Giám sát thế nào đây?

15:46 | 01/11/2015

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay công dân quen với thông tin về các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước. Các hoạt động này nhiều đến mức trong dân gian có câu, kiểm sát chưa qua thanh tra đã tới. Đã có những vụ án động trời bởi trước khi đương sự ra tòa đã có nhiều, thậm chí rất nhiều đoàn thanh tra đã “đào bới xới lộn” các hoạt động sản xuất kinh doanh ở đơn vị này mà không tìm ra sai phạm. 

Rồi nữa, có các hoạt động giám sát khác với thanh tra kiểm tra. Thế nhưng, tiếp các đoàn giám sát là dễ chịu nhất. Họ hiền như bụt. Nói sao nghe vậy, không quay,  không truy, nói gì cũng gật và cứ như vậy, đoàn đến rồi đoàn lại đi, bao nhiêu sai phạm có gì “bị” đâu.

giam sat the nao day

Nói về những bấp cập trong hoạt động giám sát, thật khó có cách nói nào hay hơn đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 21-10 như sau: Đi giám sát mà để dê cấp cho người nghèo đi lạc vào nhà bí thư lại không biết, tiền cho người nghèo lại chia hết cho cán bộ xã cũng không biết thì rất gay! Chuyện này xảy ra ở nơi đã bầu ông vào Quốc hội, nhưng việc tham nhũng vặt của quan chức đã không bị phát hiện cho đến khi báo chí lên tiếng, tố cáo việc đàn dê xóa đói giảm nghèo cho dân lại lạc chuồng vào nhà quan. Ông Thuyền không biết, lãnh đạo tỉnh cũng không biết chuyện dê lạc chuồng vì các đoàn giám sát không phát hiện.

Vị đại biểu này so sánh ví von rằng, luật như tấm vải đẹp, trở thành quần áo xấu hay đẹp do người thợ may. Việc giám sát hiệu quả là ở chủ thể thực hiện giám sát và đối tượng giám sát, ông đã phản ánh thực trạng nhiều đoàn kéo đi rất đông nhưng chỉ nghe báo cáo qua loa, đến địa phương không gặp trực tiếp mà chỉ nghe báo cáo, liên hoan xong rồi về.

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng nhận xét rằng, thực tế hiện nay giám sát chỉ mới nghe ngóng, chưa vào “trong chăn để biết chăn có rận”.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng ngán ngẩm khi nhắc đến cảnh “Đoàn đến rồi đoàn lại đi, địa phương chẳng chuyển biến gì, vô tư!”.

Ông kiến nghị quy định kết luận giám sát của các cơ quan dân cử sẽ được chuyển đến cấp trên của đối tượng giám sát để cơ quan này đôn đốc thực hiện, chứ không đợi đến khi đối tượng không thực hiện thì mới kiến nghị cấp trên xử lý.

Nhiều đại biểu cũng chung tâm trạng như Phó đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Đều không hài lòng việc đoàn giám sát về làm việc êm đẹp, ra về may mắn, thế là thành công.

Đại biểu Sinh cho rằng, cần có quy định để cá nhân hóa các hạn chế yếu kém, phát hiện qua giám sát, từ đó khắc phục, tạo sự chuyển biến hoặc thay đổi con người để lĩnh vực đó có hiệu quả hơn. Cử tri thì cho rằng, nếu các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ không thể có các vụ Vinashin. Vinalines, VLCII khiến Nhà nước ta mất người, mất của.

Tại nghị trường, hoạt động chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn có liên quan đến hoạt động giám sát, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định, những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không quy định việc ủy quyền trả lời chất vấn. Đôi khi, rõ ràng người đứng đầu thoái thác trả lời chất vấn, làm giảm bớt ý nghĩa của cuộc chất vấn.

Nhận thấy, Dự thảo Luật Hoạt động giám sát mới cũng không điều chỉnh vấn đề này, có đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ các chức danh bị chất vấn, không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, HĐND. Và khi Quốc hội, HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng chia sẻ, thực tiễn tham gia một số phiên họp HĐND, chất vấn các sở, ngành, giám đốc các sở vẫn tham dự phiên họp, nhưng cấp phó lại lên trả lời chất vấn, như vậy là vô lý.

Đọc báo, xem đài thấy các nghị sĩ ở ta nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh, thậm chí tố giác của công dân, nhưng rốt cuộc đều được “kính chuyển tới cơ quan chức năng và thế là xong trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Tại sao vậy? Hóa ra việc xây dựng, ban hành đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vẫn đang được sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục sự tản mạn các quy định về vấn đề này trong các văn bản pháp luật khác nhau, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Các đại biểu hoan nghênh việc bổ sung quy định chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát nếu có vi phạm.

Các chuyên gia cho rằng, để hoạt động giám sát của đại biểu dân bầu đạt hiệu quả cao, cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể giám sát và chịu sự giám sát, với chế tài chặt chẽ. Thật chí lý, mảnh vải quý có trở thành quần áo đẹp tùy thuộc vào thợ may. Phải tin ở thợ may!

Bảo Văn

Năng lượng Mới 470

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc