Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông: Sẽ về đích đúng hẹn

09:25 | 13/03/2014

1,207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xem là “lời giải” cho bài toán thiếu điện của TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ mùa khô 2014 trở đi. Và theo Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) Nguyễn Đức Tuyển, mặc dù công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án vẫn còn một số vướng mắc, tuy nhiên, bằng nỗ lực và quyết tâm cao nhất, AMT tin tưởng sẽ đưa dự án về đích đúng hẹn (cuối tháng 4/2014), đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năng lượng Mới số 303

Hiện đang là giữa mùa khô nên thời tiết thuận lợi, các đơn vị đều tận dụng tối đa thời gian để dựng cột, kéo dây. Để dự án thực hiện đúng tiến độ, công tác đền bù GPMB với khó khăn nhất hiện nay là sự bất đồng ý kiến về mức đền bù khiến nhiều vị trí chưa được giải phóng để đúc móng, dựng cột.

Ông Đặng Văn Nghĩa - Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1) cho biết: Hiện nay toàn bộ gói thầu số 14 (khoảng 30km) trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn chưa giải phóng được hàng lang, 3 vị trí móng chưa đào được, 1 vị trí đã đào móng nhưng chưa dựng được cột. Hầu hết các hộ dân đều không đồng ý với mức hỗ trợ và đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất theo Quyết định 2187/QĐ-UBND ngày 9/9/2013 của UBND tỉnh Bình Dương vì cho rằng, đơn giá còn thấp so với giá thị trường. Tại tỉnh Bình Phước cũng còn vị trí 6.508 nằm trên địa phận của Công ty Cao su Sông Bé đã thống nhất được phương án giải phóng hành lang nhưng vì đây là tài sản Nhà nước nên phải chờ các thủ tục thanh lý khá lâu. Vì vậy, công nhân vẫn phải chờ mặt bằng để thi công.

Thi công lắp đặt trụ cột điện

Gói thầu của Công ty Xây lắp điện 4 (PCC4) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cũng còn nhiều vướng mắc liên quan đến mặt bằng, hầu hết là bà con chưa nhận tiền đền bù nên chưa cho GPMB để thi công dựng cột kéo dây. Tại huyện Củ Chi (TP HCM), Công ty Xây lắp điện 2 (PCC2) cũng còn 3 vị trí móng, 5 vị trí cột chưa thể thi công, phần kéo dây cũng rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là vướng phương án đền bù hoặc các hộ gia đình yêu cầu mức đền bù quá cao so với giá thực tế, hoặc đòi hỏi phải được bồi thường diện tích đất mới có vị trí và giá trị tương đương, gây khó khăn và cản trở công tác thi công...

Trước thực tế khó khăn trên, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết: Tháo gỡ các khó khăn trong khâu đền bù, GPMB trên công trình đường dây 500kV  Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là mục tiêu quan trọng, đồng thời cũng là quyết tâm lớn nhất của Ban AMT. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung cao nhất nguồn nhân lực, vật tư, thiết bị để triển khai dự án, phấn đấu từng ngày trên công trường để bám sát tiến độ thi công đúng kế hoạch. Tuy nhiên, khó khăn GPMB đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Mặc dù trước đó Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo UBND 6 tỉnh, thành có dự án đi qua phải vào cuộc cùng Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) giải quyết nhanh chóng vấn đề đền bù GPMB cho dự án, ngành điện cũng đã nỗ lực rất lớn... nhưng đến nay vẫn phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Để đạt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 4/2014, đóng điện kịp thời đảm bảo truyền tải điện cho các tỉnh miền Nam trong mùa nắng nóng. Ban AMT, các đơn vị thi công và các địa phương đang tích cực phối hợp tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con, GPMB đến đâu thi công ngay đến đấy. Tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của chính quyền địa phương có đường dây đi qua, tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người dân đồng thuận, không gây khó cho các đơn vị thi công.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Ban AMT kiến nghị các tỉnh có đường dây đi qua tập trung chỉ đạo để hoàn thiện các thủ tục về giải tỏa, khai thác rừng nhằm đảm bảo mặt bằng kéo dây và hành lang an toàn; chỉ đạo xử lý các vướng mắc về đơn giá bồi thường cây cao su trên địa bàn tỉnh; giải quyết các vướng mắc còn tồn tại của các vị trí móng và hành lang tuyến; tập trung giải quyết công tác bồi thường GPMB để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành dự án vào tháng 4/2014.

Khó khăn là vậy nhưng ông Tuyển cũng cho biết: Với quyết tâm cao nhất, từ tháng 1/2014, các đơn vị thi công bắt đầu triển khai kéo dây trên toàn tuyến với chiều dài trên 437km. Đối với ngành xây lắp điện, thời gian ngắn như vậy được coi là một kỷ lục. Và với quyết tâm của chủ đầu tư, sự phối hợp của chính quyền địa phương, công tác điều hành của đơn vị quản lý dự án và năng lực của đơn vị thi công, đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định kiểm soát được tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN NPT là đóng điện vào tháng 4 năm nay.

Còn theo TS Đặng Phan Trường - Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN NPT: Vì mục tiêu đảm bảo cấp điện cho miền Nam sớm ngày nào hay ngày ấy, ông đã đã yêu cầu Ban AMT phải tháo gỡ những thủ tục thanh toán rườm rà, linh hoạt tối đa để tập trung hoàn tất các thủ tục nghiệm thu thanh toán sớm các khối lượng xây lắp đã hoàn thành, thi công đến đâu, giải quyết công nợ đến đó để nhà thầu có đủ kinh phí hỗ trợ cho công nhân trong dịp trước và sau tết Nguyên đán.

“Đây không chỉ là việc hoàn thành một công trình điện đơn thuần, nó mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần ổn định lưới truyền tải điện, giải quyết tình trạng khó khăn cho hệ thống điện miền Nam giai đoạn 2014-2015 và các năm sau” - TS Đặng Phan Tường khẳng định.

Được biết, vì mục tiêu đảm bảo tiến độ cho công trình, việc công nhân và cán bộ tổng công ty cả năm không thể về thăm gia đình, vợ con đã trở thành câu chuyện rất bình thường ở EVN NPT. Những biểu hiện sinh động về tinh thần hy sinh đó cũng là hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ sau chiến dịch thi đua 55 ngày được tổng công ty phát động cuối tháng 9/2013 tại Củ Chi, TP HCM. Đó cũng là cách mà cán bộ, công nhân của EVN NPT quyết tâm không để đường dây 500kV lỗi hẹn.

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps