Được 3 mất… 7!

07:26 | 17/09/2014

1,460 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Sống thử - được 3 mất 6", đó là tên một bộ phim mà giới trẻ khá yêu thích. Nhưng quan điểm được - mất ấy đã lạc hậu, nay người đẹp sống thử không còn mất 6 mà sẽ có thêm một cái mất nữa, đó là mất suất thi hoa hậu!

Năng lượng Mới số 357

Lâu lâu rồi, ở Cần Thơ có xảy ra một chuyện thương luân bại lý rằng, gia đình nhà chồng trả cô con dâu về nhà cha mẹ đẻ vì nghi cô này đã… thất tiết! Còn nay, nếu người đẹp nào đã từng sống thử thì cũng bị trả về, sẽ không được thi hoa hậu!

“Chưa sống với ai như vợ chồng” hay theo cách nói phổ biến hiện nay là chưa sống thử, là quy định mới nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện quy định này đối với một cuộc thi nhan sắc.

Được 3 mất… 7!

Còn nhớ, trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vào năm 2012, trước thềm đêm chung kết thì ban tổ chức phát hiện ra một ứng cử viên sáng giá cho vương miện hoa hậu, nhưng đã có chồng. Thí sinh này đã tổ chức lễ cưới linh đình ở quê nhà, nhưng nghe đâu là chưa hề đăng ký kết hôn. Mà như vậy là đã vi phạm quy định “chưa tổ chức đám cưới” trong thể lệ cuộc thi. Kết quả, người đẹp ấy trở thành một khán giả trong đêm chung kết!

Tất nhiên là câu chuyện năm đó rất ồn ào, nó khiến cho cuộc thi hoa hậu lâu năm nhất xứ ta mang nhiều tai tiếng. Và để an toàn hơn, ngay trong cuộc thi sắp diễn ra trong tháng 11 tới, người ta thêm vào quy định: Đã sống thử không được thi hoa hậu.

Nhưng thế nào là sống thử? Đó là một khái niệm rất mơ hồ và khó có thể xác định. Nếu chỉ hiểu sống thử là sống chung chưa đăng ký kết hôn thì sống chung với nhau trong bao lâu, một vài đêm hay là một vài tuần, vài tháng, vài năm...? Hay, không sống chung như vợ chồng nhưng “làm chuyện vợ chồng” thì vẫn là thí sinh hợp lệ?!

Thế mới có chuyện, vừa qua một số thí sinh đã bỏ thi vì lý do rất ngớ ngẩn là: Không biết mình có đang sống thử hay không?!

Nói chung, áp lực về sự an toàn khiến người ta phải phản ứng tự vệ bằng những cách khác nhau. Đó là điều đáng để cảm thông. Song, đôi khi đó lại là cách khiến những bất trắc có thể dễ dàng xảy ra hơn! Một thí sinh từng tổ chức lễ cưới rình rang, sống với chồng một thời gian dài mà ban tổ chức còn không biết. Thế thì chuyện một cô gái từng “bí mật” sống với ai như vợ chồng thì làm sao để xác định được đây?! 

Hậu trường các cuộc thi nhan sắc vốn đã quá nhiều ồn ào, đồn đại. Nếu các thí sinh tố lẫn nhau, “mẫu hậu” thí sinh này tố thí sinh kia, hay các tin tức rỉ tai về sống thử thì ban tổ chức buộc phải thẩm tra tất cả?! Có khi, đưa quy định mới này là cách ban tổ chức đang tự chuốc lấy rắc rối vào chính mình!

Có lẽ, nên thêm một biện pháp cực kỳ đơn giản đó là: Ai còn “nguyên vẹn” thì mới được phép thi hoa hậu và có hội đồng y khoa khám xét. Chỉ có cách này mới biết được có sống thử hay không?.

Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân: Nhân vô thập toàn

Trước tiên có thể hiểu rằng, ban tổ chức đưa ra quy định này nhằm mục đích ý nghĩa là đánh giá, lựa chọn những thí sinh có tư cách tốt để tham gia cuộc thi của họ. Đó là mong muốn chính đáng và đáng biểu dương. Bởi tư cách, đạo đức, lối sống là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một con người, nhất là một người đẹp có thể trở thành hoa hậu, người đại diện cho phái đẹp của một quốc gia.

Được 3 mất… 7!

Nhưng quy định này không rõ ràng, bởi thế nào là sống thử thì khó định nghĩa cụ thể được. Mà khi đã đưa ra thành một quy định bắt buộc thì phải có những cuộc điều tra, xác minh rõ ràng chứ khó có thể dựa vào tinh thần tự giác của các thí sinh. Tôi nghĩ, hãy xem chuyện sống thử như là một điều đáng nhắc nhở thì tốt hơn là biến nó thành một quy định, quy chế.

Tôi không ủng hộ chuyện chỉ vì một trường hợp cá biệt nào đó mà nhà tổ chức lại đưa ra những quy định làm ảnh hưởng đến những thí sinh có điều kiện đầy đủ khác. Và tôi tin chắc rằng, quy định cấm sống thử này sẽ gây khó cho không ít người đẹp trẻ hiện nay! Chúng ta không thể đòi hỏi một con người hoàn hảo tuyệt đối, kể cả đó là hoa hậu. Chúng ta là người, chứ chưa phải Thánh nhân mà là người thì “nhân vô thập toàn”.

Đối với người phụ nữ hiện đại thế kỷ XXI, quan niệm sống, yêu đương đã cởi mở hơn rất nhiều chứ không còn những định kiến nặng nề, cổ hủ như trước. Vì thế, cá nhân tôi cho rằng, không thể từ chuyện “sống thử” mà đánh giá đạo đức, nhân cách, tâm hồn của một người đẹp được. Đương nhiên với những trường hợp quá lố như đã đám cưới, đã đăng ký kết hôn mà nói dối là chưa thì không thể chấp nhận được rồi.

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan: Siết chặt đầu vào

Khi tổ chức bất cứ một cuộc thi nào thì cái đích mà ban tổ chức hướng tới là chọn được một gương mặt thật sự xứng đáng, nên Loan nghĩ khi đưa ra quy định người đã sống thử không được dự thi hoa hậu thì BTC cũng có lý do của họ. Là những người có chuyên môn, trên hết là đảm bảo hình ảnh của một cuộc thi nhan sắc thì giảm thiểu những yếu tố rủi ro, gây mất hình ảnh cũng là đúng đắn.

Được 3 mất… 7!

Với quy định này Loan không có ý kiến nhiều, nhưng với bất kỳ cuộc thi nào chứ không riêng gì một cuộc thi nhan sắc, càng siết chặt đầu vào bao nhiêu thì chất lượng cuộc thi đó càng được đảm bảo bấy nhiêu. Và khi đó, người được lựa chọn sẽ càng xứng đáng. Đơn cử như việc bạn lựa chọn thí sinh cho một cuộc thi người mẫu mà đặt tiêu chí các thí sinh phải cao 1m70 trở lên chẳng hạn. Thì ở đây cũng vậy, chỉ là một quy định để siết chặt hơn đối tượng tham gia mà thôi.

Hơn nữa, với đất nước phương Đông như chúng ta thì việc đặt tiêu chí khắt khe cho một nhan sắc đại diện quốc gia cũng là hợp lẽ.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa một cô gái sống thử là bị quy kết là vi phạm quy chuẩn đạo đức. Bởi ở độ tuổi tham dự cuộc thi này, Loan cho rằng họ đã đủ bản lĩnh để quyết định cho cuộc đời mình.

Giám đốc Công ty đào tạo người đẹp Á Đông Nguyễn Anh Tuấn: Chữ tâm, chữ tài…

Nếu cứ đưa ra quy định thí sinh tham gia thi hoa hậu phải còn trinh tiết thì xem ra còn có thể kiểm tra dễ dàng hơn là chuyện sống thử! Pháp luật quy định rõ ràng là “đã kết hôn” hay “chưa kết hôn” mà thôi và giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân là cơ sở pháp lý để biết thí sinh đó có quyền thi hay không. Làm gì có cơ quan địa phương nào xác nhận cô kia đã sống thử hay sống như vợ chồng với anh nào đó chưa?!

Được 3 mất… 7!

Có ý kiến cho rằng, chuyện sống thử phần nào nói lên nhân cách người đẹp. Điều đó đúng, tôi hoàn toàn không ủng hộ việc sống thử. Nhưng trong tình yêu thì không ai có quyền ngăn cấm và họ được quyền yêu và sống vì nhau. Các cô gái nếu biết nghĩ tới tương lai mình thì nên cân nhắc khi quyết định sống thử. Còn khi các bạn cảm nhận tình yêu của mình đủ lớn và đến giai đoạn chí muồi, các bạn cảm thấy không thể thiếu nhau nữa thì hãy đăng ký kết hôn, đó mới là minh chứng cho tình yêu của các bạn.

Với tôi, một người đẹp thì tất phải có nhan sắc, điều tôi muốn nói đây chính là hai chữ tài và tâm. Tài nó thể hiện một phần nào qua trình độ học vấn, địa vị xã hội và công việc bạn đang làm và sẽ làm sau khi bạn đã trở thành một hoa hậu. Hoa hậu mà bất tài vô dụng, thiếu học thức thì đó chẳng phải là một hoa hậu. Chữ thứ hai là chữ tâm, đó chính là cốt lõi và nhân cách của một hoa hậu, người có tâm là người biết sống thế nào và sống đẹp. Cái tâm là điều quan trọng nhất hình thành nên một hoa hậu, ông bà ta hay nói “chữ tâm bằng ba chữ tài” là vậy!

Trúc Vân (thực hiện)