Dừng phiên tòa xét xử "bầu" Kiên

08:09 | 16/04/2014

2,993 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng nay (16/4), Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức đưa bị cáo Nguyễn Đức Kiên và nhiều cựu lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) ra xét xử.

Phiên tòa có sự tham gia của 20 luật sư, riêng “bầu” Kiên có 4 luật sư bào chữa. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND thành phố Hà Nội.

Phiên xét xử dự kiến kéo dài 14 ngày.

 

 

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB bị truy tố về tội “Kinh doanh trái phép”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.

Trong vụ này, 6 người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB.

 

Vợ "bầu" Kiên đến phiên tòa trên một chiếc xe BMW.

 

 

Khoản 4 - Điều 139 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 3 - Điều 159 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội kinh doanh trái phép:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Ngoài ra, hai bị cáo Trần Ngọc Thanh - Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến Kế toán trưởng Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo truy tố, Nguyễn Đức Kiên thành lập 6 công ty và giữ chức Chủ tịch HĐQT. Lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị và điều hành Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên đã thực hiện hàng loạt các hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế thông qua 6 công ty trên. 

Các bị cáo Giá, Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên, Tuấn bị cáo buộc ban hành chủ trương uỷ thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại gần 719 tỉ đồng, đồng thời tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB gây thiệt hại gần 688 tỉ đồng. Tổng số tiền thiệt hại 9 bị can gây ra trong vụ án được cho là gần 1.700 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 12/12/2013, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng vụ đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (thuộc Ngân hàng ACB) và một số doanh nghiệp. Quyết định truy tố 7 bị can với 4 tội danh. Tại cáo trạng này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông Phạm  Trung Cang (ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang).

Ngày 3/1/2014, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát đề nghị điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đến cáo trạng lần 2, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho Ngân hàng ACB. Đến ngày 20/1/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra với ông Phạm Trung Cang.

Khoản 3 - Điều 165 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

Phạm tội gây thiệt hại từ một tỉ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Khoản 3 - Điều 161 (Bộ Luật hình sự) quy định về tội trốn thuế:

Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 600 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

8h20: Phiên tòa bước vào phần kiểm tra căn cước. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời HĐXX về gia đình, bản thân.

Do trục trặc về kỹ thuật phiên tòa phải tạm hoãn 30 phút. Đúng 8h55 phiên tòa tiếp tục với phần kiểm tra căn cước các bị cáo.

9h05: Các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lần lượt khai báo nhân thân.

Riêng bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt vì lý do sức khỏe. Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo này đi khám bệnh, xin vắng mặt 1 ngày, ngày mai sẽ tới tòa.

Theo quyết định của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, ngoài bị cáo, luật sư tham gia tố tụng còn có 83 nhân chứng liên quan, trong đó có Huỳnh Thị Huyền Như.

Bị cáo Lý Xuân Hải - Nguyên TGĐ Ngân hàng ACB

 

9h50: HĐXX tuyên bố kết thúc tra căn cước và bước vào phần xét hỏi.

Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính hỏi quan điểm của Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố về sự vắng mặt của  bị cáo Trần Xuân Giá và một số người liên quan.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo và những người liên quan vắng mặt đều có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, đây là phiên tòa kéo dài nên yêu cầu HĐXX tiếp tục làm việc.

Tiếp theo, HĐXX hỏi ý kiến của các bên liên quan tham gia tố tụng. Nhiều luật sư bày tỏ quan điểm hoãn xét xử.

10h05: Luật sư Lưu Tiến Dũng - Người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho bị cáo Trần Xuân Giá đề nghị HĐXX dừng phiên tòa vì thân chủ của mình vắng mặt do sức khỏe yếu, phải nằm viện.

Còn luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Đây là phiên xử công khai sao tòa lại hạn chế báo chí, không cho người dân tham dự... Tôi đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề này”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Kim Quang đề nghị tòa dừng phiên xét xử vì sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá. Khi nào bị cáo Giá đủ điều kiện về mặt sức khỏe thì tòa triệu tập và tiếp tục xét xử.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo Lý Xuân Hải cho biết, thân chủ của mình đang tranh chấp về khỏan 718 tỉ đồng, số tài sản này nằm trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Vụ án đó đang phúc thẩm nên chưa có quyết định pháp lý nào, đề nghị chờ phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như xong mới tiếp tục xử vụ "bầu" Kiên.

Luật sư bảo chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, hiện Công ty Thép Hòa Phát đã nhận lại 100% số cổ phần của ACB vì vậy giá trị thiệt hại không xác định được nên phải hoãn để bổ sung.

Huỳnh Thị Huyền Như có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói:

"Sau khi nghe về các thành phần tham gia tố tụng tôi cảm thấy quyền lợi của tôi bị ảnh hưởng. Tôi bị truy tố về tội trốn thuế nên đề nghị phải có đại diện Tổng cục Thuế.

Còn về tội danh kinh doanh trái phép, các việc làm của cơ quan thẩm quyền cho phép tôi kinh doanh như: Phòng Đăng ký kinh doanh Hồ Chí Minh, Hà Nội và đại diện các Bộ Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước là những bộ có ý kiến cho phép cấp phép cho tôi kinh doanh sao không có mặt tại phiên tòa?

Trong đơn gửi toà, Viện Kiểm sát Nhân dân tôi có đề nghị triệu tập bổ sung anh Dũng, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc ACB; ông Quang, nguyên Vụ trưởng vụ pháp chế (Tổng cục Thuế) người xử lý việc quyết toán thuế của Công ty B&B. Đây là những người tôi đặc biệt quan tâm và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới phiên xét xử."

Bên cạnh đó, bị cáo Kiên muốn phiên toà xét xử sớm, công khai để dư luận xã hội biết và không liên quan đến vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như.

"Hôm qua, 15/4, bị cáo đã nhận được ý kiến của cán bộ giám thị trại giam yêu cầu phải mặc đồng phục do trại cấp. Căn cứ quy định của pháp luật, bị cáo đề nghị các luật sư thay mặt tôi kiến nghị HĐXX và Bộ trưởng Bộ Công an về việc áp dụng biện pháp cùm chân tôi trong quá trình diễn giải là không phù hợp…" - bị cáo Nguyễn Đức Kiên trình bày quan điểm.

11h: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính nói: Sau khi xem xét yêu cầu của các bên liên quan, HĐXX nhận thấy, lá đơn xin vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá chỉ có chữ ký mà không có bất kỳ giấy tờ, con dấu của bệnh viện xác nhận nên việc hoãn phiên xử là không có căn cứ.

Về việc các nhân chứng liên quan vắng mặt, tòa đã gửi công văn triệu tập nhưng những người này vẫn vắng mặt. Trong quá trình xét xử, tòa sẽ gửi công văn đến những người vắng mặt yêu cầu đến phiên xét xử.

Về tư cách của Ngân hành ACB, luật sư hỏi rằng, Ngân hàng ACB là tư cách liên quan hay nguyên đơn, HĐXX khẳng định, trong quá trình xét xử sẽ xem xét chính xác là người liên quan hay nguyên đơn dân sự. Đối với Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX khẳng định là người có quyền nghĩa vụ liên quan vụ án.

Việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên yêu cầu triệu tập cơ quan Thuế, HĐXX khẳng định, đã triệu tập nhưng không thấy có mặt.

Về các yêu cầu mà các bên liên quan yêu cầu hoãn phiên xét xử, HĐXX thấy phiên tòa đang diễn ra đúng pháp luật, đúng trình tự. Đối với những người vắng, tòa sẽ có công văn yêu cầu phải có mặt.

Sau khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người liên quan, phiên tòa tạm nghỉ.

14h: Phiên tòa làm việc trở lại.

14h10: Hội đồng xét xửtạm nghỉ để hội ý.

14h20: Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính tuyên bố: Căn cứ vào các tài liệu liên quan và bản bệnh án do Bệnh viện Việt Xô, nhận thấy đơn xin hoãn phiên tòa của bị cáo Trần Xuân Giá là đúng quy định của pháp luật. Vì vậy HĐXX tuyên bố hoãn phiên xét xử chờ bị cáo Trần Xuân Giá hồi phục.Thời gian làm việc trở lại sẽ ấn định sau.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc