Đồng Nai: Xây dựng trung tâm logistics

14:18 | 13/05/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vừa có sân bay, vừa có cảng biển, tiềm năng để Đồng Nai bứt phá phát triển đối với lĩnh vực logistics là rất lớn.

Hội tụ tiềm năng

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn đã được khởi công. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, dự án sẽ đi vào hoạt động với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Do đó, “siêu” dự án sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội rất lớn. Cùng với đó, dự án này cũng mở ra thời cơ để nhiều ngành kinh tế có thể đột phá để phát triển, trong đó có nghành dịch vụ logistics.

Đồng Nai: Xây dựng trung tâm logistics
Tuyến đường nối cảng Phước An giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cách khu vực xây dựng sân bay Long Thành khoảng 37km về phía Nam, cảng nước sâu Phước An hiện cũng đang được triển khai các bước đầu tư xây dựng. Cũng tại khu vực này, Chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện điều chỉnh khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An thành KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An. KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An được quy hoạch hệ thống dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ các hoạt động giao thông vận tải và logistics cho khu vực cảng Phước An đến các KCN trong khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Có thể thấy, với lợi thế đến từ sân bay, cảng biển, khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch thực sự hội tụ rất nhiều tiềm năng để đột phá phát triển với ngành dịch vụ logistics.

Tiềm năng phát triển logistics của khu vực này còn được cộng hưởng từ lợi thế về phát triển công nghiệp của 2 địa phương. Trong số 31 KCN hiện đã có dự án đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay thì 2 địa phương Long Thành và Nhơn Trạch đã chiếm phân nửa số lượng KCN. Do đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã nhận định, trong tương lai, khi cảng Phước An được xây dựng hoàn thành thì việc xuất nhập hàng hóa của Đồng Nai sẽ chủ yếu thực hiện thông qua cảng nước sâu này. Do đó, hoạt động dịch vụ logistics cũng sẽ tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực này.

Đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối

Sân bay, cảng biển hay hàng loạt KCN đang hoạt động chính là những lợi thế cho khu vực Long Thành- Nhơn Trạch phát triển mạnh ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, để biến khu vực này trở thành “thủ phủ” của ngành logistics đòi hỏi phải có sự đầu tư dài hơi và bài bản.

Ông Đặng Văn Điềm, thành viên Chi hội vận tải hàng hóa và logistics, Hội doanh nhân trẻ tỉnh cho hay, trong dịch vụ logistics, vận tải đường thủy và hệ thống cảng có vai trò rất quan trọng. Bởi ngoài sản lượng chuyên chở lớn, chi phí vận tải bằng đường thủy cũng “mềm” hơn so với đường bộ và đường hàng không. Để có thể phát huy được lợi thế của cảng biển, đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt, tuy nhiên hiện nay, giao thông kết nối lại đang là điểm yếu của hệ thống cảng biển.

Tương tự, để có thể phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành cũng đòi hỏi Đồng Nai phải có quy hoạch và đầu tư bài bản cho hệ thống giao thông kết nối. “Cứ đi ra là kẹt, đi vào là kẹt thì cũng khó có thể phát huy hết lợi thế của sân bay” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã từng nhấn mạnh.

Xuất phát từ thực tế đó, hiện nay, Đồng Nai đã tính toán và bổ sung vào quy hoạch một số tuyến đường giao thông phục vụ kết nối sân bay Long Thành và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đối với việc phát triển hệ thống giao thông kết nối cho các cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch, thời gian qua nhiều tuyến đường mang tính chiến lược như đường 319, đường nối cảng Phước An (đoạn từ nút giao đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành) đã được đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, dự án hạ tầng giao thông kết nối đối với hệ thống cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch là tuyến đường liên cảng từ KCN Ông Kèo đến cảng Việt Thuận Thành hiện nay trung ương cũng đã đồng ý hỗ trợ Đồng Nai kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng. Dự án này không chỉ giúp đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển theo quy hoạch trên địa bàn H.Nhơn Trạch mà còn có ý nghĩa kết nối giúp lưu thông hàng hóa giữ các cảng biển trong tương lai.

Riêng đối với hệ thống cảng biển, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh để tăng quy mô, diện tích. Theo đó, thay vì phát triển manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch sẽ được quy hoạch theo hướng phát triển cụm cảng quy mô lớn để phục vụ đón các tàu vận tải trọng tải lớn. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho ngành logistics bứt phá phát triển.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

dongnai.gov.vn

vietinbank
ajinomoto