"Giải mã" tăng trưởng xuất khẩu

14:56 | 22/05/2018

366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu thế giới tăng cao do kinh tế phục hồi. Nhưng, để tận dụng được cơ hội không hoàn toàn dễ dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi những phát biểu của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2018 nhằm “giải mã” một số vấn đề phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu...
giai ma tang truong xuat khau

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, nhìn vào thị trường toàn cầu để thúc đẩy phát triển xuất khẩu.

Thủ tướng nêu 5 vấn đề về xuất khẩu của Việt Nam:

Một là, làm sao để có thể tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Hai là, chỉ ra và loại bỏ những nút thắt trong xuất khẩu; tìm hiểu có bao nhiêu rào cản?

Ba là, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, dự báo những cơ hội, rủi ro? Các cơ quan ngoại giao cần làm gì? Vai trò của tham tán thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… ra sao trong bối cảnh hiện nay?

Bốn là, tiếp tục phát triển thị trường, tận dụng các lợi thế, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Năm là, đề xuất những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu có hệ thống hơn, bài bản hơn.

Năm 2017 có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD lên 29 mặt hàng; trong đó có 20 mặt hàng trên 2 tỉ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỉ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp đạt 174 tỉ USD, tăng 22,7%; nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 25,8 tỉ USD, tăng 16,5%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 4,4 tỉ USD, tăng 25,9% so với năm 2016.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại

giai ma tang truong xuat khau

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu và chỉ đạo cần phải thay đổi căn bản về hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), đổi mới nâng cao hiệu quả của XTTM.

Các chuyên gia đã phân tích, đánh giá cơ hội, triển vọng hoạt động XTTM của Việt Nam, đồng thời nghe chia sẻ của các doanh nghiệp đã đạt được thành công trong hoạt động nghiên cứu, phát triển xuất khẩu, đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm và đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường nước ngoài.

Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trao đổi về đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động XTTM hiệu quả và đổi mới cách thức triển khai XTTM theo hướng hỗ trợ tập trung có trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước đối với XTTM, bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác thị trường mới, tiến tới doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong hoạt động XTTM.

giai ma tang truong xuat khau
Tọa đàm bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 214,02 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa” thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động.

Trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, Bộ Công Thương định hướng cho cơ quan XTTM xây dựng kế hoạch XTTM khả thi nhằm giúp Bộ Công Thương phân tích, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động XTTM một cách hiệu quả, định hướng cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có những thay đổi, tích cực trong triển khai hoạt động XTTM.

Công tác XTTM trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, sẽ phân nhóm ngành, doanh nghiệp và sản phẩm để hỗ trợ. Nhóm ngành, doanh nghiệp nào đã trưởng thành sẽ hỗ trợ phát triển công tác truyền thông thương hiệu; nhóm nào cần tìm kiếm đối tác sẽ hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ triển lãm; nhóm nào cần đào tạo chuyên sâu về thương hiệu, thiết kế sẽ được tham gia các khóa huấn luyện... Mỗi thương hiệu mạnh không chỉ tạo nên hình ảnh đẹp của doanh nghiệp mà còn tạo nên hình ảnh đẹp của thương hiệu quốc gia, tạo uy tín cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đây là mục tiêu cốt lõi của chương trình thương hiệu quốc gia sẽ hướng đến trong thời gian tới.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Cần quy hoạch trung tâm logistics vùng

giai ma tang truong xuat khau

Xúc tiến xuất khẩu nếu cứ tập trung vào sản phẩm lúa, cá, tôm... đang chiếm đến 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của Cần Thơ sẽ rất khó phát triển. Trong khi đó, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, yếu tố giá quyết định rất lớn. Bên cạnh đó, để tăng cường xuất khẩu, hoạt động XTTM cần được quan tâm và đầu tư.

Mặc dù tỉnh Cần Thơ muốn hỗ trợ hạ tầng logistics cho ngoại thương, nhưng hiện nay không có cơ chế nào để thực hiện, trong khi đó, Cần Thơ đang rất cần quy hoạch trung tâm logistics vùng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hàng hóa xuất khẩu phải được đi thẳng, chi phí vận chuyển giảm được ít nhất 10USD/tấn. Hiện nay, Cần Thơ đang tắc về hạ tầng logistics. Chính phủ cho biết đã quy hoạch cảng của tỉnh, nhưng hơn 1 năm qua vẫn chưa triển khai được. Nên xây dựng trung tâm logistics của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải chỉ riêng Cần Thơ.

Một vấn đề khác là giá trị thương hiệu. Trong đó, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm xuất khẩu của Cần Thơ hiện chưa làm được bởi năng lực nhỏ bé. Đơn cử, hiện nay ở châu Âu chỉ có 3 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được công nhận là nước mắm Phú Quốc, hạt tiêu và hạt điều Bình Thuận. Trong khi Cần Thơ nổi tiếng với sản phẩm gạo vẫn loay hoay chưa làm được chỉ dẫn địa lý.

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương: Mở rộng thị trường xuất khẩu

giai ma tang truong xuat khau

Thị trường khu vực châu Á - châu Phi có hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây có thể coi là một khu vực rộng lớn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất đa dạng, phong phú, có nhiều phân khúc phù hợp sản phẩm của Việt Nam, từ hàng cao cấp đến hàng tiêu dùng bình dân. Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của những thị trường khó tính như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… thực sự quá khắt khe. Trong khi đó, một số thị trường Châu Phi, một số nước ở Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, những tiêu chuẩn đó không quá khắt khe.

Việc nước ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương chỉ là khâu ban đầu, các doanh nghiệp cần phải làm sao bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với từng thị trường, cũng như yếu tố xuất xứ hàng hóa.

Một số định hướng cụ thể đối với thị trường và mặt hàng đòi hỏi cần phải có sự chung tay, góp sức của các cơ quan XTTM ở Trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu thị trường, bởi đó là yếu tố quyết định tới 80% thành công của xuất khẩu. Do đó cần phải nâng cao năng lực XTTM, tổ chức các hoạt động XTTM quy mô, chất lượng cho ngành hàng mình phụ trách, quảng bá tốt thương hiệu Việt.

Chúng tôi có một số đề xuất như: Cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa mang thương hiệu Việt, giảm thiểu các rào cản thương mại, tăng cường cơ chế tham vấn, trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước và tiếp tục định hướng cho doanh nghiệp về các thị trường, tăng cường công tác thông tin, phổ biến các cam kết về chính sách, quy định của thị trường nhập khẩu, phổ biến các hiệp định thương mại tự do, các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định này cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cơ quan XTTM Trung ương, địa phương cần thực hiện các giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia XTTM ở thị trường ngoài nước, đặc biệt là quan tâm, tư vấn cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành, hội chợ thường niên và uy tín để kết nối được với hệ thống phân phối, tăng cường quảng bá thương hiệu hàng hóa gắn với hoạt động XTTM tại thị trường xuất khẩu.

Các hiệp hội ngành hàng có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu thị trường, bởi đó là yếu tố quyết định tới 80% thành công của xuất khẩu. Do đó cần phải nâng cao năng lực XTTM, tổ chức các hoạt động XTTM quy mô, chất lượng cho ngành hàng mình phụ trách, quảng bá tốt thương hiệu Việt.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục cải tiến, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Chúng ta không nên coi quy định của thị trường nhập khẩu là rào cản không vượt qua được. Thực tế, bất kể quốc gia nào cũng có những tiêu chuẩn, quy định nhất định. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin trong phương thức quản lý hiện đại, đặc biệt là ngành da giày, dệt may, để nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cần đầu tư một nguồn lực nhất định cho công tác nghiên cứu thị trường để xác định được chiến lược xuất khẩu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Việt Nam không có đại sứ thương hiệu?

giai ma tang truong xuat khau

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm qua, việc tạo dựng và phát triển thương hiệu vẫn còn hạn chế và hình ảnh về sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế còn khá mờ nhạt.

Vấn đề quan trọng là các thương hiệu Việt vẫn chưa thực sự tạo ấn tượng trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt cần làm tốt hơn nữa để quảng bá, tạo dựng uy tín cho thương hiệu và coi đó như một tài sản giá trị của mình.

Ở đây có một câu hỏi là tại sao Việt Nam không có đại sứ thương hiệu? Trong khi đó, đại sứ thương hiệu ở đây là một sản phẩm, một địa phương, một ngành hàng, thường là những ngành hàng có truyền thống, lợi thế so sánh để làm thương hiệu. Đừng nghĩ mình là nhỏ, mà tầm của đại sứ thương hiệu là phải hướng ra toàn cầu. Chúng ta quên mất một điều là thương hiệu ở đâu thì giá trị gia tăng ở đấy.

Xuất khẩu trên thế giới luôn diễn ra rất mạnh, nó gắn với cuộc cách mạng về tiêu dùng và đòi hỏi phát triển, sáng tạo. Các doanh nghiệp muốn tạo dựng thương hiệu mạnh thì sản phẩm phải xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng, gắn với công nghệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm được thương hiệu, doanh nghiệp phải biết “chơi” về quyền sở hữu trí tuệ, gắn kết với “cuộc cách mạng nhu cầu” của người tiêu dùng.

Xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình hết sức gian nan, phải trăn trở, vượt qua khó khăn, nỗ lực trong thời gian dài.

Nguyễn Hoan - Thành Công