Đường sắt đi về đâu?

10:44 | 11/12/2017

484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đường sắt nước ta ra đời từ năm 1881, là một trong những ngành công nghiệp lâu đời của Việt Nam.

Nó được ưu tiên đầu tư và hoàn thiện từ năm 1986 với hơn 3.000km đường sắt, đi qua 34 địa phương. Suốt thời kỳ chiến tranh cho đến những năm đầu đổi mới của đất nước, ngành đường sắt tự hào đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nó cũng là phương tiện giao thông được số đông người lựa chọn. Nhưng khoảng một thập niên nay thì “vầng hào quang” của đường sắt cứ lu mờ dần.

Có ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, đường sắt phải bỏ thế độc quyền, phải tự vận động mới mong thay đổi được tình thế. Nếu cứ “ngủ quên” trong chiến thắng mãi thì sẽ đi thụt lùi và còn có nguy cơ phá sản.

duong sat di ve dau
Không còn cảnh hành khách tấp nập như ngày xưa

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, doanh thu năm nay tăng gần 4% so với năm ngoái nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Đối với hành khách thì đường sắt đã kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các phương tiện giao thông khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Với hạ tầng lâu đời, khổ đường sắt lạc hậu, chất lượng hạ tầng, toa xe ít được quan tâm nên để nâng cao sức cạnh tranh là thử thách rất lớn.

Phải ghi nhận rằng, một thời gian dài, đường sắt là phương tiện gắn bó mật thiết với người dân, nhất là những người buôn bán, sau đến những người có nhu cầu đi lại ở gần tuyến đường sắt. Mang nhiều hàng hóa cồng kềnh thì chỉ có đi tàu hỏa là lựa chọn duy nhất. Đặc biệt, những loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng của các cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội và doanh nghiệp thì vận chuyển bằng đường sắt là phương tiện tối ưu. Thông qua con đường này, chi phí thấp và độ an toàn cao.

Hình ảnh những chuyến “tàu chợ” chật ních người trong toa, hàng chục người khác phải đu bám xung quanh, thậm chí ngồi cả trên nóc tàu thời bao cấp bây giờ không còn nữa. Toa xe đã được cải tạo khang trang hơn, ghế ngồi; giường nằm sạch sẽ, rộng rãi hơn, không còn cảnh chen lấn. Nhưng rồi sự cải tiến của ngành đường sắt vẫn không bắt kịp được xu hướng phát triển và đổi mới của hoạt động giao thông vận tải. Các phương tiện khác như máy bay giá rẻ, xe ca, taxi… đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của tàu hỏa.

Điểm đáng chú ý nữa là vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động bị xuống cấp. Người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với trước nhưng các vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người vẫn diễn ra. Vụ tai nạn tại ga Yên Viên (Hà Nội) mới đây và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động ngành đường sắt còn hạn chế.

Hiện nay, ngành đường sắt đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… Bởi vận chuyển container tương đối hiệu quả giữa đường bộ, cảng biển nhưng đường sắt thì đang còn như người “đứng ngoài cuộc”. Nếu tận dụng được lợi thế của mình thì hiệu quả của đường sắt sẽ được nâng lên rõ rệt.

duong sat di ve dau

Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đường sắt lạc hậu, kém phát triển do nội bộ ngành không có cạnh tranh, không ai tác động đến mình, không có yếu tố thị trường, còn độc quyền. Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì thừa nhận: “Theo tốc độ bảo trì hiện nay thì phải mất 70 năm nữa mới quay hết một vòng bảo trì. Nhưng nếu đến 70 năm nữa thì không biết sản phẩm còn lại gì? Rồi khi ấy sẽ có những hạng mục bị hỏng nặng hơn thì tính thế nào?”.

Nhiều hành khách đã bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp. Nhà vệ sinh chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết nên để bốc mùi hôi hám, khó chịu. Chất thải từ các đoàn tàu tuôn thẳng xuống đường ray mỗi ngày hàng chục tấn, gây ô nhiễm cả môi trường dọc tuyến đường.

Tai nạn đường sắt một phần do ý thức của người dân khi tham gia giao thông nhưng cũng một phần do các địa phương tùy tiện mở nhiều lối đi dân sinh gây nên. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất sửa trong Luật Đường sắt cụm từ “lối đi tự mở” thay thế cho cụm từ “lối đi dân sinh” và đề nghị Tổng Công ty Đường sắt phối hợp với các địa phương, nơi có tuyến đường sắt đi qua, ngăn tình trạng đường ngang dân sinh tự phát để giảm tai nạn giao thông.

Thông tin mới nhất của ngành đường sắt là bước vào năm mới 2018, nội thất các toa tàu hỏa sẽ được cải tạo, trang thiết bị lại. Chẳng hạn, các toa sẽ được lắp đặt hệ thống ti vi dưới giá để hàng cho khách giải trí; phòng vệ sinh sẽ làm rộng rãi hơn, có vòi nước tự động; hệ thống làm mát được nâng cấp…

Không đổi mới nhanh chóng thì ngành đường sắt còn lúng túng, giẫm chân tại chỗ và thua ngay trên sân nhà.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc