Ghi tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là không cần thiết!

06:37 | 25/11/2017

1,189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc ghi tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ là không cần thiết, có thể dẫn đến nhiều thủ tục hành chính…

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, ngoài tên chủ hộ thì các thành viên trong hộ gia đình đều có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/12/2017.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm: Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013, những đối tượng được Nhà nước cấp sổ đỏ bao gồm: Tổ chức trong nước; Hộ gia đình, cá nhân trong nước; Cộng đồng dân cư; Cơ sở tôn giáo; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

ghi ten thanh vien trong gia dinh vao so do la khong can thiet
Luật sư Trương Anh Tú.

Ngoại trừ các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức… thì từ trước đến nay, sổ đỏ được cấp chủ yếu cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình trong nước. Theo đó, quyền sử dụng đất (QSDĐ) của cá nhân thì ghi tên của cá nhân đó trên sổ đỏ; QSDĐ chung của vợ chồng thì ghi tên cả hai vợ chồng trên sổ đỏ; QSDĐ của hộ gia đình thì ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ (theo quy định cũ).

Như vậy, nội dung mới của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT chỉ điều chỉnh quy định liên quan đến sổ đỏ của hộ gia đình. Sổ đỏ cấp cho cá nhân hay vợ chồng không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có nêu: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại Điều 102 và 212 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Điều 212 Bộ Luật dân sự).

Quy định mới tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về việc tất cả các thành viên trong hộ gia đình đứng tên trên sổ đỏ có mục đích loại bỏ việc lừa đảo trong việc chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình. Tuy nhiên, quy định trên là không cần thiết bởi theo quy định trước đây, dù sổ đỏ cấp cho hộ gia đình chỉ ghi tên chủ hộ nhưng khi chuyển nhượng, định đoạt đất bắt buộc phải được các thành viên trong hộ gia đình đồng ý, bao gồm cả những thành viên dưới 15 tuổi (nếu có), tuy nhiên những thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên trong hộ gia đình mới phải ký vào văn bản chuyển nhượng. Những trường hợp chuyển nhượng đất của hộ gia đình không có đầy đủ sự đồng ý của các thành viên đều không hợp pháp.

Ngoài ra, hai khái niệm “sở hữu” và “cư trú” là hai khái niệm riêng biệt. Việc thêm tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ của hộ gia đình sẽ kéo theo nhiều rắc rối, hệ lụy liên quan đến thủ tục hành chính bởi việc xác định các thành viên trong hộ gia đình sẽ dựa ít nhiều vào sổ hộ khẩu của gia đình tại thời điểm cấp sổ đỏ.

Bên cạnh đó, hộ khẩu luôn có sự biến động bởi các hoạt động nhập, tách... hoặc khi có thành viên trong hộ gia đình kết hôn, chế độ tài sản của thành viên đó với chồng/vợ sắp cưới cũng ít nhiều liên quan đến phần tài sản của họ trong khối tài sản chung với hộ gia đình. Mỗi khi có biến động, thay đổi về sổ đỏ của hộ gia đình đều kéo theo những phức tạp liên quan đến thủ tục hành chính…

Minh Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc