới thấy nhiều bài giảm tải nằm ngay trong chương đầu tiên, như phần hình học lớp 11 và phần đại số lớp 10 – tức là dạy ngay trong những ngày đầu năm học. Thời điểm này mới quyết định, mới tiến hành giảm tải đã quá trễ và có vẻ cập rập, bị động. Đáng lẽ tài liệu giảm tải phải cung cấp cho giáo viên ngay từ trong hè vì đây là thời điểm chúng tôi soạn đề cương cho năm học mới”.

Nhiều luồng ý kiến cũng ủng hộ quan điểm, chủ trương “giảm tải” để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng, giảm cái gì, giảm như thế nào, mức độ ra sao trong cả chuỗi các nguyên nhân gây “quá tải” cho học sinh, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải nghiên cứu nghiêm túc và cân nhắc kỹ lưỡng.

Giảm nhưng còn vụn vặt

Nội dung giảm tải ở một số môn như Vật lý khối 10, Địa lý khối 10, Hóa học khối 12, Sinh học cả 3 khối lớp 10, 11, 12… có nội dung giảm tải ngay từ bài 1 nhưng với tình hình hiện nay, các thầy cô khó lòng áp dụng.

Khi tham khảo nội dung giảm tải trên mạng, thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP HCM) bày tỏ: “Mang tiếng là giảm tải chương trình nhưng thực chất những phần được giảm rất vụn vặt, chủ yếu nằm ở phần bài tập, lác đác vài thí nghiệm nhỏ ở trong bài giảng. Như vậy, giảm hay không giảm không khác nhau mấy”.

Đồng quan điểm, cô Dương Thu Trang, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết nội dung giảm tải môn Văn tập trung chủ yếu ở hai khối lớp 10 và 11. Đây là hai khối lớp đã được Sở GD-ĐT giao quyền tự chủ ra đề thi cho các trường nên dù không giảm tải, mỗi trường cũng tự giới hạn chương trình cho học sinh trường mình. Trong khi đó, khối 12 vốn chịu nhiều áp lực thi cử nhất nhưng theo hướng dẫn giảm tải của bộ, chỉ giảm đúng 1 bài “Nhân vật giao tiếp”, trong khi bài này không nằm trong chương trình thi cử. Do đó, mang tiếng là giảm tải nhưng thực chất chương trình học không có bất kỳ thay đổi nào.

“Mặc dù chưa được triển khai chính thức nhưng hướng dẫn giảm tải của bộ không khiến nhiều giáo viên dạy Văn như tôi quan tâm vì có giảm cũng như không”, cô Trang chia sẻ.

Riêng phần giảm tải chương trình Anh văn khối 8, có đến 4/10 nội dung giảm tải dành cho việc sửa lỗi chính tả như sửa “ansers” thành “answers” (bài tập 2, unit 6, trang 57), thay “to” thành “from” (dòng thứ 6 từ dưới đếm lên, unit 15, trang 145), “Delhi” thành “New Delhi” (dòng cuối cùng, unit 15, trang 145)…

Nội dung giảm tải môn Sinh học lớp 12 cũng có phần thay đổi từ vựng “giải thích” thành “nêu cơ chế…” (bài 3, chương 1, trang 15). Như vậy, phải chăng văn bản hướng dẫn giảm tải đã làm nhiệm vụ của một tờ đính chính? Và như thế, mục tiêu giảm tải theo hướng “cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh” do Bộ GD-ĐT đề ra có còn ý nghĩa?

Có ý kiến còn cho rằng bên cạnh việc giảm tải chương trình sách giáo khoa hiện có, liệu những chương trình và nội dung mà Bộ đã quyết đưa thêm vào giảng dạy trong nhà trường từ năm trước đã thực hiện chưa và thực hiện như thế nào? Ví dụ như việc dạy bơi lội cho học sinh, dạy luật pháp, dạy chống tham nhũng trong nhà trường.

Chính vì vậy, việc giảm tải không phải là một sự cắt xén chuyển dịch cơ học mà phải hoàn thiện một bức tranh tổng hợp đa dạng, hài hòa và phải hết sức thận trọng, chứ đừng cập rập, gấp rút, dục tốc để rồi lại bất đạt…

5 nhóm nội dung giảm tải:

1.Những kiến thức được viết trong chương trình, SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau.

2. Những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo nguyên tắc đồng tâm.

3. Những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

4. Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.

5. Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.

Thanh Huyền (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc