Gà Gaulois cất tiếng gáy ở châu Phi

15:06 | 23/01/2014

1,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013 đã kết thúc cũng giống như lúc khởi đầu - với một cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào châu Phi. Tháng 1/2013, chiến dịch "Mèo hoang" đã được Pháp phát động nhằm đẩy lùi các nhóm Hồi giáo vũ trang ở miền bắc Mali. Và trong tháng 12, sứ mệnh "Sangaris" - tên theo một loài bướm châu Phi - đã được tiến hành trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột leo thang tại Cộng hòa Trung Phi (CAR).

Mặc dù trước đây luôn cam kết không can dự, nhưng rồi trong năm 2013 nước Pháp vẫn không thể từ bỏ sân sau truyền thống của mình ở Lục địa Đen này.

Người dân châu Phi chào đón quân đội Pháp

Trong một nỗ lực nhằm giải thích cho những chiến dịch can thiệp gần đây của Pháp tại châu Phi và giới thiệu những nguyên tắc cơ bản trong chiến lược mới của Paris đối với an ninh châu Phi, Pháp đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình và an ninh châu Phi hồi tháng 12/2013 tại điện Elysee dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp François Hollande.

Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo của 53 nước châu Phi, Chủ tịch Liên minh châu Phi Hailemariam Desalegn đồng thời cũng là Thủ tướng Ethiopia, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barosso và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định "Lục địa Đen" phải nỗ lực để có thể tự đảm bảo an ninh và làm chủ số phận của mình. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Pháp vừa triển khai 1.200 binh lính trong một chiến dịch quân sự tại Cộng hòa Trung Phi, chưa đầy một năm kể từ khi Pháp đưa 4.000 quân đến Mali vào tháng 1/2013.

Trên thực tế, các chiến dịch quân sự tương tự thường đòi hỏi chi phí tốn kém, vì thế Pháp rất muốn các nước châu Phi xây dựng khả năng quốc phòng chung cho châu lục. Ông Hollande cam kết Pháp sẽ giúp thành lập một lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh của châu Phi cũng như huấn luyện hàng năm khoảng 20.000 binh sỹ " Lục địa Đen".

Ông khẳng định đối với Pháp, vấn đề an ninh của châu Phi mang tầm quan trọng sống còn vì an ninh của châu Phi ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của châu Âu do gần gũi về địa lý và các mối đe dọa chung gồm khủng bố, cướp biển, và nạn buôn lậu. Trong bối cảnh đó, châu Âu và châu Phi phải cùng nhau sát cánh để chống lại các mối đe dọa chung.

Về an ninh tại châu Phi, Pháp đã cảm thấy bị sa lầy vào một tình huống khá khó khăn khi nước này trở lại với chủ nghĩa can thiệp truyền thống tốn kém của mình, trong khi các đối tác châu Âu vẫn miễn cưỡng trong việc cam kết cung cấp nhân lực và tài lực. Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị thắt chặt, Pháp không thể cung cấp các nguồn lực cần thiết cho việc duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở châu Phi. Riêng chiến dịch "Mèo hoang" đã khiến Bộ Tài chính Pháp phải chi khoảng 650 triệu euro (900 triệu USD) trong năm 2013. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Paris đang ngày càng chuyển hướng sang các nhà lãnh đạo của châu lục nhằm giúp họ tự duy trì hòa bình và ổn định tại châu lục (ít nhất là trong khối các nước nói tiếng Pháp) trong khi vẫn đảm bảo ảnh hưởng của Pháp trong và ngoài khu vực này.

Tại hội nghị này, các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ các nước châu Phi đều đề cao vai trò của Pháp trong việc thực hiện "nghĩa vụ lịch sử" đối với các nước trước đây vốn là thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các nước đang khai thác tài nguyên của châu Phi hiện nay gồm Trung Quốc, Mỹ, Brazil cũng phải có đóng góp cho an ninh của châu lục này.

Gần như đồng thời với sự kiện này, hai ngày trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Elysee về hòa bình và an ninh châu Phi, Pháp cũng đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Pháp - châu Phi tại Paris nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế trong quan hệ giữa Pháp và châu lục này.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, trong cách tiếp cận mới của mình, Pháp dự kiến các quốc gia châu Phi sẽ đảm bảo an ninh của mỗi nước, trong khi Pháp chỉ còn đóng vai trò hỗ trợ trong việc thiết lập một khuôn khổ an ninh toàn Phi. Tuy nhiên, ông Le Drian nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Pháp sẽ bỏ mặc các đối tác châu Phi khi họ phải đối mặt với những rủi ro và các mối đe dọa mà về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp.

Ngoài vấn đề tài chính, Pháp còn có thể có những lý do chính trị để ủng hộ một cách tiếp cận chung đối với vấn đề an ninh. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị cho thấy những đề xuất mới của Pháp về an ninh châu Phi vẫn chưa thực sự được hưởng ứng. Bất kể có sự hiện diện của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompu, hội nghị chủ yếu vẫn bàn về các vấn đề giữa Pháp và châu Phi. Tuyên bố chung của hội nghị về cơ bản vẫn là sự tái nhấn mạnh những ý tưởng cũ. Và sau cùng, đề xuất xây dựng lực lượng can thiệp của châu Phi cũng không khác nhiều so với chương trình xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Phi được soạn thảo năm 1998.

Mặc dù có một vài ý kiến ủng hộ đề xuất mới của Pháp đối với an ninh châu Phi, có vẻ như các phương pháp cũ và các cách tiếp cận cũ vẫn đang thắng thế, châu Âu vẫn chưa sẵn sàng để tiếp quản vai trò của Pháp ở châu Phi. Còn Mỹ, sau một thập kỷ tham chiến ở Iraq và Afghanistan, cũng đang muốn đứng ngoài. Trong khi đó, các lực lượng can thiệp của châu Phi vẫn còn phải đi một chặng đường dài trước khi có thể trở thành một lực lượng hoạt động hiệu quả, có khả năng gìn giữ hòa bình trong một thời gian dài.

Xét cho cùng, Pháp vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng, và quan trọng hơn, có ý chí sẵn sàng đảm bảo an ninh cho những khu vực rộng lớn của châu Phi. Điều này cho thấy có khả năng quân đội Pháp sẽ tiếp tục được triển khai tại châu Phi trong thời gian tới. Con gà Gaulois tiếp tục gáy ở Lục địa Đen.

                                      V.N.A (tổng hợp)