Động lực để phát triển nghề cá miền Trung

10:18 | 01/11/2017

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để phát triển nghề cá một cách vững chắc, nhiều tỉnh miền Trung đang đầu tư một loạt các cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng những cảng cá lớn phục vụ cho dịch vụ hậu cần nghề cá.   

Liên tục xây mới, nâng cấp cảng

Những ngày này, tại Cảng cá Thuận An (Thừa Thiên - Huế) - một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung trong tương lai, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành giai đoạn I với hạng mục xây dựng đê, kè chắn sóng, khu neo đậu phía đông.

Theo đại diện Công ty Minh Quang - đơn vị được chọn làm nhà thầu thi công những hạng mục trên cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị thi công bao gồm nạo hút phần vũng neo đậu, xây dựng đê chắn sóng dài 352m, hệ thống trụ neo, kè bờ trái. Vào những ngày thời tiết thuận lợi, công nhân cùng các phương tiện hoạt động 24/24h để thực hiện đúng tiến độ.

Theo đề án, Cảng cá Thuận An được xây dựng trong vòng 4 năm, từ 2014-2018, (chia làm 2 giai đoạn) với tổng kinh phí gần 180 tỉ đồng. Mục đích của việc xây dựng Cảng cá Thuận An nhằm đáp ứng lượng tàu thuyền cập cảng trên 10 nghìn lượt/năm với tổng sản phẩm đi qua cảng trên 34 nghìn tấn, trong đó hải sản gần 20 nghìn tấn...

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh này cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cảng cá Tam Quang (tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành), do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 121 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

dong luc de phat trien nghe ca mien trung
Xây dựng, nâng cấp cảng cá lớn - một yêu cầu cấp thiết của nghề cá miền Trung

Cảng cá Tam Quang được phê duyệt là cảng cá loại I và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu cảng cá có diện tích khoảng 5,54ha và lượng hàng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm; khu dịch vụ hậu cần nghề cá có diện tích khoảng 14,74ha và là nơi chế biến thủy sản, sửa chữa - sản xuất ngư lưới cụ, cơ khí đóng sửa tàu.

Mới đây nhất, trước những nhu cầu cấp thiết của cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng quyết định đầu tư, xây dựng mới tại cảng thêm 1 nhà phân loại quy mô diện tích 1.600m2, tổng kinh phí đầu tư trên 7 tỉ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 11-2017, nhà phân loại mới sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phân loại, mua bán hải sản của ngư dân.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, hiện Cảng cá Vĩnh Lương đang tiếp nhận khoảng 12.000 lượt tàu ra vào/năm, với lượng hải sản mua bán khoảng 60.000 tấn. Tuy nhiên, cảng này chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu.

Hy vọng ở Cảng cá Thọ Quang

Đáng lưu ý nhất trong số các cảng cá đang được xây dựng dọc tuyến biển miền Trung là cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) với quy mô diện tích gần 200.000m2 với “tham vọng” trở thành một trung những trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước.

Theo đề án được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, cảng cá Thọ Quang sẽ gồm 4 phân khu chức năng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà được xây dựng theo thiết kế hiện đại theo chuẩn các cảng cá quốc tế.

Trong đó, khu đất số 1 (diện tích 20.777m2) sẽ nâng cấp xây dựng các cầu cảng hiện trạng thành cầu cảng chuyên dùng và cầu cảng tổng hợp. Khu đất số 2 (diện tích 2.549m2) cải tạo lại chợ cá cũ thành một khu vực chợ hiện đại hơn, với nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá.

Khu đất số 3 (diện tích 173.904m2), xây dựng phát triển thành khu đô thị kết hợp cảng quốc tế. Khu đất số 4 (diện tích 3.825m2) dự kiến để xử lý hạ tầng kỹ thuật tuyến cống đối lưu hiện trạng.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Việc xây dựng cảng cá lớn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho ngư dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung, tạo đầu mối thu mua thủy hải sản, chỗ neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền của ngư dân miền Trung”.

Không chỉ vậy, cảng cá Thọ Quang cũng cụ thể hóa một phần quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bởi quy hoạch này chỉ rõ Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và đặc biệt là ngư trường Hoàng Sa nhằm cơ cấu lại nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác ven bờ.

An An