FDI có gì bàn luận?

08:36 | 24/11/2011

1,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có một thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của ngước ngoài (FDI) là mong muốn hàng đầu của các địa phương và vì vậy các doanh nghiệp FDI được hưởng các ưu đãi trong mơ. Nào ngờ, các FDI này đã bộc lộ những bất cập trong sản xuất kinh doanh và đã có rất nhiều dự án giữa đường đứt gánh, hàng chục doanh nghiệp vỡ nợ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý III/2011, mức cam kết đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng các nguồn vốn thực hiện đạt 8,2 tỉ đôla, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2010.

Việc mức cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm có nguyên nhân chính là do các công ty mẹ gặp khó khăn. Các nguồn vốn thực hiện tăng nhưng thực tế, khoảng 70% nguồn vốn thực hiện được chuyển từ bên ngoài vào và khoảng 30% là huy động tại chỗ, tức là vay từ các ngân hàng trong nước bằng tài sản thế chấp hình thành từ chính vốn vay… Trong 70% nguồn vốn từ bên ngoài đó, lại có đến 40-45% bằng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu.

Do được ưu đãi, các doanh nghiệp FDI có thể vay từ các ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ khoảng 3-4%/năm. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI còn được ưu ái hơn doanh nghiệp trong nước rất nhiều. Cách “rải thảm đỏ” được không ít địa phương xem là thành tích, phần nào nói lên điều này. Khi những doanh nghiệp FDI này vỡ nợ, ông chủ bỏ trốn để lại tài sản thế chấp không còn mấy giá trị thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

9 tháng năm 2011, các ngành công nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất thuộc lĩnh vực chế biến và sản xuất, với 300 dự án mới đăng ký, tổng vốn trên 4,9 tỉ USD, chiếm gần một nửa tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Chúng ta tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhằm mục đích thu hút dòng vốn, thu hút sự chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm.

Xét về hiệu quả đầu tư và chỉ số thay đổi công nghệ trong 10 năm (1999-2009), ICOR của khu vực Nhà nước, tư nhân và FDI lần lượt là: 7,76; 3,54 và 7,91. Nhìn ra thế giới, ICOR trung bình của nhóm tăng trưởng cao chỉ có 3,6. Khối FDI có chỉ số ICOR cao nhất và điều đó chứng tỏ hiệu quả là thấp nhất.

Về khía cạnh chuyển giao công nghệ, giai đoạn 2004-2009, hệ số TFP của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là: 8,6; 3,1 và -17,6. Theo nghiên cứu này, hệ số TFP của khu vực kinh tế nhà nước cao nhất, mặc dù vốn đầu tư rót vào khu vực này nhiều (đầu tư không hiệu quả) nhưng sự chuyển giao công nghệ là có thật. Trong khi ở khối FDI, chỉ số này lại âm (-17,6). Khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều cũ kỹ hoặc đã khấu hao hết. Như vậy, sự tăng trưởng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu nhờ vào các yếu tố khác, ví dụ, lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ. Ngoài ra, FDI còn là sự trông đợi tạo thêm việc làm. Nhưng với năng suất nhân tố tổng hợp âm của khu vực này phần nào cũng nói lên sự lạm dụng lao động giá rẻ của Việt Nam. Năm thu hút được nhiều lao động nhất cũng chỉ khoảng 3% trong tổng số lao động.

Hơn nữa, về dòng vốn, theo số liệu trong Niên giám Thống kê năm 2010 cho thấy, thu nhập thuần túy (chênh lệch giữa chỉ tiêu thu nhập quốc gia (GNI) và tổng sản phẩm trong nước (GDP)) từ nước ngoài giảm (âm) liên tục từ năm 2000-2010, từ hơn 6.000 tỉ năm 2000 đến trên 82.000 tỉ năm 2010. Như vậy, mỗi năm bình quân phía Việt Nam phải chi trả sở hữu ra nước ngoài tính theo giá hiện hành tăng trung bình khoảng 30% và xấp xỉ 20% theo giá so sánh, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2000-2010 vào khoảng 7,3%. Vấn đề luồng tiền ra tăng lên nhanh chóng theo thời gian có phần đóng góp không nhỏ của khu vực FDI.

Như vậy, các kỳ vọng về dòng vốn, về công nghệ, về thu hút lao động không như mong đợi. Trái lại, khu vực này lại đóng góp cho quá trình nhập siêu của Việt Nam ngày một mạnh hơn. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều bãi biển rơi vào tay các ông chủ nước ngoài và như vậy những người dân bản địa đã không còn được thư giãn, nghỉ ngơi trên chính quê hương mình… trong khi hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo lỗ. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp nhà nước không thu được đồng nào mà thuế VAT lại được ưu đãi trong một thời gian dài hoặc bằng không.

Đã có một thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) là mong muốn hàng đầu của các địa phương và vì vậy các doanh nghiệp FDI được hưởng các ưu đãi trong mơ. Nào ngờ, các FDI này đã bộc lộ những bất cập trong sản xuất kinh doanh và đã có rất nhiều dự án giữa đường đứt gánh, hàng chục doanh nghiệp vỡ nợ.

Theo nguồn tin từ Bộ KH&ĐT, hiện có 22 dự án của doanh nghiệp FDI không có khả năng trả nợ ngân hàng. Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, hiện có hơn 230 dự án của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động nhưng đã giải thể, phá sản. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều ông chủ ngoại chỉ xin giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó rút về nước, nhằm chiếm dụng vốn ngân hàng.

Hiện có 22 dự án của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào 12 địa phương bị xếp loại vỡ nợ, nghĩa là không có khả năng trả nợ ngân hàng, với số tiền gần 80 triệu USD…

Tại Hải Dương, năm 2005, UBND tỉnh này chấp thuận cho Hãng Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Việt Hòa. Kenmark đã được các ngân hàng như SHB chi nhánh Quảng Ninh, BIDV chi nhánh Thành Đô, Habubank chi nhánh Bắc Ninh… cho vay khoảng 50 triệu USD. Năm 2010, khi chủ đầu tư bỏ về nước do xảy ra tranh chấp trong thực hiện dự án, khoản vay của Kenmark trở thành nợ xấu của các ngân hàng. Việc đòi nợ có thể sẽ lâu dài và phải nhờ tòa án nước ngoài và Interpol.

Tại Phú Thọ, một số công ty của Hàn Quốc vay hàng triệu USD từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Thọ nhưng khi dự án thua lỗ, chủ đầu tư đã bỏ về nước. Agribank Phú Thọ đã phát mãi toàn bộ mặt bằng nhà xưởng, máy móc của công ty này, tuy nhiên đến nay mới chỉ thu hồi được gần 60.000USD.

Rõ là thua đơn thiệt kép! Theo một chuyên gia, rủi ro này là do ngân hàng chỉ thẩm định giá trị tài sản trên hồ sơ khai báo của doanh nghiệp FDI nhưng họ đã khai tăng giá trị quá mức để được vay vốn. Do đó, với những khoản nợ khó đòi trên thì các bộ phận thẩm định của ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Mới đây, Thủ tướng đã phải có Chỉ thị số 1617 gửi lãnh đạo các bộ, UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh việc cấp phép các dự án FDI trong đó yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn…

Minh Nghĩa