Đổi mới tư duy về quy hoạch

22:26 | 05/06/2017

1,855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định, theo một trình tự hợp lý trong từng thời gian, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch dài hạn, nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Vì vậy, có thể nói, quy hoạch là khâu quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho guồng máy hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp; tạo ra hiệu quả rõ rệt cho kinh tế, xã hội phát triển. Còn trái lại, quy hoạch đôi khi trở thành rào cản, phá vỡ mọi kế hoạch cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Lâu nay, dân gian hay nhắc đến cụm từ “quy hoạch treo”, “dự án treo” để nói tới rất nhiều công trình quy hoạch từ cấp Trung ương đến cơ sở được vạch ra rồi bỏ quên. Nhiều “dự án treo” hoặc bất hợp lý đã gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là khâu quy hoạch chưa được nghiên cứu và đánh giá chuẩn xác, các dự án đưa ra không được thẩm định toàn diện, khi triển khai mới thấy những bất cập và không phù hợp với thực tế.

doi moi tu duy ve quy hoach
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tham gia thảo luận Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV

Nhận rõ tầm quan trọng của quy hoạch nên vừa qua, Quốc hội đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) soạn dự thảo Luật Quy hoạch để có thể thông qua ngay trong kỳ họp thứ 3 này.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên tới gần 8.000 tỉ đồng. Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi. Từ các sản phẩm nông sản như tôm, cá, mía đường, bò sữa đến các sản phẩm công nghiệp như thép, cơ khí… đâu đâu cũng có quy hoạch. Bởi khi đã có phân cấp quy hoạch thì các bộ, ngành và địa phương không muốn bỏ quy hoạch sản phẩm, ngành.

Với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị xóa bỏ quy hoạch ngành hoặc sản phẩm cụ thể. Đó là thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Luật. Vì quy hoạch ngành, sản phẩm thường tạo cơ chế xin - cho. Tuy nhiên, kiến nghị trên của Bộ KH&ĐT đã gặp phải sự phản đối khá quyết liệt của các bộ, ngành.

Tuy vậy, các chuyên gia soạn thảo có cơ sở khi đưa ra đề xuất này trong dự thảo Luật, nhằm thuyết phục việc xóa bỏ quy hoạch ngành và cơ chế xin - cho. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng khó có thể trả lời được câu hỏi vì sao chất lượng quy hoạch của ngành mình thời gian qua còn nhiều yếu kém. Việc nay đào đường đặt ống nước, mai đào lên làm đường điện; vừa lấp xong thì ngày kia lại đào lên đặt cáp viễn thông. Như thế là quy hoạch tách biệt, ngành nào biết ngành ấy. Sự chồng chéo và thiếu gắn kết đang tạo nên tình trạng lãng phí vô cùng lớn.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, các quy hoạch cụ thể như hồ tiêu, cà phê, cao su hầu như cơ quan Nhà nước không điều hành được, thường xuyên bị phá vỡ. Hay các quy hoạch thép, nhà máy đường… thường xuyên phải điều chỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, thay đổi tư duy quản lý Nhà nước trong vấn đề quy hoạch là yêu cầu buộc phải đặt ra trước hàng loạt bất cập của hệ thống quy hoạch hiện hành. Chỗ nào cần phát triển thì xây dựng đề án phát triển, lĩnh vực nào cần quản lý thì đưa các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý, thậm chí điều kiện để được làm, như điều kiện chất lượng, hàm lượng, diện tích…

Theo đề xuất của Ban Soạn thảo Luật, chỉ còn 21 loại quy hoạch cụ thể được phép làm, trong đó có quy hoạch hệ thống đường bộ, đường thủy quốc gia; quy hoạch hệ thống cảng biển, quy hoạch hạ tầng du lịch… Để thống nhất quản lý quy hoạch, dự thảo Luật quy định, Trung ương sẽ có Hội đồng Quy hoạch quốc gia. Khi làm quy hoạch, các cơ quan sẽ phải ngồi cùng nhau chứ không phải làm đơn lẻ, sẽ cơ bản khắc phục được việc đan xen lợi ích nhóm khi làm quy hoạch. Bởi vì, nhóm lợi ích muốn tác động sẽ không dễ. Đây là quyết định của cả hội đồng, có thể cả chục cơ quan.

Sáng 26-5 vừa qua, các đại biểu Quốc hội bắt đầu tham gia ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch, dự kiến được thông qua trong kỳ họp thứ 3 lần này. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; đề nghị cân nhắc theo hướng Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách và quản lý Nhà nước về quy hoạch; chỉ nên quy định có tính chất khung, không điều chỉnh chi tiết tất cả các quy hoạch theo hướng tích hợp.

Còn những ý kiến trái chiều như Luật có tính nhạy cảm, đụng chạm tới quyền lợi của những bộ, ngành và địa phương. Vì từ trước tới nay, quy hoạch được phân cấp, tính độc lập tự chủ được đề cao, tạo ra kẽ hở là thiếu sự giám sát. Tình trạng mạnh ai nấy làm nên quy hoạch tổng thể bị phá vỡ. Nay có sự tích hợp ngành và có Hội đồng Quy hoạch quốc gia điều hành để khắc phục tình trạng đó.

Hơn nữa, một vấn đề đặt ra là cơ chế giám sát quy hoạch. Vì lâu nay, quy hoạch được lập ra, dự án được triển khai nhưng các cơ quan chức năng không bao giờ lấy ý kiến người dân. Khi bị dân phản đối thì quy hoạch phải điều chỉnh hoặc dự án bị giãn tiến độ. Do đó, Luật Quy hoạch cũng cần có điều khoản quy định vai trò giám sát của người dân đối với quy hoạch.

Người dân đang mong muốn Luật Quy hoạch sẽ được thông qua và sớm đưa vào thực tiễn để thoát khỏi cảnh dài cổ đợi chờ bởi những “quy hoạch treo” và “dự án treo”, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Và mong sao từ nay không còn những quy hoạch bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của một hoặc nhóm người. Từ đó sẽ không còn những đoạn đường “cong mềm mại”, những nhà máy và khu công nghiệp đặt sai vị trí, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường…

Bùi Đức