EU sẽ không rơi vào “trầm cảm và tê liệt” vì Brexit

16:54 | 25/06/2016

684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khi dự cuộc họp tại Berlin với 5 người đồng cấp từ 5 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU) gồm: Pháp, Hà Lan, Italia, Bỉ và Luxemburg, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm nay (25/6) đã tuyên bố EU sẽ vượt qua cú sốc sau khi đa số người Anh bỏ phiếu chọn Brexit, chọn tách ra khỏi EU.
eu se khong roi vao tram cam va te liet vi brexit
Thủ tướng Đức Angela Merkel - lãnh đạo "đầu tàu" của EU

Ông Steinmeier cho biết, ông tin tưởng rằng 6 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu có thể đoàn kết thống nhất truyền đi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai lấy đi châu Âu của chúng tôi.

Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định: EU sẽ không rơi vào “trầm cảm và tê liệt” sau Brexit. Trước đó, ông Steinmeier đã cho biết ông lấy làm tiếc về quyết định của Anh và nói rằng đó là “một ngày buồn cho châu Âu và Vương quốc Anh”.

Theo AFP, cuộc họp của Ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU tại Berlin hôm nay được tổ chức để bàn về tương lai của khối sau cuộc bỏ phiếu chấn động, gay cấn ở Vương quốc Anh và sự từ chức của Thủ tướng Anh David Cameron.

Sự thắng thế của số người Anh chọn Brexit đã khiến thị trường toàn cầu rơi tự do. Anh quốc bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ triển vọng tín dụng xuống "tiêu cực" do tác động của Brexit. Moody's cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý báo trước "một giai đoạn dài không chắc chắn".

Sau kết quả gây sốc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã dẫn đầu cuộc kêu gọi một cuộc cải cách EU để bảo vệ sự tồn tại phát triển của khối sau cuộc “ly dị” đau thương với nước Anh.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tiết lộ với AFP rằng, Paris và Berlin sẽ trình bày với các đối tác của họ những “giải pháp cụ thể” để làm cho EU “hiệu quả hơn”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã gọi kết quả bỏ phiếu Brexit ở Anh là một “đòn giáng mạnh vào châu Âu và các quá trình thống nhất châu Âu”, cho biết bà sẽ tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Pháp, Italia cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ở Berlin vào ngày 27/6 tới để cố gắng vạch ra một kế hoạch cải cách.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho hay, ông "rất buồn" khi nước Anh lựa chọn rời EU, nhưng ông cũng nhắc lại rằng sẽ không có “đàm phán lại” với các thành viên của Vương quốc Anh.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Vương quốc Anh hôm 23/6 có thể tạo một phản ứng dây chuyền trên cách thành viên EU khác, đặc biệt là ở các nước phong trào dân túy đang lên cao như Pháp, Hà Lan…  và có thể dẫn đến sự tan vỡ của Vương quốc Anh sau khi Thủ hiến Scotland đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về sự độc lập.

Một bộ phận người dân Anh quốc - vốn lo lắng bởi vấn đề người nhập cư và không thoải mái những gì mà họ cho là sự can thiệp của các quan chức tại Brussels vào hoạt động của đất nước họ đã chiến thắng với tỷ lệ sát sao (52-48) trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, từ bỏ tư cách thành viên EU sau 43 năm gắn kết trên danh nghĩa.

Sau sự thất bại của chiến dịch giữ Anh quốc ở lại với EU, Thủ tướng David Cameron cũng tuyên bố sẽ từ chức để nhường chỗ cho một lãnh đạo mới, phù hợp với định hướng mới của đất nước hơn, vào tháng 10 tới, sau Đại hội của Đảng Bảo thủ.

Phản ứng trước Brexit, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua, chỉ còn 1 Bảng ăn 1,3229 USD và chỉ hồi phục sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố đã sẵn sàng bơm 250 tỷ Bảng (tương đương 370 tỷ USD, 326 tỷ Euro) vào hệ thống tài chính để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

Thị trường chứng khoán châu Âu đã giảm khoảng 8% tại phiên mở cửa trước khi hồi phục sau đó, trong khi cổ phiếu ngân hàng Anh bị mất 1/4 giá trị trong phiên giao dịch buổi sáng.

Chỉ số FTSE 100 của London đóng cửa ở mức giảm 3,2%. Chứng khoán Mỹ tụt dốc, với cả hai chỉ số Dow Jones và S & P 500 đóng cửa giảm hơn 3%.

Brexit là một từ ghép (từ Britain và exit), nói đến việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Nó cũng tương tự như từ Grexit để nói tới việc Hy Lạp có thể ra khỏi Khu vực đồng Euro.

Ở nước Anh những người bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ thuộc phe Brexit và số còn lại sẽ là phe đồng tình -Remain. Để quyết định “vận mệnh” của chính mình, nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 vừa qua.

Các công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung đủ 18 tuổi trở lên hiện đang thường trú tại Anh. Bên cạnh đó là các công dân Anh sống ở nước ngoài có đăng ký bầu cử tại Anh trong vòng 15 năm qua. Công dân từ các nước EU, trừ Ireland, Malta và Cyprus, không được phép bỏ phiếu.

eu se khong roi vao tram cam va te liet vi brexit

Dân Anh lại đòi tổ chức một cuộc trưng cầu mới

Những người ủng hộ Anh ở lại EU đã thu thập được hơn 420.000 chữ ký vào một bản kiến ​​nghị trực tuyến kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu mới về việc Vương quốc Anh nên ở lại hay rời bỏ EU.

eu se khong roi vao tram cam va te liet vi brexit

Phải mất 7 năm nữa Anh mới "ly dị" EU được!

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã quyết định tương lai của đất nước này: theo ý nguyện của hơn một nửa số cử tri thì Liên hiệp vương quốc Anh sẽ rời bỏ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, kết quả này chỉ là khởi đầu của hành trình lâu dài và khó khăn cho việc Anh rời bỏ hẳn EU.

eu se khong roi vao tram cam va te liet vi brexit

Dư luận thế giới nói gì khi người Anh chọn rời khỏi EU?

Tâm trạng của các lãnh đạo châu Âu hầu hết đều không vui khi kết quả trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh cho thấy, có 51,9% người ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong khi một số khác cho rằng đã đến lúc EU cần cải cách.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc