Đổi mới thi THPT Quốc gia: Mãi vẫn... dò tìm

07:00 | 30/05/2018

286 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa thu hồi Đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học giai đoạn 2018-2020” có tổng kinh phí dự toán gần 750 tỉ đồng với lý do có sự trùng lặp về kê khai tài chính.

Vừa công bố đã thu hồi

Thông tin Bộ GD&ĐT phê duyệt Đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học giai đoạn 2018-2020” vừa được báo chí phát đi thì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản yêu cầu thu hồi đề án, lý do: Nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi...

mai van do tim

Thí sinh đăng ký hồ sơ thi THPT Quốc gia

Đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học giai đoạn 2018-2020” có tổng kinh phí dự toán lên tới gần 750 tỉ đồng. Chủ yếu nội dung đề án chú trọng đầu tư vào công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, phục vụ công tác ra đề thi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, cũng như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia.

Cụ thể, năm 2018 sẽ chi 344 tỉ đồng, năm 2019 chi 203 tỉ đồng và năm 2020 là 201,6 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách dành cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa hơn 266 tỉ đồng. Riêng năm 2018, dự kiến đầu tư hơn 84,7 tỉ đồng để biên tập 126.000 câu hỏi thô, sau khi thẩm định kỹ thuật sẽ chọn lọc còn khoảng 70.560 câu, số tổ hợp câu hỏi thử nghiệm là 1.544, số đề thi chuẩn hóa là 756.

Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia là 317 tỉ đồng. Riêng năm 2018, kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm là 153 tỉ đồng.

Sau khi đề án được công bố, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cho rằng, gần 750 tỉ đồng cho việc đổi mới thi cử trong 3 năm là quá lãng phí.

Mãi vẫn loay hoay

Thực tế, ý tưởng về một kỳ thi duy nhất thay cho 2 kỳ thi độc lập nhưng tương tự nhau là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã có từ năm 2007, nhưng phải đến năm 2015 mới thành hiện thực. Từ đó đến nay, suốt 3 năm thực hiện là những bước đi dò dẫm của ngành giáo dục.

Đến năm 2018, những tưởng học sinh sẽ được “ổn định” thi cử, sẽ thôi không có những đổi mới hay cải cách thi cử thì một lần nữa Bộ GD&ĐT lại gây “sốc” về đề án cả trăm tỉ này.

Phải thừa nhận, qua 3 năm thực hiện, kỳ thi THPT Quốc gia đến nay cũng đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, việc tiếp tục xây dựng đề án đổi mới với nguồn kinh phí lớn khiến nhiều chuyên gia giáo dục phải đặt dấu hỏi quan ngại.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nói: “Đề án đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học giai đoạn 2018-2020 vừa thu hồi có nội dung về thi THPT Quốc gia không có gì mới lại không có tính bền vững. Điều cần phải đề cập đến là những thay đổi có tác động mạnh vào quá trình dạy học, cũng như chất lượng dạy học thì lại không hề thấy. Việc dồn quá nhiều tiền vào xây dựng ngân hàng đề thi là không cần thiết, bởi sau khi chương trình giáo dục phổ thông thay đổi thì ngân hàng đề thi này sẽ được sử dụng thế nào?”.

Chưa kể nội dung đề án mang tên đổi mới thi, tuyển sinh, nhưng thực tế lộ trình đổi mới thi cử như thế nào thì vẫn chưa được rõ ràng. Nhiều chuyên gia cũng cân nhắc về mặt kỹ thuật khi Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức thi trên máy tính, bởi cần phải tính đến điều kiện hạ tầng đặc thù như ở Việt Nam. Còn nhớ, năm 2015, khi Bộ GD& ĐT “độc quyền” công bố kết quả thi THPT Quốc gia và mạng đã liên tục bị nghẽn. Do vậy, nếu việc tổ chức thi THPT quốc gia trực tuyến trên máy tính với cả triệu thí sinh trong cùng một thời điểm thì cần phải tính toán cẩn thận.

Khẳng định, đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia là một chủ trương đúng đắn so với khoa học kiểm định giáo dục hiện đại, bởi cách thức thi này sẽ hạn chế được toàn bộ những bất cập hiện nay về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu triển khai ngay, một số băn khoăn như lộ trình có thực hiện được vào năm 2020 không?

“Xã hội rất mong muốn có một lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh để đi đến ổn định nhưng để thực hiện cần có một lộ trình rất cụ thể và phải chú ý tới việc chuyển tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để tránh gây ấn tượng những đề án trăm tỉ, nghìn tỉ mà hiệu quả không thấy đâu”, TS Lâm nói.

Sau khi Đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học giai đoạn 2018-2020” được công bố, từ phản ánh của báo chí, Bộ trưởng GD&ĐT đã chỉ đạo kiểm tra và thấy rằng: Phần tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện.

Nội dung tài chính được báo chí đề cập hơn 749 tỉ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020. Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ví dụ, kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia; Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP); Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP). Theo Bộ GD&ĐT, cách khái toán này dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu, cần phải nghiên cứu điều chỉnh cả nội dung và tài chính.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt khi tính toán các nội dung về tài chính.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.