Đừng để sách giáo khoa mỗi miền một… phách

07:35 | 17/06/2016

445 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xin được tự xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) riêng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.  

Độc lập làm sách

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM vừa có kiến nghị tới Bộ GD&ĐT cho phép thành phố tự xây dựng chương trình SGK riêng dựa trên chương trình của Bộ.

Theo ông Sơn, TP HCM là một trong những thành phố lớn, trong những năm gần đây, do áp lực của gia tăng dân số khiến số lượng học sinh gia tăng mỗi năm, kéo theo đó là những khó khăn riêng của thành phố.

Vì vậy, để đáp ứng những nhu cầu đặc thù và phát triển được bản sắc riêng của thành phố, Sở GD&ĐT TP HCM đề xuất lãnh đạo Bộ cho phép ngành giáo dục của thành phố được tự xây dựng chương trình giáo dục, SGK dựa trên chương trình của Bộ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

dung de sach giao khoa moi mien mot phach

Đề xuất này ngay lập tức đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng: Chưa biết bộ SGK của TP HCM (nếu được thực hiện) sẽ mang tính đột phá được đến đâu, nhưng hiện tại nó được xem là một đề xuất khó khả thi. Nhất là từ trước tới nay, việc biên soạn SGK phổ thông của nước ta còn quá nhiều bất cập. Ngay như chính chương trình “Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2015” dù ở mức dự thảo cũng đã bị “chê” là nội dung yếu kém và quá sơ sài.

Chuyên gia giáo dục nhận xét: Việc biên soạn, chỉnh sửa SGK phổ thông nhiều năm ở Việt Nam cho thấy chúng ta toàn làm ngược quy trình. Nghĩa là, khi cần xây dựng một bộ sách, chúng ta không xây dựng một hệ chương trình chuẩn, từ lớp 1 cho đến lớp 12 (theo hệ phổ thông 12 năm) nhưng đã tổ chức biên soạn.

Từ các lần biên soạn này sau nhiều lần chỉnh lý thành các bộ SGK cho các cấp phổ thông. Đấy là một cách làm không khoa học, chẳng khác gì việc xây dựng một tòa nhà kiên cố, nguy nga mà lại không có bản vẽ thiết kế chuẩn xác và chưa xây tốt nền móng.

Chuyên gia này cho rằng: Chính vì chưa xây dựng được một nền móng cụ thể nên khi cho ra một bộ SGK thì nội dung kiến thức ở các cấp bậc bị chồng chéo do bị trùng lặp giữa các cấp, kiến thức nặng nề, không theo một quá trình phát triển từ thấp đến cao một cách thống nhất. SGK các môn khoa học tự nhiên thì hầu hết là quá tải. SGK các môn khoa học xã hội thì rườm rà, nhiều khi sa vào “hàn lâm” không phải lối.

Sẽ “loạn” SGK?

Trước đề xuất của Sở GD&ĐT TP HCM, GS Nguyễn Minh Thuyết đã bày tỏ lo ngại: Rất có thể sẽ gây loạn 63 sứ quân. Nghĩa là khi Sở GD&ĐT được phép làm SGK, thì rất có thể các Sở khác cũng… noi theo. Một đất nước mà mỗi tỉnh có một bộ SGK riêng để giữ gìn bản sắc thì không biết giáo dục sẽ đi đến đâu?

Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận. Đương nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, nên để Sở GD&ĐT TP HCM thử nghiệm. Bởi không phải tỉnh nào cũng có “điều kiện” để làm sách.

Trao đổi với PV Báo Năng lượng Mới về vấn đề này,  PGS Nghiêm Đình Vỳ - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Văn hóa cho rằng: Không nên để một sở làm sách, sẽ gây ra tình trạng cục bộ trong giáo dục. Nếu muốn, TP HCM có thể biên soạn bộ sách phụ, dựa trên khung sườn bộ SGK của Bộ GD&ĐT.

Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông đã quy định, cả nước chỉ có một chương trình SGK chung, trong đó có thể có nhiều bộ sách. Tất nhiên, nhiều bộ sách ở đây là phải bảo đảm trên nền chung nhất của chương trình. Sau khi có chương trình chung do Bộ GD&ĐT ban hành, trên cái nền đó thì các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên chương trình đó.

Nếu Sở GD&ĐT TP HCM đăng ký viết một bộ SGK thì cũng phải tuân thủ theo chương trình chung của cả nước và phải có hội đồng thẩm định. Một chương trình nhiều bộ SGK nghĩa là sách của TP HCM cũng chỉ là một bộ sách trong cái chương trình chung đó. Sở GD&ĐT thành phố không được ép buộc các trường học trên địa bàn phải sử dụng sách đó, mà sách của Sở chỉ mang tính chất tham khảo cho giáo viên trong chương trình giảng dạy.

Thực tế, đề xuất cho ra bộ SGK riêng không phải là mới. Trước đây cũng có ý kiến xin ra bộ SGK hai miền Nam - Bắc riêng, nhưng ngay lập tức đã gặp phải phản ứng từ dư luận rồi. Nên Sở GD&ĐT TP HCM lại đưa ra ý kiến này là lặp lại khiếm khuyết trước đây.

Trong SGK  cũng không thể có chuyện bản sắc riêng, vì trong cái riêng vẫn cần có cái chung. Theo PGS Vỳ, hiện nay SGK đã được phân bổ kiến thức, khoảng 80% dành cho phần kiến thức chung, còn lại 20% cho phần kiến thức riêng mang tính chất vùng miền. Những bộ khoa học tự nhiên thì không nói làm gì nhưng những môn khoa học xã hội còn rất nhiều vấn đề liên quan nên để làm được cho khoa học là điều không dễ dàng.

SGK phải mang tính phổ quát

Trước nay, mỗi lần nhắc đến đổi mới SGK là y rằng gặp phải phản ứng trái chiều từ dư luận. Cũng bởi, bộ sách quan trọng này ảnh hưởng đến cả một hệ thống giáo dục. Theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ thì ngay cả các nhà viết sách đến thời điểm này cũng rất ngại làm sách.

Nhận định về thực trạng biên soạn SGK, PGS Nghiêm Đình Vỳ nói: SGK dùng trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta còn thiếu cập nhật thời sự. Đương nhiên, nếu đặt ở thời điểm lịch sử khi nó ra đời thì phần nào đạt yêu cầu, nhưng đến chục năm sau thì nó đã lạc hậu rồi. Như đợt đổi mới SGK gần đây nhất là năm 2002. Đến nay đã 14 năm rồi chúng ta chưa đổi mới thì làm sao đòi hỏi bộ sách phải phát triển năng lực của học sinh được?

Lưu ý, ở các nước có nền giáo dục phát triển, 5-7 năm là người ta thay SGK. Còn mình quá lâu như vậy, sẽ cũ kỹ và lạc hậu”.

Về “cái khó” của việc soạn SGK, PGS Nghiêm Đình Vỳ cũng nói: Chúng ta cũng không nên phủ định những cái cũ. Bởi mỗi lần biên soạn SGK chúng ta cũng đã huy động nhiều giáo sư đầu ngành, nhiều chuyên gia nổi tiếng, đâu phải ít. Có điều dư luận dường như quá khắt khe với SGK. Ngay như cụ Lê Chí Viên, nhà giáo kỳ cựu trong viết sách cũng phải thốt lên rằng: Sai lầm nhất trong cuộc đời là viết SGK. Giới viết cũng có câu: “Muốn dân chửi thì viết văn bia, muốn cả họ chia lìa thì viết gia phả, muốn xã hội đả thì viết SGK”, để thấy rằng viết được bộ sách vừa lòng tất thảy là rất khó.

Thế nhưng, việc làm thì vẫn cứ phải làm. Mỗi người nên hiểu rõ việc làm SGK là công việc của toàn xã hội chứ không phải của riêng những người viết sách, đây là công việc khó khăn khi nước ta không có bộ phận chuyên mà tất cả đều phải kiêm nhiệm nên hiện rất cần phải có đội ngũ chuyên viết sách. Đương nhiên nội dung sách, theo thầy Vỳ cũng cần phải thay đổi: Cần tiếp thu những cái chưa được để sửa chữa.

“Các chuyên gia nhấn mạnh, SGK hướng học sinh theo phương pháp tự phát triển năng lực thì SGK cũng phải đáp ứng được. Về quy trình, như các nước có nền giáo dục phát triển thì họ giao hẳn cho các nhà xuất bản. Đương nhiên, ở nước ta thì lại phải thêm quy trình thẩm định nhà xuất bản.

Sau đó, các nhà xuất bản được họn, họ có trách nhiệm kiếm tìm đối tượng phù hợp như các nhà khoa học dạy ở các trường ĐH, các nhà khoa học làm quản lý và cả những giáo viên phổ thông… làm một một bộ sách xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông dưới sự chỉ huy của một Tổng chủ biên. Tất nhiên, các quy trình như làm đề cương, đề cương chi tiết, rồi viết sách và thẩm định đều được giám sát bởi Bộ GD&ĐT”.

Bộ GD&ĐT không nên tự mình đứng ra soạn SGK và cũng không nên cho phép các Sở GD&ĐT đứng ra soạn SGK. Điều này cũng giống như Bộ Y tế không nên kinh doanh thuốc và Sở Y tế cũng không được phép mở tiệm thuốc bán cho các bệnh viện trong tỉnh mình. (GS Nguyễn Minh Thuyết)

H.A

Năng lượng Mới 532