Đời học sinh của tôi

07:00 | 10/07/2016

|
Một người quen cũ ở Kiến thức ngày nay có nói đến “sự tự ty về việc học hành không đến nơi đến chốn của ông An Chi thời nhỏ”. Một số bạn đọc có đề nghị tôi nói về chuyện này nên xin lĩnh ý mà trần tình như sau.

Hồi 5 tuổi, tôi học lớp chót (lớp đồng ấu) tại trường Nhựt Thăng, mà thầy hiệu trưởng là bạn của cha tôi. Ngôi trường này nằm trên đường làng số 20 (nay Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh), là một dãy phố 5 căn đủ cho 4 lớp Chót, Tư, Ba, Nhì và văn phòng, có sân trước vừa phải và sân sau khá rộng cho học trò có thể chạy nhảy vào giờ ra chơi. Buổi sáng ngày nhập học, gia đình cho tôi dậy thật sớm rồi dì tôi dạy vỡ lòng cho tôi bảng chữ cái mà tôi vẫn còn nhớ mấy chữ đầu là “a, á mặt trăng, ớ đội nón, bê có bụng, xê cù ngoéo, dê có đít, đê gạch đầu”.

Khi tới giờ đến trường thì Bà Bảy - người vú nuôi kính mến - dẫn tôi đi. Bà xách giỏ trầu, tôi thì ôm ca-táp. Suốt một năm lớp chót, Bà Bảy đi học với tôi. Tôi ngồi học trong lớp, bà thì mượn một chiếc ghế của trường, ngồi ngoài hàng ba ở chỗ mà tôi có thể nhìn thấy từ bên trong lớp vì không có bà Bảy ngoài hàng ba thì tôi không chịu học. Cứ như thế suốt một năm. Năm sau lên lớp Tư thì may có dì tôi dạy lớp đó nên gia đình dụ tôi để cho dì Năm dẫn đi học, khỏi làm tội bà Bảy ngày nào cũng phải ngồi ở hàng ba suốt buổi.

Khi học xong lớp Ba thì tôi náo nức chờ được lên học lớp Nhì nhưng thầy hiệu trưởng lại khuyên cha tôi không nên cho tôi lên lớp vì còn nhỏ mà lên lớp trên quá sớm thì sẽ ảnh hưởng đến trí thông minh. Thế là tôi phải học lại lớp Ba nhưng lại rời Trường Nhựt Thăng để ra học tại Trường Marc Ferrando, mà dân trong vùng quen gọi là Trường Bà Chiểu. Đây chính là cơ sở của Trường Nguyễn Đình Chiểu (phía sau) và Trường Lê Văn Tám (phía trước), đối diện với Chợ Bà Chiểu hiện nay. Sau khi Nhật đảo chính Pháp thì chúng lấy ngôi trường này làm trại lính nên nhà cầm quyền phải xây tạm Trường Marc Ferrando mới tại địa điểm của Bệnh viện Ung Bướu trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh hiện nay và tôi học là học tại cơ sở này. Năm đó (1944) tôi mới 9 tuổi nên chẳng biết gì về thời cuộc nhưng bây giờ nhớ lại mới thấy có lẽ nhà trường đã chịu ảnh hưởng của cách mạng nên các nhà giáo đều dạy cho học trò những bài hát yêu đời và yêu nước. Như bài “Xuân về” của Hoàng Quý, đến bây giờ tôi cũng còn mường tượng được hình dáng của thầy Đại đang viết trên bảng:

“Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm,

Bao chim đua hót trong mây Xuân về trong khóm cây [...]”

Đặc biệt là mỗi lần tập hợp toàn trường ngoài sân thì hát bài “Gieo ánh sáng” của Lưu Hữu Phước và cả bài “Tiếng gọi thanh niên” của ông nữa. Tôi học giỏi, luôn luôn đứng nhất lớp nên tháng nào cũng được thầy gọi đến nhà để cộng sổ và xếp hạng. Hồi đó, gia đình cho tôi đi sói con (louveteau) là tổ chức hướng đạo sinh của thiếu niên. Nhưng rồi Mỹ ném bom Nhật ở Sài Gòn hồi cuối 1944 đầu 45 nên tôi phải theo gia đình đi tản cư; sau đó không bao lâu lại nổ ra Tổng Khởi nghĩa, rồi quân Anh - Ấn (Chà Chóp) nhảy vào Sài Gòn, tạo điều kiện cho Pháp trở lại, tiếp đến là Nam Bộ kháng chiến. Lại tản cư một lần nữa. Thế là mất một năm ở lại lớp, thêm một năm tản cư là hai năm.

Đến 1946, sau khi hồi cư thì gia đình cho tôi ra ở Chợ Lớn, nơi mà khu trung tâm không có trường Việt Nam nên tôi phải vào học ở trường Tàu. Một người bạn của gia đình là người Hải Nam đặt cho tôi một cái tên Tàu là 韓日畴 (Han Ri Chou), xin cho tôi vào học ở Tam Dân học hiệu (Sanmin Xuexiao), nay là địa điểm của Trường trung học Phổ thông Trần Hữu Trang, đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Thế là sáng sáng xách cái va-li mây nhỏ (kiểu cặp học trò của Tàu) đi học y như một thiếu niên người Hoa. Tôi học ở đây được 2 năm thì gia đình xin cho vào học nội trú ở Lycée Franco-Chinois, nay là địa điểm của Đại học Sài Gòn, đường An Dương Vương, quận 5, nhưng hồi đó mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Trãi. Trường này có 5 khối lớp là Élémentaire, 1è année, 2è année, 3è année và 4è année, vừa dạy tiếng Hoa, vừa dạy tiếng Pháp, có dạy cả khoa kế toán (để cho học sinh ra trường có thể “làm ăn”).

Trong hai năm tôi học ở đây thì thấy nhà trường có mời bà Dubois (bên Marie Curie) và ông Champion (bên Chasseloup-Laubat) sang dạy cho 4è année, là năm cuối của trường. Tôi học ở đây gần hai năm thì xảy ra cuộc biểu tình 9-1-1950, rồi đám tang Trần Văn Ơn. Tôi đã tự động bỏ học, bỏ trường để đi đưa tang Trần Văn Ơn. Rất mừng là tôi lại không bị gia đình quở trách gì về việc này. Sau đó mẹ tôi cho tôi ra ở nhà của dì dượng tôi - dì Năm là người đã dạy tôi hồi nhỏ - ở Cité des Travaux Publics, đường Galliéni (nay Trần Hưng Đạo), học nửa năm cuối của lớp Nhứt ở Lycéum Nguyễn Văn Khuê để sửa soạn thi lấy bằng CEPCI, thường gọi là “Xẹc-ti-phi-ca”, tức bằng Tiểu học. Rồi đến giữa hè năm 1950 thì gia đình lo cho tôi thi vào hai trường: Petrus Ký với tên Võ Thiện Hoa và Chasseloup-Laubat với tên Emile Pierre Lucatos (Tôi dân Tây, có giấy khai sanh Tây và đến nay cũng không hề từ bỏ quốc tịch Pháp). Tôi đậu vào cả hai trường nhưng gia đình thích cho tôi học trường Tây sau khi đã cho tôi học trường Tàu. Bên Petrus Ký thấy lâu quá tôi không nhập học nên gửi giấy gọi, kèm theo lời khuyến khích là nếu gia đình có khó khăn thì tôi còn được học bổng vì tôi đậu cao trong kỳ thi tuyển.

(Xem tiếp kỳ sau)

A.C

Năng lượng Mới 538