Đường điện xuyên biển chiến lược của Việt Nam

13:45 | 19/11/2013

1,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, phát triển các đặc khu kinh tế trọng điểm của đất nước khu vực các hải đảo, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) thực hiện dự án cáp điện ngầm xuyên biển 110kV đầu tiên tại tỉnh Kiên Giang, nối liền giữa Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc.

>> Khởi công Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc

Chuẩn bị cho hạng mục cuối cùng là đặt cáp điện ngầm xuyên biển, các nhà thầu của dự án đã hoàn tất nhiều hạng mục công việc phức tạp, cực kỳ nguy hiểm như công tác dò phá bom mìn, thăm dò địa chất dưới biển và hai bờ Phú Quốc, Hà Tiên. Để quá trình thi công đặt cáp ngầm diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV 29 (Công ty 29) thuộc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thực hiện rà phá bom mìn cho toàn bộ tuyến cáp theo thiết kế.

Thi công cáp điện ngầm trên biển Hà Tiên - Phú Quốc

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam, Dự án ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành 100% các hạng mục trên bờ. Phần lắp đặt cáp ngầm xuyên biển từ Hà Tiên đến Phú Quốc sẽ tiến hành thi công từ ngày 17/11/2013 hoàn thành trong khoảng 25 ngày.

Thực hiện đường cáp xuyên biển đầu tiên của Việt Nam, nhà thầu chính Prysmian Powerlink (PP) đã quyết định chọn phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, an toàn, thi công nhanh chóng và đảm bảo độ bền vững cho công trình.

Ngược lại, chi phí đầu tư thi công sẽ cao hơn các phương pháp thông thường do áp dụng đồng thời các công nghệ phức tạp. Cụ thể là máy chôn cáp được kéo bởi tàu chủ di chuyển phía trước theo tuyến đã thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp cài đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước. Cáp được thả xuống đáy rãnh ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp.

Những km cáp ngầm đầu tiên thành công lắp đặt dưới đáy biển Hà Tiên.

Quá trình này được thực hiện một cách liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so với mặt đáy biển tùy thuộc địa hình đáy biển. Quá trình thực hiện rải và chôn cáp được thực hiện hoàn toàn tự động và bắt buộc tuân thủ quy trình quốc tế để liên tục giám sát, kiểm soát, điều khiển nghiêm ngặt.

Có thể nói, khi hoàn thành công trình xây dựng cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc, ngành điện lực Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ về nhân lực, kỹ thuật và công nghệ tiến tới hiện đại hóa ngành công nghiệp điện lực, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước. 

Tùng Dương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps