Giá điện sinh hoạt từ 16/3 sẽ được tính như thế nào?

11:06 | 13/03/2015

4,109 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định quy định về giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3, trong đó xác định giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Giá điện sinh hoạt cao nhất là 2.587 đồng/kWh.

Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia thành 6 bậc. Cụ thể:

Bậc 1: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 0 đến 50 kWh, giá bán điện là 1.484 đồng/kWh.

Bậc 2: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 51 đến 100 kWh, giá bán điện là 1.533 đồng/kWh.

Bậc 3: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 101 đến 200 kWh, giá bán điện là 1.786 đồng/kWh.

Bậc 4: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 201 đến 300 kWh, giá bán điện là 2.242 đồng/kWh.

Bậc 5: Đối với trường hợp sử dụng điện từ 301 đến 400 kWh, giá bán điện là 2.503 đồng/kWh.

Bậc 6: Đối với trường hợp sử dụng từ 401 kWh điện trở lên, giá bán điện sẽ là 2.587 đồng/kWh.

Ngoài ra, tại Quyết định trên, Bộ Công Thương cũng quy định khung giá điện đối với các hộ kinh doanh, bán buôn điện sinh hoạt, bán buôn điện cho các tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, bán buôn điện cho các khu công nghiệp… Giá bán điện cho các nhóm đối tượng này cũng được quy định thành từng bậc khác nhau theo hướng sử dụng càng nhiều thì giá điện càng cao, tăng theo từng bậc.

Trước đó, tại cuộc họp báo công bố giá điện ngày 6/3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3, hộ dùng dưới 100 số điện/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng; hộ dùng từ 100 đến 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng; các hộ dùng nhiều hơn phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.

Trao đổi với báo chí, đại diện của EVN cũng cho rằng, cách tính này sẽ góp phần khuyến khích các hộ dân tiết kiệm điện, qua đó đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện trong xã hội, giảm áp lực phát triển hệ thống lưới điện lên ngành điện.

P.V (Tổng hợp)