Đừng chỉ kinh doanh giáo dục

14:10 | 14/01/2014

2,632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) hầu như chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không chú trọng tái đầu tư. Họ tìm mọi cách để xin nhiều chỉ tiêu, thu học phí cao, nhưng số tiền thu về không tập trung xây trường, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Việc làm đó thực chất là kinh doanh giáo dục.

>> Ai “bức tử” các trường đại học ngoài công lập?

Bán trường... trả nợ

Theo quy chế Đại học dân lập, nguồn thu của trường bao gồm : nguồn thu tại trường (học phí, lệ phí, giá trị hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, lãi tiền gửi ngân hàng, thanh lý tài sản…); vốn góp của các tổ chức cá nhân (nhà đầu tư) để đầu tư và phát triển trường; nguồn tài trợ, viện trợ, quà tặng; vốn vay… Tuy nhiên, đa số các trường NCL được thành lập với số vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, sau khi tuyển sinh thì dựa hẳn vào nguồn thu học phí và lấy nguồn thu này nuôi lại tất cả bộ máy, hoạt động của nhà trường.

Trong đó, điều đáng bàn nhất chính là dù có nguồn thu hàng năm cực lớn, nhưng mức chi thực tế cho mỗi sinh viên lại rất thấp. Với mức học phí phải đóng lên tới hơn 15 triệu đồng/ năm (bình quân chung) trong khi số học phần hoặc tín chỉ được học của sinh viên trong bốn năm (chưa tính cắt ngang, cắt dọc) khoảng 100 - 120 tín chỉ thì chi phí cho một sinh viên là rất thấp, không quá 20 triệu đồng (cộng cả 2% chênh lệch). Với mức chi này, khả năng nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH dân lập - tư thục là hết sức khó khăn.

Từ con số nhẩm tính trên, chúng ta có thể thấy ngoài việc chỉ chăm chăm làm kinh tế (bằng thu học phí, các loại phí), các trường ĐH NCL không mấy mặn mà trong tích lũy và tái đầu tư cho cơ sở vật chất. Quy chế trường ĐH dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ, một trong những điều kiện và thủ tục thành lập trường ĐH dân lập là bản cam kết trong vòng 10 năm trường đó phải xây dựng được trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường.

Trường ĐH Văn Hiến TP HCM đã phải bán trường và chuyển đổi chủ đầu tư do kinh doanh giáo dục không có... lãi.

Thế nhưng, trong thực tế hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, các trường ĐH Văn Lang, ĐH Dân lập Kinh tế và Công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Mở thực hiện được tiêu chí trên. Các trường còn lại như ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương, ĐH Hồng Bàng… (thành lập hơn 10 năm) cơ sở vẫn là thuê mướn, sinh viên nhiều khoa phải chen nhau học gộp. Điều này chỉ có thể lý giải, các trường đã vì lợi nhuận mà phớt lờ quy định trên.

Trên thực tế, nhiều trường NCL đang được mở dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh giáo dục chứ không phải để phục vụ cho quốc sách hàng đầu. Không ít trường ĐH mới thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có giảng viên, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn. Như vậy, các trường này hầu như chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không chú trọng tái đầu tư. Họ tìm mọi cách để xin nhiều chỉ tiêu, thu học phí cao nhưng số tiền thu về không tập trung xây trường, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Việc làm đó thực chất là kinh doanh giáo dục.

Chính việc lợi dụng giáo dục như một hình thức kinh doanh lợi nhuận cao mà không tập trung nâng cao uy tín và chất lượng giáo dục, nhiều trường đã phải đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí phải bán trường để trả nợ như trường hợp ĐH Văn Hiến TP HCM và Trường Trung cấp Trường Sơn (tỉnh Đắk Lắk).

Về tình trạng lợi dụng giáo dục để kinh doanh, dẫn tới việc nhiều trường phải bán tống để trả nợ, ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bức xúc: “Ngay từ khi có tư tưởng thị trường hóa giáo dục đã phải tính đến chuyện nếu phá sản học sinh sẽ đi đâu? Đầu tư vào giáo dục không giống doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu phá sản, thiệt hại chỉ ở phạm vi hẹp mang tính nội bộ. Trong khi đó, giáo dục liên quan đến cả nghìn gia đình, nếu phá sản thì giải quyết thế nào?”.

Việc lợi dụng giáo dục như một ngành nghề kinh doanh kinh lời không còn quá hiếm trong khối trường NCL. Bởi ngay từ ngày mới thành lập trường, chính ông Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Đại Nam đã từng lên tiếng: “Tôi không tin những ai bỏ tiền ra làm trường mà lại nói là vì sự nghiệp giáo dục. Là nhà đầu tư, chúng tôi bỏ tiền ra là mong thu lợi”.

Chỉ có thể “tự cứu lấy mình”

Trước tình hình hoạt động “đìu hiu” của các trường ĐH, CĐ NCL, ông Lê Văn Học (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định: “Đến thời điểm này, xã hội đã nhận thức rất rõ là mình không thể trả học phí cao hơn trường công lập rất nhiều để vào một nơi mà không có trường, phải đi thuê; đội ngũ giảng viên cũng gần như đi thuê. Người học không thể chấp nhận tình trạng đó mãi: học phí thì cao, cơ sở vật chất và đội ngũ thì tạm bợ trong khi cũng chưa có gì bảo đảm về việc làm sau khi ra trường”.

Mặc dù các trường ĐH, CĐ NCL vẫn đang “kêu khổ” về việc bị Bộ GD-ĐT “đẻ mà không nuôi”, không được hỗ trợ như các trường công lập; nhưng thực chất, chính việc thiếu những định hướng giáo dục, không chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ và chất lượng giảng viên yếu kém chính là những nguyên nhân khiến thí sinh quay lưng với những trường này.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các trường NCL buộc phải "tự cứu lấy mình".

Vì vậy, để cải thiện tình trạng khó khăn trong tuyển sinh như hiện nay, các trường NCL cần phải “tự cứu lấy mình”. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII): “Với tình hình hoạt động có nhiều khó khăn hiện nay, nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập chỉ có thể tự cứu mình. Anh không thể bày ra cuộc chơi rồi khi khó khăn lại bảo Nhà nước cứu. Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập ra đời, tồn tại, phát triển hay không phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Một khi chất lượng đào tạo kém, ngành đào tạo không phù hợp, sinh viên ra trường không có việc làm thì Nhà nước không thể cứu họ được”.

Như vậy, chính việc không chú trọng đến công tác đào tạo, không tạo được uy tín và niềm tin đối với sinh viên, phụ huynh và xã hội chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường NCL “đói” người học như thời gian vừa qua. Nếu không nhanh chóng thay đổi phương pháp đào tạo, ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường ĐH, CĐ NCL sẽ nhanh chóng bị đào thải, sáp nhập hoặc giải thể. Và “cái chết” của những ngôi trường này là điều có thể dự đoán và không thể tránh khỏi. 

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.