Đốt nhà táng giấy

09:37 | 01/11/2011

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu tục ngữ đầy đủ ở đây là "vén tay áo sô đốt nhà táng giấy" của các cụ là lời lên án nạn vung tay quá trán. Hoang phí vô chừng. Chuyện xưa cũ nào ngờ nay tái diễn ở mức cao hơn. Dân kêu, cấp trên biết, thế nhưng vẫn không mấy cải sửa.

Thảo luận về luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị vẫn không quán triệt theo tinh thần Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ. Không nói ra nhưng chính điều này góp phần làm nợ công gia tăng, ngân sách thêm nặng gánh.

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, trong điều kiện rốt ráo thực hiện Nghị quyết 11, ước tính thực hiện chi thường xuyên của các cơ quan Nhà nước năm 2011 tăng 17.800 tỉ đồng, so với dự toán. Theo bản báo cáo này, tuy tỉ lệ tăng chưa đến 4% nhưng quy ra thóc, số tiền tuyệt đối lên đến gần 18.000 tỉ đồng, Với một nước vừa vượt qua cửa ải thu nhập thấp, đây vẫn sẽ là gánh nặng ngân sách.

Còn theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho thấy, vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ và chậm thu hồi. Đáng quan ngại là tình trạng chi tiêu vượt định mức, quá tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra khá phổ biến và chậm được khắc phục.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ thống kho bạc Nhà nước đã xuất toán, kiên quyết từ chối thanh toán 239 tỉ đồng đối với 28.900 khoản chi của 15.000 lượt đơn vị. Ngoài ra qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách Nhà nước cũng cắt giảm hơn 465 tỉ đồng của 18.043 dự án chi sai tiêu chuẩn, định mức. Cộng riêng hai khoản này đã thấy nếu buông lơi một chút, sẽ có trên 700 tỉ ngân sách đội nón ra đi không trở lại. Số tiền này đủ xóa đói giảm nghèo cho không dưới 30.000 hộ. Lâu nay chúng ta coi nhẹ việc quản lý sử dụng tài nguyên đất sao cho có hiệu quả.

Một báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho hay, có khoảng 35.000ha đất bỏ hoang dài ngày. Đáng lo ngại là tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập, tiêu thụ khoáng sản chưa qua chế biến tăng cao hơn so với cùng kỳ, trong khi mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường quá thấp. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quặng thô có chiều hướng gia tăng cùng kỳ năm ngoái.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng báo động về tình trạng, một bộ phận dân cư có thu nhập cao đang chạy theo xu hướng tiêu dùng phô trương, xa hoa, hình thức. Một thủ phạm gây nhập siêu đã được chỉ ra, đó là những khoản ngoại tệ lớn được chi ra để mua máy bay cá nhân, ôtô siêu sang, điện thoại hiện đại, mỹ phẩm cao cấp và thực phẩm đặc biệt như thịt bò Úc, cừu Aixơlen, rượu 50 năm… dấy lên tâm lý lo ngại cuộc vận động tiết kiệm sẽ chỉ là hình thức!

Dư luận mới đây sửng sốt khi nghe tin bát phở 750.000 đồng là phở bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản bán tại một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội. Nghe đâu số lượng hàng ngày muốn thưởng thức phải đặt trước. Đã cố nhưng thực khách tẽn tò vì chậm chân đành hẹn… mai nhé. Mới đây lại có tin tức về bát cháo nhung hươu trị giá 15USD siêu bổ dưỡng cũng thường xuyên có khách. Xem ra thói sài sang đang liên tục phát triển trên diện rộng. Chợt nhớ đã vào mùa cưới mà rùng mình mỗi khi nhận được thiệp mời. Nhỡ may nhận được cái thiệp có in chức danh kiểu Cần Thơ thì “chạy đâu cho thoát”. Xưa rồi các bàn cỗ cưới bình dân. Bây giờ người ta đặt cỗ cưới ở khách sạn 5 sao, quy ra thóc mỗi suất 50-70USD, làm sao dám bỏ bao thư 200.000 đồng đi ăn cỗ!

Người dân thường cũng vung tay quá trán khi chi tiêu nhiều hơn thu nhập. Tiêu dùng lãng phí khiến cho cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt chưa thực sự đi vào cuộc sống. Xem ra công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức và chưa tạo được dư luận xã hội trong phê phán những hành vi lãng phí. Sẽ là không thừa khi lưu ý trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, thì vẫn có nhiều cuộc kỷ niệm năm chẵn thành lập tỉnh, huyện, tái lập tỉnh, kỷ niệm truyền thống rình rang tốn kém và có đến 500 lễ hội được tổ chức trong năm 2011, gây lãng phí không sao kể hết! Động từ "vung” được chia đều cho các "ngôi”, các "thì”… mất rồi!

Bảo Ngân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc