Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Đổi mới có lộ trình, không gây sốc

08:52 | 25/08/2014

867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận đã nói lên suy nghĩ của mình về bức thư của một học sinh lớp 12 hỏi tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK).

Học lệch, độc quyền sách giáo khoa

Đó là bức thư của em Phan Hưng Duy học sinh lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo ngành giáo dục.

Trong thư em Duy không ngần ngại nêu thẳng vấn đề dẫn đến việc học lệch hiện nay là “Chính Bộ GD-ĐT đã độc quyền SGK, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với 3 điều khó, khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. Chính bộ sách “3 khó” này và kỳ thi 3 chung phân ban đã đẩy học sinh vào xu thế phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học (ĐH), chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức”.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đây là một nhận định đúng. Chương trình và SGK mà hiện chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy là chú trọng truyền thụ kiến thức. Do vậy, tiêu chí để lựa chọn kiến thức đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông là do vị trí, tầm quan trọng và mức độ phát triển của các lĩnh vực khoa học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Cũng do cách thức thiết kế trong trình sách giáo khoa theo các lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Khi đó, việc các cháu không tự học được là chuyện dễ hiểu, do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh, vốn là một đặc trưng rất quan trọng.

Bộ trưởng nói thêm: “Phân ban khối thi và “3 chung” và hai vấn đề khác nhau. Tôi nhớ lại, cách đây trên 40 năm tôi đi thi đại học cũng đã thi theo khối và số lượng các khối thi lúc đó chưa nhiều như bây giờ.

Còn việc thi “3 chung” đã xuất hiện cách đây gần 20 năm. Từ thực tế thi theo khối do các trường đại học tự lo dẫn đến tình trạng luyện thỉ rất nặng nề, phổ biến gây nên tình trạng bức xúc trong xã hội. Ý thức được việc đó, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc và quyết định thay vì từng trường ra đề theo khối thi thì Bộ ra đề thi và chung trường, chung đợt. Hoàn cảnh lịch sử là như vậy.

Ba, bốn chục năm nay, một cách thi theo khối như vậy, nếu chúng ta không thay đổi thì không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đổi mới giáo dục không tạo sốc

Liên quan đến Đề án Đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục nước nhà,  một cán bộ hưu trí băn khoăn: “Học thế nào thì thi thế ấy. Tôi không biết năm 2015 Bộ có còn cho thi đại học tập trung nữa hay không, nhưng các cháu tôi từ cấp 2 đến nay đã được định hướng học và ôn thi đại học theo các khối A, B, C rồi. Chúng nó học lệch hết cả, giờ đổi mới toàn diện, mọi mặt ngay lập tức thì liệu các cháu tôi có đứt gánh giữa đường không”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Tôi cho rằng, các ý kiến của xã hội trước bất kỳ sự thay đổi nào, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục đều có ý kiến khác nhau, trái chiều có và đều đúng cả.

Thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm 2014

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải thay đổi, vì những cái đang làm hiện nay lạc hậu, gây nên bức xúc, cản trở sự phát triển. Nhưng sự thay đổi đó không đột ngột, không gây khó cho học sinh, không làm căng thẳng cho xã hội, được làm căn bản, nhưng phải từng bước, có lộ trình”.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: “Tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học, kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học, đặc biệt là sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học đều phải tính toán đến lợi ích của học sinh. Chúng ta tính toán đổi mới để học sinh phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không tạo “sốc”.

Tôi đảm bảo rằng những cái tốt, ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu, được giữ lại và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là học sinh sẽ thuận lợi hơn.

Chưa quyết định, nhưng có thể trước kia thi hai kỳ nhưng bây giờ các cháu thi một kỳ, bài làm theo hướng không phải học thuộc lòng mà là đánh giá nhận thức, tình cảm, ý thức đối với những vấn đề của đất nước, xã hội. Qua kỳ thi này, nhà trường sẽ có những đánh giá chính xác về năng lực của học sinh.

Còn phần khó, nếu có, thì nhà trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục chúng tôi phải nhận phần khó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu và phụ huynh học sinh”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.