Đừng dung tục hóa biểu tượng tâm linh

08:52 | 19/04/2017

2,632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một hiện tượng gần đây xuất hiện nhiều trong các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm, tại các di tích là “cụ thể hóa” những điều còn đang lung linh trong huyền thoại.

1. Trên một số báo trong dịp lễ Giỗ Tổ năm nay lại xuất hiện nhiều bài “giải thiêng” của các nhà “suy đoán”, cho ra những kết quả trần trụi, phi thực tế. Chưa dừng lại ở đó, họ còn nêu những câu hỏi khá giật gân: Vua Hùng họ gì? Giỗ Tổ là giỗ ai? Tại sao lại chọn ngày 10 tháng 3 (âm lịch)?… Những câu trả lời của các nhà “suy đoán” cũng thật đơn giản: Vua Hùng - Hùng Vương họ Lộc (theo họ Lộc Tục của Kinh Dương Vương, chứ không phải theo họ Sùng Lãm - Lạc Long Quân do lúc đó tồn tại chế độ mẫu hệ (?) Lạc Long Quân được “phong” hiệu Hùng Hiền Vương (?)... Họ liệt kê đủ 18 đời vua Hùng mà không giải thích rằng: Con số 18 không phải là số thực mà chỉ là con số thiêng, con số tượng trưng trong tâm thức.

Còn nhớ vào năm 2014 đã xôn xao chuyện tại khu tưởng niệm các vua Hùng trong Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) thờ 18 vua Hùng, trong đó có nhiều vua sống thọ hàng trăm năm (!). Tượng Quốc Tổ trong đền ở công viên này được cho là “có giá trị cao” vì “tạo từ gỗ mít nguyên khối, cao 6m” nhưng “giá trị mỹ thuật chưa cao”, tô môi và móng tay đỏ chót, “da trắng như tuyết”, râu, tóc đen nhánh, vì “do nghệ nhân tự làm”. Những điều nêu trên không hề có bất cứ ý kiến thẩm định tin cậy nào.

dung dung tuc hoa bieu tuong tam linh
Lễ hội Đền Hùng

Phía ngoài đền là hai dãy tượng “Các vua Hùng” cũng cao tới 4m và năm 2015 đã được “phong kỷ lục”. Dưới chân mỗi tượng “vua Hùng” có bảng ghi “trích ngang thông tin lịch sử” về các đời vua như tên hiệu, tên húy, tuổi thọ, thời gian trị vì, số vợ con, số cháu chắt... Thí dụ: “Hùng Diệp Vương - húy Bảo Lang, làm vua 300 năm, thọ 646 tuổi (?), có 24 vợ, sinh 49 con trai 20 con gái. Có 59 chi, sinh 1.591 con cháu chắt”; “Hùng Huy vương - húy Pháp Hải Lang, làm vua 87 năm, sống 500 tuổi, có 48 vợ, sinh 33 con trai, 19 con gái, có 52 chi, sinh 599 cháu chắt” (?)... Người giữ “kỷ lục sống lâu” là tác giả của bánh chưng, bánh dày thiêng trong tâm thức - Hùng Chiêu Vương, húy là Lang Liêu Lang - thọ 692 tuổi, ở ngôi 200 năm, có 60 vợ, 59 con, 59 chi sinh 750 cháu, chắt. Người có số năm trị vì ngắn nhất là (Hùng Huệ Lang) cũng làm vua 150 năm, thọ 221 tuổi, có 100 vợ, 24 con và 194 cháu chắt... (!)

Không thấy các nhà mang danh khoa học dẫn nguồn tư liệu và nêu phương pháp suy đoán của mình, nhưng chỉ cần xem xét về mặt sinh học cũng đã đủ để không thể tin các vua Hùng là người thường. Khi đã không phải là người thường thì cần gì phải có tuổi giống người thường mà cố gán cho các ngài? Như vậy là tôn vinh “người thần” hay hạ thấp các ngài cho giống “người thường”? Hoặc chỉ một chi tiết cũng cho thấy sự không chính xác của các nhà “suy đoán” đã biến huyền sử thành lịch sử để nói như đinh đóng cột rằng: “Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất, 2897 trước Công nguyên” (?). Tất cả những ai có hiểu biết về Thiên can và Địa chi đều rõ rằng: Những năm Nhâm trong Thập thiên can chỉ là những năm dương lịch có số cuối cùng là 2 (!).

2. Sự kính ngưỡng với những điều thiêng liêng huyền ảo của nhân dân, xưa vẫn thế và nay vẫn vậy, chưa cần vận dụng đến các thành tựu của khoa học. Mỗi người dân trên mảnh đất Việt hôm nay vẫn hiểu và tin rằng, vua Hùng là biểu tượng thiêng liêng mà gần gũi, chẳng cần luận giải có thực hay không. Nhân dân vẫn kính cẩn gọi vua Hùng là Đức Tổ, ngưỡng mộ thành kính cả Hùng Vương và các bộ tướng của ngài - những người có công giúp nước, cứu dân. Tín ngưỡng này mang đậm tính đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hơn nữa, còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cố kết cộng đồng.

Những nhà “suy đoán” và tạc tượng kia còn quên mất một điều trong niềm tin dân gian là “Người thường không (được) nhìn mặt Thánh” và Thánh cũng chẳng cần có tuổi. Trong các di tích, nếu có tượng cũng là tượng thờ, đặt trang trọng tại hậu cung, thượng điện và thường được phủ vải đỏ. Mỗi dịp tế lễ, nghi thức “mộc dục” được giao cho một số ít các bô lão có uy tín trong cộng đồng thực hành trang nghiêm cẩn trọng.

Trước đây vài năm cũng đã có chuyện nhiều báo đua nhau đăng tin “bái lạy Cụ Rùa” ở hồ Gươm, cập nhật từng “diễn biến hành vi” dù nhỏ nhất mỗi khi nhìn thấy “Cụ”. Gần đây nhất lại là ý tưởng đúc tượng nặng 10 tấn để có một hình ảnh cụ thể về “Cụ” cho bàn dân thiên hạ “chiêm bái” và “chụp ảnh kỷ niệm”. Có thể thấy ngay rằng hồ Gươm vẫn đẹp và thiêng dù cá thể sinh vật quý hiếm kia đã không còn sống. Và nếu tạo hình tượng, dù có bằng vàng thực, cũng chỉ có tính biểu trưng và lại phải lụy vào truyền thuyết để trả lời câu hỏi: Tại sao hình tượng là thế này mà không phải là thế kia? Lỗi thuộc về nhận thức. Dù vô tình hay hữu ý, nhiều người đã lẫn lộn một biểu tượng đẹp và thiêng liêng của khát vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh trong Huyền tích hồ Hoàn Kiếm với một cá thể sinh vật dù rất quý hiếm. Với lối tư duy này sẽ còn sinh ra nhiều chuyện bi hài, trớ trêu.

Cuộc sống hiện đại có cần và còn chỗ cho tâm thức dân gian kính ngưỡng những biểu tượng thiêng liêng? Câu trả lời là có và cần thiết.

Và có cần phải đi tìm “tuổi thực”, “tên thực”, “hình ảnh thực” của những điều thiêng liêng để có thể “thuyết phục về mặt khoa học” một cách giật gân? Dù với mục đích gì và biện giải vòng vèo ra sao thì đó cũng là việc làm sống sượng, vô căn cứ và phản cảm!

Ngữ Thiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc