EU vẫn tiếp tục chia rẽ về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga

20:38 | 09/04/2022

1,410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 9/4 đưa tin, hôm thứ Năm (7/4) các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than của Nga từ tháng 8/2022, như một phần của các biện pháp cấm vận mới chống Nga, nhưng vẫn tiếp tục chia rẽ về việc liệu có áp dụng các lệnh cấm vận dầu khí hay không. Lệnh cấm vận than là lệnh trừng phạt năng lượng đầu tiên của EU đối với Nga. Các quan chức EU cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp cấm vận đối với dầu mỏ, mặt hàng có lượng nhập khẩu từ Nga lớn hơn nhiều so với than đá. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia EU đều nhất trí, một số nước như Đức và Hungary lo ngại về ảnh hưởng kinh tế.
EU vẫn tiếp tục chia rẽ về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga
Đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe, nối các mỏ khí đốt tại bán đảo Yamal, Nga, với Ba Lan và Đức, cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ảnh: Omar Marques/Getty Images.

Một số đề xuất thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga

Các quốc gia EU, như Ba Lan và các nước vùng Baltic, muốn có lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga. Họ cho rằng dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu năng lượng sinh lợi nhất của Nga, và việc ngăn chặn xuất khẩu sẽ tước đi nguồn thu chính của Nga. Theo tổ chức nghiên cứu Bruegel, dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ chiếm hơn 1/3 doanh thu xuất khẩu của Nga trong năm ngoái. Hiện tại, châu Âu chi khoảng 450 triệu USD mỗi ngày cho dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga, khoảng 400 triệu USD mỗi ngày cho khí đốt và khoảng 25 triệu USD cho than.

Hôm thứ Năm (7/4), các nhà lập pháp EU đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về lệnh cấm vận ngay lập tức đối với nhập khẩu năng lượng của Nga.

Một số quốc gia đã đề xuất các biện pháp nửa chừng, sẽ không cấm mua dầu của Nga, nhưng sẽ giữ lại một số khoản thanh toán cho việc mua dầu. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người ủng hộ các lệnh trừng phạt dầu khí, tuần trước đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra phương thức chuyển một phần các khoản thanh toán của châu Âu cho nhiên liệu hóa thạch của Nga và đặt vào tài khoản của bên thứ ba thay vì gửi đến Nga, bằng cách đó để áp đặt một cách hiệu quả thuế quan đối với hàng nhập khẩu dầu.

Các điều khoản của bất kỳ lệnh cấm vận dầu mỏ nào cũng đều cần sự ủng hộ của các quốc gia EU.

EU vẫn tiếp tục chia rẽ về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga
Một mạng lưới đường ống dẫn khí của châu Âu. Ảnh: AFP.

Về lý thuyết, các nhà sản xuất như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có đủ năng lực khai thác dự phòng để châu Âu thay thế lượng dầu EU mua từ Nga, chiếm gần một nửa tổng xuất khẩu dầu thô của Nga là 4,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cho đến nay nhóm sản xuất OPEC+ chỉ cam kết tăng dần sản lượng.

Lập luận phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga

Đức và Hungary phản đối lệnh cấm vận ngay lập tức đối với dầu mỏ của Nga, mà Berlin cho rằng sẽ gây rủi ro cho sự ổn định kinh tế và xã hội của Đức. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của châu Âu, cung cấp 26% lượng dầu nhập khẩu của EU vào năm 2020. Châu Âu nhận 1/3 tổng năng lượng sẵn có từ dầu và các sản phẩm dầu mỏ, trong các lĩnh vực từ vận tải đến sản xuất hóa chất. Việc cấm vận nguồn cung của Nga có thể đẩy giá dầu tăng cao, vốn đã tăng vọt lên mức đỉnh 14 năm vào tháng trước.

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, giá dầu thô Brent có thể cao hơn trung bình khoảng 21% vào năm 2022. Đức, Thụy Điển, Pháp và Ý đã thông báo các khoản trợ cấp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi mức giá cao, động thái bị các nhà vận động khí hậu chỉ trích là trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Tác động về giá của các biện pháp cấm vận cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác, trong đó có việc giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá. Giá dầu thô Brent giao dịch lần cuối tăng 0,8% hôm thứ Sáu (8/4) ở mức 101,36 USD/thùng. Một mối lo ngại khác là các lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể khiến Nga trả đũa bằng cách cắt 40% lượng khí đốt mà nước này cung cấp cho EU.

Các biện pháp cấm vận khí đốt được coi là biện pháp cuối cùng trong gói các biện pháp năng lượng tiềm năng của EU, vì sự phụ thuộc của các ngành công nghiệp châu Âu và hệ thống sưởi trong nhà vào nhiên liệu khí đốt, cộng với những thách thức mà châu Âu sẽ phải đối mặt để thay thế nguồn cung của Nga trong một thị trường nguồn cung khí đốt toàn cầu chặt chẽ và sự hạn chế về cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt hóa lỏng./.

Thanh Bình