Du xuân miền biên giới

10:10 | 23/02/2018

472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sương bắt đầu tan trên những dãy cao nơi vùng biên cương xứ Nghệ, ánh nắng vàng đã rọi xuống mái sa mu - tín hiệu của mùa xuân đang về. Lúc này, bà con người Mông đang náo nức đón chờ năm mới và một mùa lễ hội rộn ràng. Tạm rời xa phố phường với bao nỗi bon chen những ngày cuối năm, chúng tôi ngược ngàn để được hòa vào nhịp sống yên bình và núi rừng đang vào độ thay sắc.

Nắng về trên Phà Ka Tủn

Vùng biên cương Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) mới có được một ngày đẹp, trời quang mây, ánh nắng chan hòa mang theo hơi ấm, cây rừng biếc xanh khẽ đung đưa trong gió, tiếng chim hót vang cả lưng đồi. Có được yếu tố “thiên thời”, chúng tôi quyết tâm cưỡi “ngựa sắt” men theo con đường mòn lên dãy Phà Ka Tủn để vào Nậm Tột - bản xa xôi bậc nhất của huyện rẻo cao biên giới này. Con đường mòn khúc khuỷu, cheo leo nhiều đoạn vẫn còn trơn trượt, “ngựa sắt” phải rú vang liên hồi, hết chồm lên rồi lao xuống mới đủ sức vượt qua. Từ trung tâm xã, mất hơn 4 giờ trổ hết tài năng và sức lực, người và “ngựa sắt” mới đặt chân đến Nậm Tột.

du xuan mien bien gioi
Và Tổng Sử tuốt những bông lúa cuối cùng của mùa năm 2017

Nếu ai từng đến Nậm Tột chắc hẳn đều xao xuyến trước nét cổ kính của những mái nhà lợp bằng ván gỗ sa mu. Ở đây, cả thảy có hơn 40 nóc nhà, tất cả đều được lợp bằng ván sa mu - thứ gỗ quý chỉ có trên những dãy núi cao và giá lạnh. Trước đây, sa mu mọc thành rừng, mỗi khi làm nhà bà con chỉ cần lên rừng đốn về, xẻ ra thành ván rồi lợp thành mái.

Ở độ cao trên 1.000m và khí hậu ôn hòa như Nậm Tột, độ bền của mái sa mu có đến hàng mấy chục năm. Bằng chứng là ở đây đã có những ngôi nhà có độ tuổi gần một thế kỷ nhưng vẫn chưa một lần thay mái, mái lợp vẫn còn bền và đủ sức để che chắn nắng mưa. Không chỉ mái nhà, mà kho lúa và chuồng trại gia súc, gia cầm cũng được lợp bằng ván sa mu. Hàng rào của mỗi gia đình cũng được ghép bằng những tấm sa mu nhỏ sắp liền nhau, tạo nên sự kín đáo và vững chãi, thể hiện sự kỳ công và khéo léo của những con người quanh năm sinh sống giữa sương ngàn, gió núi. Chính sắc màu rêu phong của mái sa mu đã làm nên nét trầm mặc và cổ kính của Nậm Tột và gợi lên một nhịp sống yên bình giữa núi rừng biên cương.

Đêm ấy, nghỉ ở Thằm Thẩm, trong khuya vắng chúng tôi nghe rõ những nhịp chày giã gạo, nghe cả tiếng khèn thi thoảng cất lên và cả tiếng cười của những cô gái trẻ. Chủ nhà bảo đêm đã đỡ lạnh hơn, tất cả những tín hiệu ấy báo mùa xuân đang về.

Thêm một điều thú vị khi vào Nậm Tột là được tận mắt chứng kiến những chú ngựa phăm phăm leo núi thồ hàng. Vẫn biết loài vật nuôi này đã gắn bó với bà con người Mông từ rất lâu, hình ảnh người chồng cưỡi ngựa xuống chợ, người vợ nhẫn nại theo sau đã xuất hiện khá nhiều trong những tác phẩm văn chương và hội họa. Nhưng thực tình, trong những năm gần đây, ở miền Tây Nghệ An còn rất ít bản Mông còn nuôi ngựa, có lẽ do đường sá đi lại đã thuận tiện hơn, những con “ngựa sắt” đã thay thế loài vật nuôi này.

Lý giải băn khoăn ấy, anh Lỳ Da Gia - một trong những người nuôi nhiều ngựa nhất bản cho hay: “Các anh thấy đó, đường lên Nậm Tột ngày nắng ráo đã rất khó khăn, ngày mưa thì “ngựa sắt” không thể bò lên được, rồi đường đi vào rẫy còn khó gấp trăm lần. Người Mông ta ở đây phải nuôi ngựa để thồ hàng từ rẫy về nhà; mùa mưa thồ hàng từ chợ về bản, nó luôn là con vật thân thiết với mỗi gia đình”.

du xuan mien bien gioi
Ngày nắng, bà con người Mông ở Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) phơi lại lúa chuẩn bị cho dịp lễ tết

Sương tan hẳn, ánh nắng thêm phần rực rỡ, hơi ấm lan tỏa khắp đại ngàn, dòng Nậm Tột cũng đã bớt lạnh, cỏ cây vạn vật như đang reo vui với gió ngàn. Từ đây, nhìn rõ dãy Phà Ka Tủn trải dài tít tắp, phía bên kia đã là nước bạn, hai phía cùng chung một màu xanh, cùng chung một ngọn gió, một làn hương nên luôn thắm tình hữu nghị. Những ngày nắng hiếm hoi trong mùa giá lạnh, bà con Nậm Tột tranh thủ mở kho lúa ra phơi lại để ít ngày nữa giã thành gạo làm bánh giày, gói bánh chưng làm lễ cúng tổ tiên nhân dịp đón năm mới. Sống trên đỉnh núi cheo leo, nhà cửa san sát, quỹ đất không nhiều, hầu hết các gia đình đều không có sân phơi nên phải rải lúa trên những chiếc nong lớn hoặc những tấm bạt đặt trên những khu đất trống ít ỏi. Nắng vàng phản chiếu vào nong lúa, những hạt lúa chợt sáng long lanh như hạt ngọc, phản chiếu cả nét mặt tươi vui của những nông dân người Mông trên đỉnh núi xa mờ này.

Dưới ánh nắng, những người đàn ông ngồi đan lưới, ít ngày nữa ấm hơn sẽ men theo dòng Nậm Tột để tìm con cá, con tôm cải thiện bữa ăn cho cả gia đình. Vui nhất vẫn là những cô thiếu nữ, nắng ấm làm cho khuôn mặt thêm rạng rỡ, nụ cười thêm nét hồn nhiên. Ánh nắng rọi xuống mái hiên, những cô gái Mông Nậm Tột ngồi thêu váy, áo và khăn chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày lễ hội sắp tới, tiếng nói cười vút lên trong trẻo giữa không gian núi rừng. Những tấm vải lanh, những sợi chỉ màu qua bàn tay khéo léo của các cô gái trên đỉnh núi cao trở thành những họa phẩm hài hòa và tinh tế, gợi lên sự ấm áp và vui tươi như núi rừng thay sắc mới.

du xuan mien bien gioi
Khu trang trại của Và Tổng Sử

Hay tin có khách ghé thăm, Trưởng bản Lỳ Bá Giờ liền tìm đến và bắt tay thật chặt, tưởng chừng như gặp lại người bạn thân thiết đã lâu năm. “Lâu rồi mới có cán bộ lên thăm bản ta, các anh phải ở lại lâu lâu để uống rượu, ăn thịt gà của 42 nhà ở đây rồi hãy về. Bản ta chưa giàu nhưng có khách là quý lắm, nhất là khách ở miền xuôi lên” - Trưởng bản Nậm Tột xởi lởi chào mời.

Qua lời anh, chúng tôi hình dung được rõ hơn về những khó khăn, vất vả của bà con Nậm Tột, đặc biệt là nỗi gian nan, cách trở trên những cung đường. Nhưng chính sự xa xôi và cách trở đã giúp đồng bào Mông nơi đây lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, từ phong tục, tập quán đến kiến trúc, ẩm thực và tiếng nói, trang phục gần như chưa bị pha lẫn. Nhịp sống từ bao đời nay vẫn gắn với điệu cự xia, lù tẩu - những làn điệu dân ca được lưu truyền từ thuở rất xa...

du xuan mien bien gioi
Toàn bộ mái nhà ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) đều được lợp ván sa mu

Nghe Và Tổng Sử kể chuyện làm giàu

Từ Tri Lễ, men theo con đường Tây Nghệ An, chúng tôi sang địa bàn xã Nhôn Mai, thuộc huyện Tương Dương. Điểm ghé chân đầu tiên là bản Thằm Thẩm - nơi giáp ranh giữa hai huyện vùng biên, thăm nhà Và Tổng Sử, một gia đình người Mông làm ăn giỏi và giàu nhất vùng.

du xuan mien bien gioi
Thiếu nữ Mông ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) thêu váy, áo chuẩn bị cho mùa lễ tết

Bên bếp lửa đượm hồng, nhâm nhi chén rượu cùng đĩa lợn quay, Và Tổng Sử nói rất nhiều chuyện, chuyện nào cũng hay và hấp dẫn. Càng uống ông càng tỉnh táo, trước đây đám cưới người Mông thường tổ chức trong 3 ngày, 3 ngày ấy ngồi tiếp rượu ông vẫn không say. Càng uống, câu chuyện của ông càng cuốn hút...

Và Tổng Sử sinh ra và lớn lên ở Huồi Cọ - bản nằm trên đỉnh núi cao nhất vùng, cách trung tâm xã non một ngày đi bộ, đường lên xuống chỉ là một lối mòn. Thuở bé ở xa trường, gia đình khó khăn và đông anh em nên không được đi học. Lớn lên, sớm lập gia đình, vợ chồng sinh một lèo 6 người con. Không được học chữ nhưng cái đầu luôn suy nghĩ, nghĩ về cách để thoát nghèo, nghĩ làm sao để có lắm trâu, nhiều ruộng, có của ăn, của để cho các con sau này đỡ khổ. Đất đai vùng Huồi Cọ khá màu mỡ nhưng diện tích không nhiều, phải nghĩ đến việc di cư đến vùng khác đất có đất rộng hơn. Những lần đi chợ Tri Lễ, qua bản Thằm Thẩm, thấy ở đây đất còn nhiều, mới chỉ có hơn 10 hộ sinh sống, lại nghe nói sắp sửa có con đường lớn nối các huyện biên giới Kỳ Sơn - Tương Dương - Quế Phong sẽ đi qua, Và Tổng Sử quyết định xuống núi...

Mỗi năm gia đình Và Tổng Sử thu hoạch không dưới 400 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt lại rất ít, bởi lúa sẵn trong kho; lợn, gà ngoài chuồng; cá dưới ao; rau ngoài rẫy. Vì thế, khoảng chục năm nay, gia đình Và Tổng Sử luôn có được cái tết no đủ.

Sau cái tết năm 2003, gia đình Và Tổng Sử và 2 người em trai chuyển từ Huồi Cọ xuống Thằm Thẩm. Xuống đây lại chặt cây, dựng lên những căn nhà tạm để che mưa, tránh nắng, bắt đầu những ngày tháng chật vật và gian nan, có những lúc nản định trở về Huồi Cọ. Đất ở Thằm Thẩm nhiều hơn nhưng cằn cỗi, cây lúa luôn gầy và nhỏ, hạt cũng lép hơn. “Đã phát mấy cái rẫy, mấy chục kilôgam giống mà có lúc cũng không bằng hồi ở Huồi Cọ, hay đất Thằm Thẩm không hợp với ta”? Những đêm giá rét Và Tổng Sử trăn trở với bao ý nghĩ gần xa. Rồi ông nhớ tới khu rẫy nằm ven khe Hổ có độ dốc thoai thoải, nước khe khá nhiều. “Phải rồi! Đào ruộng bậc thang, ngăn khe lại để lấy nước tưới” - ý nghĩ ấy vụt lên như một tia sáng...

du xuan mien bien gioi
Thiếu nữ dân tộc Mông ở Nghệ An du xuân

Sáng hôm sau, khi con gà vừa gáy, Và Tổng Sử đã dậy để ra khe Hổ, từ đỉnh dốc nhìn xuống, ông chợt reo lên một mình: “Ta đã tìm được đường đi, tìm được cuộc sống mới!”. Ngay lúc ấy, ông về đánh thức các con, vừa ăn bữa sáng vừa bàn công việc khai hoang ruộng nước. Bữa ăn vừa xong, cả nhà cùng vác cuốc, thuổng ra khe Hổ đào ruộng. Không phải 1 ngày, 2 ngày; 1 tháng hay 2 tháng, mà phải tính bằng năm. Làm từng thửa một, từ thấp lên cao, làm bằng mặt ruộng rồi ngăn thành từng nấc, càng lên cao càng vất vả, khó khăn. Bao nhiêu hòn đá lớn có, nhỏ có đã được bạy ra và chuyển đi nơi khác. Rồi làm mương, máng dẫn dòng nước chảy ngược, điều tiết cho nước về đều từ cao xuống thấp, đó là cả một núi công việc.

Cần mẫn như con ong xây tổ, sau 3 năm Và Tổng Sử làm ra gần 1,5ha ruộng nước. Ông cất công tìm giống lúa ngon và phù hợp với độ cao, khí hậu ở Thằm Thẩm để trồng. Mỗi năm chỉ trồng 1 vụ (từ tháng 4 đến tháng 10), vì giống lúa dài ngày, hơn nữa cái mùa lạnh ở Thằm Thẩm đến sớm và đi muộn nên không thể trồng được 2 vụ. Ấy vậy mà mấy kho lúa không khi nào hết, mỗi năm chỉ ăn hết một nửa, nửa còn lại cứ để dành trong kho, mỗi năm lại làm thêm mấy cái nhà kho mới.

du xuan mien bien gioi
Và Tổng Sử làm cán dao Mông từ chiếc sừng trâu

Có ruộng rồi, cái ăn cũng đã thừa, phải nghĩ cách làm giàu, mà ở đây thì không gì hơn là nuôi trâu, bò. Cha con Và Tổng Sử lại ra sức khoanh một khu rừng, đầu tư vốn mua trâu, bò về thả. Trâu, bò thì tự nó kiếm ăn, mình chỉ việc hằng ngày trông coi, gom đếm. Nay, số lượng trâu, bò của gia đình khoảng hơn 40 con, vì chúng ở trên rừng, ít khi gom đủ để đếm. Cái mẹo của Và Tổng Sử là chọn mua những con nhỏ, gầy, giá rẻ để về chăm sóc, chọn những nơi cỏ nhiều để thả, sau một thời gian chúng lớn, béo và đẹp bán được với giá cao. Với số lượng trâu, bò hiện nay, gia đình Tổng Sử đang có trong tay gần tỉ đồng. Chưa kể hơn 50 con lợn đen, đàn gà đen đếm không xuể, một cái ao lớn đầy cá, rồi nguồn thu từ rau, măng, cây đào, cây mận... Chừng ấy nguồn thu, mỗi năm gia đình thu hoạch không dưới 400 triệu đồng. Trong khi, chi phí sinh hoạt lại rất ít, vì lúa sẵn trong kho; lợn, gà ngoài chuồng; cá dưới ao; rau ngoài rẫy. Vì thế, khoảng chục năm nay, gia đình Và Tổng Sử luôn có được cái cái tết no đủ.

Đêm ấy, nghỉ ở Thằm Thẩm, đêm khuya vắng chúng tôi nghe rõ những nhịp chày giã gạo, nghe cả tiếng khèn thi thoảng cất lên và cả tiếng cười của những cô gái trẻ. Chủ nhà bảo đêm đã đỡ lạnh hơn, tất cả những tín hiệu ấy báo mùa xuân đang về.

Lỳ Y Mùa - cô gái 18 tuổi chia sẻ: “Năm nào em cũng tự tay thêu váy, áo và khăn để đi chơi tết và chơi hội. Con gái bản em khi lên nương, lên rẫy không cần phải mặc đẹp, nhưng đã đi chơi, đi hội là phải có váy và áo đẹp. Mà hội xuân ở đây vui lắm, con trai ở các bản về đây uống rượu, ném pao rất đông, nhiều người thổi khèn lá rất giỏi...”.

Bùi Khánh Huyền