Tuyển sinh đại học 2018

Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo

06:40 | 31/03/2018

295 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các trường đại học (ĐH) công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh. Đây được coi là động thái “mạnh tay” nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.

Mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT- BGDĐT về quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng (CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đề án tuyển sinh của trường ĐH, CĐ phải bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm, các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo…

doi moi de nang cao chat luong dao tao
Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm 2017

Bên cạnh đó, từ năm 2018 trở đi, các trường ĐH phải công bố thêm thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là căn cứ để thí sinh nhận diện và lựa chọn trường ĐH, tránh tình trạng ra trường rồi thất nghiệp.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục cũng thừa nhận, dù yêu cầu này đã được thực hiện từ năm 2009 trong quy định về 3 công khai nhưng rất nhiều trường thực hiện chưa nghiêm túc, có tình trạng thống kê cho có hoặc không công khai. Để siết chặt quy định này, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ có cơ quan kiểm tra độc lập những số liệu thống kê của các trường. Trường nào không công khai đầy đủ thông tin sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường chủ động công bố số liệu, nhiều trường lại tỏ ra lo lắng là sẽ gặp khó khăn khi thu thập thông tin về việc làm của sinh viên vì cả nhà trường và sinh viên chưa có thói quen kết nối, trả lời khảo sát.

Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học lao động xã hội năm 2017, hằng năm, 3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào ĐH. Điều này không phù hợp với một đất nước có thu nhập trung bình như Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị: Việt Nam cần tập trung vào phân khúc bậc trung như CĐ, trung cấp nghề. Hiện số lao động đạt trình độ ĐH trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này.

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm lao động có trình độ và tỷ lệ lao động làm việc không phù hợp với trình độ đào tạo, đã cảnh báo rõ nét sự mất cân đối cung cầu của thị trường lao động.

Có thể nói, trong những năm gần đây, tình trạng sinh viên ĐH tốt nghiệp không tìm được việc làm chiếm tỷ lệ khá lớn, vừa tốn thời gian của người học, vừa gây lãng phí kinh tế cho gia đình và xã hội. Khi việc công khai chất lượng là bắt buộc, các trường sẽ phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang cần, để sinh viên ra trường tìm được việc làm.

Bên cạnh đó, từ mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT cũng sẽ bỏ điểm sàn, giao cho các trường quyền tự chủ trong xác định điểm chuẩn, ngưỡng đầu vào. Có thể nói, quy định này đã tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng. Đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ.

Dù Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn nhưng vẫn yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển, chính điều này rất quan trọng, bởi bắt buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu. Nếu trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm.

Có thể nói, những đổi mới trong tuyển sinh ĐH năm 2018 đang được kỳ vọng sẽ tạo cuộc cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở đào tạo. Việc tạo dựng và gìn giữ thương hiệu và chất lượng là yêu cầu bắt buộc để các trường tồn tại trong sự phát triển không ngừng của đất nước.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.