Phạt chủ phương tiện không mang giấy tờ gốc:

Đúng luật nhưng chưa hợp lý!

14:09 | 20/07/2017

720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Bộ Công an yêu cầu lực lượng chức năng xử phạt chủ phương tiện không có giấy tờ gốc khi tham gia giao thông, đang được dư luận quan tâm, bởi nhiều người cho rằng, quy định này gây khó khăn cho người dân.

Xử phạt đúng luật...

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước quan tâm đến Văn bản số 3851/NHNN-PC ngày 24-5-2017 của Ngân hàng Nhà nước về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông (bên thế chấp được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe) và Công văn số 2916/C67-P9 ngày 31-5-2017 của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng.

Việc hai cơ quan này ban hành văn bản trái chiều liên quan đến việc sử dụng bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe khiến người dân hoang mang. Anh Nguyễn Văn Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn, quy định phải xuất trình giấy tờ gốc khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu, đã và đang làm khó rất nhiều người khác bởi nhiều xe được mua theo hình thức trả góp, giấy tờ gốc đã bị phía ngân hàng giữ lại.

dung luat nhung chua hop ly
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Phượng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn vì việc ban hành Văn bản số 3851 của Ngân hàng Nhà nước là quá muộn so với các quy định mà Cục CSGT, Bộ Công an đã ban hành. “Việc xử phạt của Cục CSGT, Bộ Công an là đúng luật nhưng chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác khi làm các thủ tục liên quan đến giấy tờ tại ngân hàng”.

Nhưng chưa hợp lý

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp khẳng định, việc CSGT yêu cầu chủ phương tiện xuất trình giấy tờ gốc là đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người dân khi ra đường cần phải mang theo giấy tờ để xuất trình bản chính giấy tờ xe khi có yêu cầu kiểm tra theo quy định.

Tuy nhiên, phía ngân hàng thì đang dựa vào quy định tại Khoản 6, Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giữ giấy tờ gốc của người dân. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước mới có Văn bản 3851 về các giao dịch liên quan đến giấy tờ bản chính. “Những văn bản, quy định trên chưa có sự thống nhất với nhau. Trong trường hợp này, người chịu khổ chính là dân”.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, trong trường hợp này cần phải xem xét mức độ quan trọng của giấy tờ gốc đối với ngân hàng khi cho vay thế chấp. Nếu bên thế chấp được giữ giấy tờ gốc, họ sẽ không bị áp lực từ phía ngân hàng, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra tài sản bảo đảm định kỳ và theo dõi biến động của xe. Nhưng nếu các ngân hàng không được giữ giấy tờ gốc thì cũng không khác nào “thả gà ra đuổi”.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT nên tạo điều kiện chấp nhận bản chứng thực giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng ghi rõ về thời gian hợp đồng có hiệu lực. Trường hợp CSGT cần giữ giấy tờ liên quan của người vi phạm (theo quy định tại Điều 78 Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông) thì có thể giữ các giấy tờ khác như giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, căn cước công dân.

dung luat nhung chua hop ly

TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản pháp luật (Bộ Tư pháp) - nhìn nhận việc CSGT áp dụng theo Luật Giao thông Đường bộ - Đường sắt làm căn cứ để xử phạt là quá cứng nhắc, vì lưu hành phương tiện là một chuyện và lưu hành có đủ điều kiện hay không là một chuyện khác. CSGT chỉ cần kiểm soát về điều kiện phương tiện, điều kiện người điều khiển phương tiện.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản pháp luật cũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần phải nhanh chóng xem xét, đối chiếu, rà soát các văn bản, nếu có mâu thuẫn thì cần phải có kiến nghị sửa đổi.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp:

dung luat nhung chua hop ly

Hai công văn của Ngân hàng Nhà nước và Cục CSGT Bộ Công an chỉ là hai văn bản thông tin nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không bắt buộc phải thực hiện. Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật phải thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật như luật, nghị định, chỉ thị, thông tư.

Hiện Luật Giao thông Đường bộ - Đường sắt và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định lái xe khi điều khiển phương tiện phải có giấy tờ xe nhưng không yêu cầu là phải xuất trình bản chính. Chính vì thế, lực lượng CSGT chưa nên xử lý chủ phương tiện vi phạm hành chính không mang theo giấy tờ bản gốc. Ngoài ra, văn bản này ban hành quá bất ngờ khiến các hãng taxi và người mua xe trả góp không kịp trở tay. Kể cả khi pháp luật có sửa đổi, quy định người tham gia giao thông phải mang theo bản chính giấy tờ xe thì cũng cần phải có thời gian chuẩn bị mới có thể áp dụng vào thực tế và không được hồi tố với các hợp đồng, giao dịch trước đó giữa chủ xe với ngân hàng.

Đinh Hương - Thảo Ngân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc