Dòng điện hữu nghị Việt - Lào

08:00 | 17/11/2014

489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) còn được Đảng, Chính phủ và ngành điện giao nhiệm vụ cấp điện cho một số địa phương nước bạn Lào. Đây là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ, công nhân EVNCPC bởi dòng điện không chỉ góp phần gắn chặt tình hữu nghị Việt - Lào mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa 2 nước.

Năng lượng Mới số 373

Điện mở đường hữu nghị

Thông tin từ EVNCPC cho hay, trên tinh thần thỏa thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào (tháng 8-1998), EVNCPC đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ trực tiếp cho điện lực một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Trị, Kom Tum... thực hiện đầu tư cấp điện cho nước bạn Lào. Tại Quảng Trị, EVNCPC hiện đang bán điện sang tỉnh Savannakhet (Lào) thông qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) bằng việc tổ chức thực hiện chuyển đổi cấp điện áp 22kV được cung cấp từ phía Việt Nam cho nước bạn Lào. Và sau hơn 14 năm thực hiện, Công ty Điện lực Quảng Trị đã tiến hành cấp điện cho 4 huyện thuộc tỉnh Savannakhet với công suất 5,5MW, bán kính cấp điện là hơn 120km và hơn 130 máy biến áp phụ tải. Đặc biệt, hơn 14 năm qua, giá bán điện cho Lào chỉ duy trì ở mức hữu nghị là 6 cents/kWh, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Tại Quảng Nam, Công ty Điện lực Quảng Nam hiện đang cấp điện cho khoảng 500 hộ dân thuộc 4 xã của huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào), với sản lượng điện tăng bình quân 41,5%/năm...

Theo EVNCPC, việc bán điện qua biên giới có nhiều cái khó, trong đó khó nhất là thống nhất chủ trương, tìm ra nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện qua biên giới hai nước. Và thứ 2 là phải vượt qua được tâm lý của dư luận cho rằng, trong nước còn thiếu điện mà lại bán điện cho nước ngoài... Tuy nhiên, do có được sự thống nhất và đồng thuận cao từ Chính phủ 2 nước nên việc cấp điện cho nước bạn Lào đã được thực hiện rất thành công, góp phần không nhỏ gắn kết tình hữu nghị giữa 2 nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Đường dây 22kV từ huyện Nam Giang cấp điện cho huyện Đắk Chưng (Lào)

Anh Busi - Tổ trưởng Tổ quản lý điện Đắk Chưng cho hay, lúc chưa có điện, vùng biên giới Nam Giang - Đắc Chưng gần như bị cô lập, người dân sống khép kín. Không ai dám mơ tưởng đến một ngày nào đó sẽ có điện. Thế nhưng, niềm vui đến thật bất ngờ, như “cầu được ước thấy” khi EVNCPC quyết định đầu tư khoảng 30 tỉ đồng, kéo gần 100km đường dây 22kV đưa điện từ ngã ba Bến Giằng của huyện Nam Giang lên biên giới.

“Nhiều đời nay quê tôi vẫn loay hoay với cái nghèo, cuộc sống co cụm, khép kín vì không có điện. Từ ngày cửa khẩu Đắc Ốc được mở ra, đường sá được nâng cấp mở rộng và nhất là từ ngày có điện, cuộc sống người dân đã đổi thay khác xưa nhiều lắm” - anh Busi nói.

Cũng theo anh, việc mua, bán điện giữa Công ty Điện lực Quảng Nam với Công ty Điện lực Sê Kông không chỉ đơn thuần phục vụ cuộc sống của người dân vùng biên mà là góp phần phục vụ mục tiêu bang giao quốc tế, xây dựng cửa khẩu Đắc Ốc trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Được biết, công trình cấp điện cho huyện Đắc Chưng là lưới điện 22kV liên hoàn từ huyện Nam Giang vượt qua biên giới đến trung tâm huyện Đắc Chưng. Ngoài đường dây từ Nam Giang lên, phía Việt Nam còn đầu tư thêm gần một chục tỉ đồng cải tạo, nâng cấp hàng chục kilômét đường dây 22kV từ Đồn biên phòng La Dê lên biên giới; chuyển dịch đường dây gần biên giới để tránh qua các cánh rừng già nhiều loại gỗ quý hiếm; xây dựng mới 1km đường dây 22kV từ trạm biến áp cửa khẩu đến sát hành lang biên giới cùng 1 trạm đo đếm điện năng, 1 trạm tự động điều chỉnh điện áp...

Và để việc cung cấp điện cho nước bạn Lào được an toàn, ổn định, Công ty Điện lực Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo Điện lực Đại Lộc mà trực tiếp là Đội Quản lý điện tổng hợp Nam Giang tăng cường kiểm tra, quản lý vận hành, bảo đảm đường dây luôn ở trạng thái an toàn để cấp điện cho nước bạn, đồng thời, hỗ trợ phía bạn đảm bảo việc quản lý, vận hành lưới điện phía bên kia biên giới được thông suốt. Phòng Kinh doanh được giao phối hợp bảo đảm hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo thông lệ quốc tế, không vi phạm Luật Biên giới quốc gia và các quy định hợp tác thương mại giữa hai nước.

Tiếp nối phát triển

“Điện đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện. Và giờ đây, ngành điện tiếp tục tiên phong, mở đường cho sự hợp tác giữa 2 nước Việt - Lào, tạo nền tảng, động lực hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị “Hợp tác kinh tế giữa các tỉnh miền Trung - Tây nguyên Việt Nam với các tỉnh Trung - Nam Lào lần thứ II - 2014” diễn ra đầu tháng 11/2014 cho thấy, đến nay Lào đã cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào với 413 dự án tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Năng lượng, dịch vụ hạ tầng, nông - lâm nghiệp, khai khoáng… Và hầu hết các dự án tập trung vào 2 khu vực Trung và Nam Lào. Cụ thể, tính đến tháng 9/2014, tổng số dự án đầu tư vào 2 khu vực trên là 199 dự án, với tổng số vốn đạt hơn 4,7 tỉ USD, chiếm 95,4% tổng số vốn đầu tư vào Lào. Trong đó, số vốn mà Việt Nam tham gia là 4,4 tỉ USD, tương đương với hơn 95% tổng số vốn FDI Việt Nam đầu tư vào Lào.

Phát biểu tại hội nghị trên, Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã nhấn mạnh rằng, từ lâu mối quan hệ Lào - Việt được coi là “quan hệ hữu nghị đặc biệt”, vì vậy quan hệ kinh tế cũng là “quan hệ đặc biệt”. Ông đánh giá cao kết quả các chương trình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam với các tỉnh Trung - Nam Lào thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa đáp ứng so với mục tiêu mà Chính phủ hai nước đề ra và chưa thực sự đúng tầm “quan hệ kinh tế đặc biệt”.

Tại buổi tọa đàm lần thứ II-2014, các doanh nghiệp Việt Nam  đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại Lào. Việc phân cấp, cấp phép đầu tư tại Lào chưa rõ ràng, thời gian xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước Lào (như cấp phép, cấp đất, giải phóng mặt bằng…) còn chậm; chính sách hay thay đổi nên gây khó khăn cho nhà đầu tư. Một số dự án trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam không được cấp đủ quỹ đất, hoặc chậm triển khai do bị dừng, thu hẹp diện tích… Bên cạnh đó, Chính phủ Lào chưa có quy định rõ ràng về chính sách tạm nhập tái xuất thiết bị thi công dự án; thủ tục hải quan chưa thuận tiện; các loại thuế tại Lào còn cao…

Cùng tới dự và phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào khẳng định: Khi triển khai các chương trình hợp tác kinh tế với Lào, các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Giúp bạn cũng chính là giúp mình!”. Và để tăng cường mối quan hệ hợp tác Việt - Lào, Phó thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển đầu tư tại Lào, trong đó có khu vực Trung - Nam Lào; đồng thời sẽ chỉ đạo các bộ, ngành của 2 nước rà soát, chấn chỉnh lại các thủ tục pháp lý, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp (nhất là đối với các lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai…).

Văn Thuận

 

  • el-2024