Logistics tại thành phố Hồ Chí Minh

Giải tỏa điểm nghẽn - Tăng tính kết nối

07:08 | 15/09/2019

332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vận tải đường bộ, đường sắt lạc hậu, hiệu quả thấp; đường biển, đường hàng không chi phí cao; ít kho bãi, thiếu đất dành cho thương mại..., những điểm yếu đó của logistics đang là rào cản lớn đối với hoạt động thương mại. Vấn đề này đã được các nhà quản lý, các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển dịch vụ TP HCM và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của thành phố giai đoạn 2020-2030” do UBND TP HCM tổ chức mới đây.
giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM: 50 năm nữa mới đạt chuẩn giao thông

Tại TP HCM hiện cứ 10km2 mới chỉ có 2,1km đường. Như vậy, thành phố phải mất 50 năm nữa mới đạt chuẩn km đường trên km2. Chưa kể dân số thành phố không ngừng tăng cao, 5 năm tăng 1 triệu người, kéo theo lượng xe máy, ôtô tăng theo.

Cùng với đó, giao thông của khu vực phía Nam, cụ thể là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cho thấy rõ sự yếu kém. Cả nước hiện có 800km đường cao tốc nhưng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mới chỉ có 91km, chiếm 11,5%. Mật độ dân số của vùng gấp 2,8 lần bình quân cả nước, hàng hóa đưa ra thị trường gấp 2,5 lần, trong khi đường xá thì nhỏ bé, chật hẹp.

Hạ tầng giao thông đã trở thành điểm nghẽn lớn nhất cho phát triển TP HCM. Quỹ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9% diện tích thành phố so với trung bình của đô thị quốc tế là 20%. Bài toán giao thông chưa giải quyết được chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của TP HCM, do đó cần giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại TP HCM, tập trung nguồn lực để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Nhiều điểm nghẽn hạ tầng du lịch

Ngành du lịch TP HCM có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa phát triển đúng tầm. Du lịch gặp nhiều điểm nghẽn về hạ tầng. Đường bộ thường xuyên kẹt xe, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nặng, trong khi 80% du khách đến TP HCM bằng đường hàng không. Rất nhiều hãng hàng không làm việc với chúng tôi để trao đổi về việc mở đường bay mới, kết nối đường bay trực tiếp, nhưng TP HCM đang gặp khó khăn trong việc mở rộng sân bay. Do đó, phát triển Sân bay Long Thành cần có kết nối thuận lợi giữa 2 sân bay.

TP HCM có lợi thế lớn phát triển du lịch đường thủy, nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng giao thông thủy, điểm nghẽn chính là cầu cảng, bến bãi, khu dịch vụ để phục vụ cho du khách còn hạn chế, kết nối giao thông rất khó khăn. TP HCM có rất nhiều cá nhân và tổ chức sở hữu du thuyền nhưng hiện chưa có bến đậu nào hoàn chỉnh. Đây chính là một trong những rào cản khiến du lịch TP HCM chưa thể có những đột phá phát triển tốt như kỳ vọng.

giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Cần cơ quan đầu mối tổng chỉ huy logistics

Hệ thống thương mại TP HCM chiếm 22% cả nước với hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống. Dự kiến, đến năm 2025, TP HCM có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện ích..., cần khoảng 1,85 triệu m2 đất, nhưng điều kiện hạ tầng cho phát triển khá hạn chế. Mỗi năm TP HCM có khoảng 600 hội chợ, triển lãm, nhưng các địa điểm tổ chức không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện thành phố chỉ có một trung tâm triển lãm thương mại lớn, đúng tiêu chuẩn ở quận 7, còn rất nhiều hội chợ, triển lãm phải tận dụng hội trường, nhà thi đấu, sân vận động, nhà thiếu nhi... để tổ chức. Đây chính là một trong những lý do thương mại TP HCM chưa phát huy hết tiềm năng. Sở Công Thương đang phối hợp các sở, ngành, quận, huyện lập hồ sơ trình UBND thành phố về địa điểm có thể thành lập thêm trung tâm hội chợ triển lãm thương mại.

giai toa diem nghen tang tinh ket noi
TP HCM đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông

Nhiều năm qua, TP HCM dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước về logistics. Khối lượng hàng hóa vận chuyển của TP HCM chiếm trên 40% vùng và gần 10% cả nước; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt gần 75% vùng và trên 20% cả nước. Khoảng 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam (gần 3.000 doanh nghiệp) đặt trụ sở tại TP HCM. TP HCM chiếm 50% doanh nghiệp logistics có quy mô từ 1.000 đến dưới 5.000 lao động của cả nước, đóng góp 35% doanh thu vận tải - kho bãi cả nước. Thế nhưng TP HCM chưa có trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí và quy hoạch phát triển logistics.

Theo kế hoạch, TP HCM sẽ thành lập 3 trung tâm logistics. 2 trung tâm hạng II quy mô mỗi trung tâm đến năm 2020 tối thiểu là 40 ha và đến năm 2030 là trên 70 ha, phạm vi hoạt động chủ yếu gồm TP HCM và các tỉnh lân cận phía Bắc, phía Nam thành phố; kết nối với các cảng cạn, cảng biển, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp...

Sở Công Thương TP HCM kiến nghị Bộ Công Thương, đề xuất Chính phủ về việc cần có cơ quan đầu mối giữ vai trò “tổng chỉ huy”, điều hành thống nhất, đồng bộ logistics. Bởi vì theo quy định hiện hành, toàn bộ hạ tầng giao thông, bến bãi và quản lý dịch vụ vận tải đều do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách; chỉ có trung tâm logistics (một phần của hạ tầng logistics) do Bộ Công Thương phụ trách. Bộ Công Thương cần phối hợp các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cần khắc phục tình trạng mỗi tỉnh, thành phố phải tự xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics riêng lẻ, thiếu sự kết nối chặt chẽ với nhau và cũng không thể hiện được thế mạnh đặc thù của từng địa phương.

giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Logistics là gánh nặng của doanh nghiệp

Dịch vụ logistics tại Việt Nam đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp. Thống kê chỉ rõ, một số mặt hàng phải gánh chi phí logistics khá cao, đơn cử: gạo, rau củ quả, mỹ nghệ, đồ uống... Do chi phí logistics cao nên chỉ số đánh giá thành phần của logistics Việt Nam trong năm 2018 không cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam đạt 3,01 điểm, xếp hạng 47 trên tổng số hơn 100 quốc gia; năng lực và chất lượng dịch vụ đạt 3,4 điểm, xếp hạng 33. Ngoài ra, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khá cao, cụ thể: Thuê vận tải quốc tế chiếm 80%, môi giới bảo hiểm 72,7%, kho ngoại quan 70%, làm thủ tục xuất/nhập khẩu và giao nhận gần 53%...

Nhận thức được sự cấp thiết của logistics nên nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư, phát triển nhưng phải đối diện với các khó khăn liên quan như chi phí cao, nguồn nhân lực hạn chế, cơ chế chính sách chưa phù hợp, thủ tục phức tạp, thiếu cơ sở hạ tầng (kho hàng, bến bãi).

Muốn phát triển logistis cần hướng đến các mục tiêu: Hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển của TP HCM chiếm trên 40% vùng và gần 10% cả nước; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt gần 75% vùng và trên 20% cả nước. Khoảng 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam (gần 3.000 doanh nghiệp) đặt trụ sở tại TP HCM…

Để làm được điều đó, thời gian tới cần có sự vào cuộc của các bên liên quan, gồm nhà sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý. Nhà sử dụng dịch vụ logistics cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhà cung cấp dịch vụ logistics phải tạo chuỗi dịch vụ giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian; phát triển dịch vụ logistics nội địa và logistics thương mại điện tử xuyên biên giới. Cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng vận tải thủy nội địa; có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics...

giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Ùn tắc giao thông đang là vấn đề lớn của TP HCM
giai toa diem nghen tang tinh ket noi

Ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Công ty LEL Express: Nhiều thách thức lớn cho logistics

Thách thức lớn nhất hiện nay chính là các quy định về giao thông thường xuyên thay đổi, thủ tục hành chính phức tạp, nhiều quy định cấm đã có từ lâu nhưng không thực sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Thứ hai là phương tiện vận chuyển không đa dạng, thiếu, giá thành cao, chủ yếu là giao hàng bằng xe máy, hiệu quả thấp khiến cho chi phí đầu tư và vận hành cao.

Nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm hiện được đánh giá là một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp logistics đau đầu bởi các nhân lực chủ yếu vừa làm vừa học, thiếu kiến thức nền tảng về logistics.

Thách thức cuối cùng là công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ trong e-Logistics còn thấp, phần nhiều mới chỉ là các hoạt động thủ công dẫn tới sai sót, chi phí cao, nhất là khi sản lượng hàng hóa tăng mạnh.

Tất cả những thách thức đó đã kéo theo chi phí logistics tại Việt Nam bị đội lên cao và chiếm khoảng 30% doanh thu của doanh nghiệp.

giai toa diem nghen tang tinh ket noi

TS Nguyễn Ngọc Hiếu - giảng viên Đại học Việt Đức: Tính kết nối là yếu tố sống còn

TP HCM đứng trước thách thức lớn là phải cạnh tranh với nhiều đô thị và thích nghi với những biến đổi mới. Tăng trưởng về công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ đang dịch chuyển dần ra khỏi địa bàn TP HCM. Tốc độ đô thị hóa ở vùng ven sẽ cao hơn vùng lõi trong thập niên tới. TP HCM cũng không có lợi thế về mở rộng đất đai cho phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng, công nghiệp tốt hơn Bình Dương hay Đồng Nai. Trong khi đó, Dự án Sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Bình Dương - Vũng Tàu sẽ là những động lực tăng trưởng đô thị và công nghiệp dọc tuyến hành lang chiến lược kết nối sân bay và cảng biển nằm ngoài phạm vi TP HCM

Do đó, TP HCM cần dựa vào năng lực kết nối để cạnh tranh. Trong cuộc cạnh tranh mới về năng lực và công nghệ, ai nhanh hơn, đa dạng hơn, tin cậy hơn sẽ thắng. Trong nền kinh tế số, tính kết nối là yếu tố sống còn làm cơ sở để các bên cùng phối hợp hành động. Nơi tạo được nền tảng và hệ sinh thái kết nối không chỉ thông tin mà còn toàn bộ lực lượng sản xuất tham gia theo khả năng của họ vào các hệ thống sản xuất, thương mại và dịch vụ dẫn tới giảm chi phí giao dịch, nhanh hơn, đa dạng hơn, hiệu quả hơn sẽ thắng thế.

TP HCM là lõi của vùng cần định hướng chuyển hóa thành trung tâm của chùm các đô thị có kết nối đa chiều. Trong đó, vùng lõi không thể cản trở sự mở rộng của các thành phố bên ngoài. Vì vậy, TP HCM cần chủ động tham gia và hợp tác với các bên để mỗi thành tố trong cấu trúc vùng phát triển hiệu quả hơn bằng cách củng cố các hành lang phát triển đến các nơi có tiềm năng cao. Các nhân tố mới như sân bay Long Thành, đường sắt và đường bộ cao tốc kết nối với cảng Thị Vải cần được “đối trọng” bằng đường sắt cao tốc từ trung tâm thành phố đi Long Thành và đến chuỗi đô thị mới. Sự nhanh nhạy này sẽ giúp giữ được năng lực chuyển hóa từ bên trong khi hệ thống bên ngoài đang thay đổi. Việc hợp tác với các thành phố nhỏ hơn sẽ nâng cao chuỗi giá trị về sản phẩm nông nghiệp, du lịch, năng lượng, và phân đoạn cao nhất của chuỗi sẽ vẫn hưởng lợi.

Do chi phí logistics cao nên chỉ số đánh giá thành phần của logistics Việt Nam trong năm 2018 không cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam đạt 3,01 điểm, xếp hạng 47 trên tổng số hơn 100 quốc gia; năng lực và chất lượng dịch vụ đạt 3,4 điểm, xếp hạng 33.

Tuy nhiên, khu vực lõi cần tập trung giảm thiểu tắc nghẽn bằng cách tổ chức mạng lưới phân phối và đi lại thông minh hơn dựa trên công nghệ và năng lực quản lý. Việc quy hoạch và bố trí các hệ thống phân phối mới sẽ thay đổi theo hướng giảm số lượng và cấp trung gian, thời gian, diện tích. TP HCM cần ưu tiên quy hoạch và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối dựa trên công nghệ dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo bảo đảm hiệu quả kết nối trong các khu vực chiến lược như sân bay, cảng biển, đầu các cửa ngõ phía Đông, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam có kết nối cả đường sắt, thủy, bộ và đường hàng không. Mạng lưới logistics dựa trên nền tảng công nghệ cao là yếu tố quan trọng để giảm chi phí sinh hoạt ở trung tâm, tăng sức cạnh tranh và ứng dụng công nghệ.

Thanh Hồ