Hiệp hội Đại học, cao đẳng ngoài công lập:

“Đừng coi chúng tôi như doanh nghiệp”

16:19 | 17/03/2014

2,539 lượt xem
|
Không tuyển được sinh viên, nhiều ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh, không đủ giảng viên cơ hữu, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập “kêu cứu” đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

20 năm vẫn… loay hoay

Vừa qua, sau khi rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định dừng tuyển sinh 42 ngành của 20 trường ĐH ngoài công lập do không đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu.

Không phải lần đầu tiên các trường ngoài công lập “kêu cứu” về khó khăn trong công tác tuyển sinh về chế độ vay vốn, đánh thuế, sự thiếu công bằng giữa sinh viên công lập và ngoài công lập….

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Ngộ (ĐH Phú Xuân – Thừa Thiên Huế) thẳng thắn bày tỏ thực tế các trường ngoài công lập hiện nay có quá nhiều vấn đề phức tạp và không nên coi các trường là một doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Ngộ cho rằng: “Tôi đề nghị miễn thuế cho các trường ngoài công lập và chuyển dần từ dân lập sang tư thục. Trường ngoài công lập không phải doanh nghiệp, vậy tại sao vẫn đánh thuế nặng? Tôi kiến nghị nên có chế độ vay ưu đãi và hoàn lại thuế cho các trường”.

“Đừng coi chúng tôi như doanh nghiệp” - đang chỉnh ảnh

TS. Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế).

GS. TSKH Quách Đình Liên - Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình Dương cũng băn khoăn, trường ĐH, CĐ ngoài công lập có phải là doanh nghiệp hay là tổ chức sự nghiệp? GS cho rằng những chính sách vừa qua chưa thể hiện rõ ràng điều này, đây hoàn toàn là một tổ chức sự nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. 

Ông khẳng định: “Dù trường công hay tư cũng đều là vốn của dân, trường công được dân đóng thuế, lấy lợi nhuận từ khai thác tài nguyên, trường tư là của tố chức, hay một người, nhiều người, do đó tiềm lực không thể bằng trường công. Nhưng cách quản lý trường tư chắc chắn chặt chẽ hơn trường công”. 

Trao đổi thêm, ông Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, cho biết nhiều chính sách, cơ chế đối với các trường ngoài công lâp chưa được bình đẳng cũng vì nhận thức xã hội, ngay cả cấp quản lý vĩ mô còn tỏ ra phân biệt, xem các trường ngoài công lập không phải của nhà nước, là trường top dưới. Do đó các chính sách như đất đai, thuế, chính sách cho sinh viên chưa được công bằng thực sự. 

Ông Phường đề nghị nhà nước cần có quy chế phối hợp với Bộ GD-ĐT và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, nên tổng kết lại mô hình giáo dục mở, đề nghị trong Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia có đại diện của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để có góp ý cụ thể và thiết thực hơn. 

Ở khía cạnh khác, GS.TS Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng) cho rằng, sự bất công giữa sinh viên công lập và ngoài công lập.

TS nhấn mạnh: “Sinh viên công lập hưởng nhiều lợi ích trong khi đó sinh viên của chúng tôi lại gánh mọi chi phí? Trong khi đó trường tôi mỗi năm có 93,6% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, vậy tại sao các em không được hưởng lợi ích như các em công lập?”.

Đồng thời, bản thân ông còn chia sẻ: “Trong tình trạng hiện nay, nếu con tôi trong độ tuổi đi học, tôi cũng không dám cho con thi vào trường ngoài công lập”.

Cũng nên nhìn lại mình

Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng cần tách biệt chức năng của trường công lập và ngoài công lập, cụ thể là, đại học công lập đào tạo nhân tài, là lò luyện thép, là tàu lớn đánh bắt xa bờ; còn đại học ngoài công lập là lò rèn búa rèn dao, đánh bắt cá con ăn ngay tại chỗ.

Trước kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chính các trường ngoài công lập cũng phải tự nhìn lại mình. Theo Phó Thủ tướng, các trường này có điểm đầu vào thấp hơn trường công thì càng phải nỗ lực hơn, chặt chẽ hơn nữa trong quá trình đào tạo để khẳng định chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định ít trường làm được điều này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Trước nhiều ý kiến cho rằng Bộ nên phân tầng trường công lập đào tạo tinh hoa, đặt ngưỡng điểm tuyển sinh cao hơn so với trường dân lập, Phó Thủ tướng khẳng định: “Tôi không đồng ý với ý kiến trường ngoài công lập phân tầng và chỉ đi “bắt cá nhỏ”.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, trường ngoài công lập có thế mạnh, phải ‘bắt cá to’ hơn trường công lập. Chúng ta sẽ cùng nhau ra chính sách, ra cơ chế để làm. Phải kéo trường công lập vào cuộc. Đây là trách nhiệm chung với đất nước”.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để đảm bảo công bằng thực sự, nên thành lập Hiệp hội các trường ĐH thay vì Hiệp hội các trường ngoài công lập để kéo các trường vào cùng một sân chơi, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Phó Thủ tướng còn giao hẹn: “Nếu các trường ngoài công lập đồng ý với quan điểm này thì một năm sau chúng ta gặp lại. Còn nếu cứ tư duy “cá bé” thì thôi”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT, Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập nghiên cứu để thành lập một Hiệp hội các trường ĐH, nhằm tạo một sân chơi chung, giúp các trường có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Khi đó, việc thực hiện các tổ chức kiểm định, phân tầng ĐH có vai trò rất quan trọng của Hiệp hội.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank