Đừng để lãnh đạo không dám gặp dân

11:12 | 25/05/2012

388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 24/5, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ mối băn khoăn liên quan đến những bức xúc, bất ổn trong đời sống nhân dân, mà không ít phần trách nhiệm thuộc về cơ quan công quyền.

An ninh lòng dân

Tình hình kinh tế khó khăn, đời sống vật chất của dân khổ rồi, tinh thần lại phải đối mặt với bao nhiêu bức xúc, bất an, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) lo ngại.

Bà Dung dẫn lại những câu lưu truyền trong dân gian như “Sáng ra đường lo ngập lụt/ Trưa đang chạy thì xe máy cháy/ Chiều buông xuống dịch bệnh bủa vây/ Đêm thảng thốt phí sắp tăng rồi”…

“Nghe dân nói mà đau. Chúng ta phải tính khoan sức dân”, bà Dung lưu ý.

“Chúng ta nêu giải pháp an ninh, nhưng chỉ tập trung an ninh đối ngoại mà quên nhiều vấn đề an ninh đối nội, vấn đề an ninh lòng dân”.

Đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/5

Trước đó, tại tổ Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Sinh cũng nêu lại một loạt vấn đề xã hội gay gắt, bức xúc: tội phạm phức tạp, trẻ hóa và có tổ chức, chuyện khiếu kiện kéo dài, tà đạo xuất hiện nhiều nơi…

Đó là chưa kể nhiều khi “chính quyền tạo ra những bức xúc không đáng có”, ông Sinh nói. Đơn cử, có lúc chúng ta “hừng hực khí thế phê duyệt, triển khai đường giao thông. Thế rồi thắt chặt chi tiêu, đình hoãn”. Bao nhiêu công trình dở dang.

“Không có tiền thì thôi, đằng này chúng ta không có tiền còn cào cuốc ra, làm khó cho dân”, ông Sinh nói.

Đó là chưa kể nhiều chính sách hỗ trợ dân làm không tới nơi. “Giao cho một gia đình nghèo 15 cây đào hay một con trâu, mà đã ghi họ vào danh sách xóa nghèo rồi!”.

“Có vị lãnh đạo nói với chúng tôi, lãnh đạo ra đường không dám gặp dân, vì gặp không biết giải thích như thế nào”, ông Sinh nói.

Trong khi đó, như ĐB Nguyễn Thanh Sơn (Nam Định) nêu, “người dân thấy nhiều quan chức lương chỉ tiền triệu nhưng nhà cửa tiện nghi sang trọng”.

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Giải quyết bức xúc

Tại tổ Hà Nội, vấn đề đất đai và người nông dân được các đại biểu dành nhiều quan tâm. Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son phân tích, nhiều khi chính sách đất đai của ta không sai mà do tổ chức thực hiện sai, dẫn đến bức xúc trong dân, gây mất uy tín của chính quyền.

Như vụ Đoàn Văn Vươn, việc chống lại người thi hành công vụ là có chủ định, biết sai nhưng vẫn làm. Điều này, theo Bộ trưởng Son, “xuất phát từ phía quản lý, đẩy dân vào chỗ đối đầu chính quyền”.

Hơn nữa, theo luật Đất đai, khi tiến hành cưỡng chế, không nên dùng cơ quan an ninh ra đối đầu với nhân dân.

Ông chỉ rõ, cái sai này “từ tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp, phát ngôn thiếu thống nhất, sai sự thật”.

“Cần nhìn thẳng vào sự thật về những thiếu sót của chúng ta. Đây không phải là một bức xúc bình thường”, ông Son nhấn mạnh.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng “may Hà Nội chưa có những vụ như Văn Giang, Tiên Lãng, bởi thực tế dân chưa được biết quy hoạch đất đai, chưa được hỏi ý kiến khi thu hồi đất”.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) cũng nêu trách nhiệm tạo lòng tin nơi dân của chính quyền, mà trước hết từ việc làm tốt công tác quản lý nhà nước.

Ông Thông đơn cử, thông tin về chất tạo nạc trong thịt lợn làm nông dân khốn đốn. Chưa cần hiểu thực hư thế nào, chỉ riêng thông tin ở phía Nam có dùng loại chất này cũng làm sản xuất của nông dân miền Bắc ngưng trệ. Mất mấy ngàn tỉ, với nông dân to lắm.

Nông dân biết kêu ai khi người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm họ vất vả làm ra.

Chưa nói đến chuyện an toàn thực phẩm, riêng việc dân không dám ăn rau, không dám ăn thịt, cả cá cũng cân nhắc… thì nông dân khổ. Người tiêu dùng quay lưng vì thiếu lòng tin.

“Trách nhiệm tạo lòng tin ấy Nhà nước phải gánh, không đẩy cho ai cả”, ông Thông nhấn mạnh. “Việt Nam là nước nông nghiệp, ngành này có vấn đề là gay go. Nông nghiệp có vấn đề là xã hội có vấn đề”.

Bộ trưởng Son lưu ý, phải chú ý giải quyết những bức xúc trong dân, đặc biệt những khiếu kiện đất đai.

Theo VietNamNet