Giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội: Cần sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất!

15:49 | 21/02/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhìn thấy rõ hiệu quả tốt từ gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP vào cuộc sống.

Gói 30.000 tỷ “giải cơn khát” nhà ở cho người thu nhập thấp

Nhu cầu về nhà ở xã hội luôn lớn, đặc biệt tại các đô thị nhà ở xã hội là một nhu cầu bức thiết. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng hiện kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.

giai quyet nhu cau nha o xa hoi can som can doi nguon von bu lai suat
Mục tiêu đề ra đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới khoảng 3 triệu người. So với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành tính đến năm 2018 mới đạt khoảng 33% (so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội).

Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ ra là do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội; mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.

Các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (thể hiện tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014) được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay, được các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, đa số người dân đồng tình ủng hộ và đã phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ nhằm vào đối tượng người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở đã được xã hội và đông đảo người dân, nhất là người dân nghèo ủng hộ và đánh giá cao.

Theo số liệu thống kê của NHNN tính đến ngày 31/12/2016 gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (bắt đầu giải ngân từ 01/6/2013) đã cam kết cho vay 29.679 tỷ đồng và đã giải ngân được 95% số tiền cam kết cho vay từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Gần 53.000 cá nhân, hộ gia đình đã được vay vốn để cải thiện nhà ở. Đến hết ngày 28/2/2018 dư nợ cho vay theo chương trình là 20.095 tỷ đồng đã trả các khoản vay gần 10.000 tỷ đồng.

Thực tế triển khai gói 30.000 tỷ thời gian qua cho thấy gói kích thích, hỗ trợ này rất hiệu quả. Việc gói 30.000 tỷ tham gia vào thị trường đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội cũng như có tác dụng lan truyền từ phân khúc nhà ở xã hội sang các phân khúc khác của thị trường.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chính nhờ việc giải ngân nhanh của gói vay 30.000 tỷ đồng mà sau một thời gian “đóng băng” thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi từ nửa cuối năm 2013 và năm 2014 có sự phát triển và tăng trưởng trong giai đoạn từ 2015 cho tới nay.

Nhìn thấy rõ hiệu quả tốt từ gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP vào cuộc sống.

Cụ thể, trước mắt cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua, như vậy với 1 tỷ đồng bù lãi suất có thể huy động được thêm 33,3 tỷ đồng (dự tính bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Mô hình tiết kiệm nhà ở cần được khuyến khích

Khi nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà đất vẫn còn khá cao so với khả năng chi trả, mô hình tiết kiệm nhà ở cần phải được quan tâm xem xét để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở của bản thân cũng như có trách nhiệm đối với việc này.

Ủng hộ mô hình tiết kiệm nhà ở, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở nên là dạng “đóng”, chỉ huy động tài chính từ một nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Đây là mô hình do người dân tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hóa, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân.

Được biết, đến nay nhiều nước đã và đang áp dụng khá thành công mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở như Đức, Malaysia, Trung Quốc, Singapore… Hiện nay tại nhiều nước châu Âu, tiết kiệm nhà ở đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mua và sở hữu nhà ở của người dân.

giai quyet nhu cau nha o xa hoi can som can doi nguon von bu lai suatNgười mua nhà không phải chịu lãi suất thả nổi
giai quyet nhu cau nha o xa hoi can som can doi nguon von bu lai suatHà Nội phấn đấu có nhà ở xã hội 200 triệu/căn
giai quyet nhu cau nha o xa hoi can som can doi nguon von bu lai suat"Ì ạch" dự án nhà ở xã hội khi cạn vốn cứu trợ

Minh Lê

vietinbank
ajinomoto