Đôi điều về chuyện Sửa đổi Luật Dầu khí

11:12 | 07/06/2022

5,582 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhiều lần được lắng nghe các vị nguyên lão ngành Dầu khí họp bàn, rồi tham dự các cuộc hội thảo xung quanh vấn đề sửa đổi Luật Dầu khí, có một điều lạ là dường như những người làm luật đang đưa Luật ngày càng xa thực tế. Trong đó, việc làm rõ, quy định cụ thể “ưu đãi” trong hoạt động dầu khí không còn dừng lại ở chuyện thuế phí mà cần nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ngay khi Dự thảo Luật Dầu khí đầu tiên do Bộ Công Thương soạn thảo được phát đi, Hội Dầu khí Việt Nam đã nhiều lần tổ chức họp bàn, đóng góp nhiều ý kiến có tính thiết thực và sâu sắc. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với lời chia sẻ của nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Trần Ngọc Cảnh khi nói về chuyện "làm dầu khí xưa và nay".

Nhóm cổ phiếu Dầu khí giao dịch tích cực cùng thị trường trong phiên 25/5
Một số dự án thăm dò khai thác dầu khí bị chững lại trong nhiều năm qua.

Ông Cảnh kể: "Trước đây chúng tôi làm dầu khí khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, hệ thống về dầu khí. Tìm được mỏ dầu nào là được thưởng một con bò, con lợn... ăn khao. Khi gặp khó khăn, chỉ biết động viên nhau cùng "vắt óc" tìm giải pháp. Giờ làm dầu khí càng ngày càng phức tạp, quá nhiều thứ "trói chân" người làm dầu khí chân chính”.

Câu chuyện của ông Trần Ngọc Cảnh có hai tầng ý nghĩa, thứ nhất là làm dầu khí ở Việt Nam hay bất cứ đâu trên thế giới lúc nào cũng khó khăn. Bởi ngành dầu khí là một ngành năng lượng có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế. Đặc biệt, dầu khí có tính địa chính trị nên càng trở nên khó khăn đối với các quốc gia nhỏ, yếu cả về năng lực kinh tế, quân sự cũng như khoa học công nghệ.

Khó như vậy nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm làm dầu khí vì nhìn thấy được đây là một ngành quan trọng, không chỉ tạo ra nguồn năng lượng để phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Vậy nên để làm dầu khí thì cái tâm, cái thế của người làm dầu khí phải được chuẩn bị, lựa chọn kỹ càng. Mỗi mỏ dầu, mỏ khí đều có những thách thức về kỹ thuật tìm kiếm, thăm dò và khai thác khác nhau nên phải nỗ lực bằng mọi cách để vượt qua.

Tầng ý nghĩa thứ hai là những khó khăn bên ngoài việc làm dầu khí, đặc biệt là chuyện “luật chồng luật”, hay luật mới thay thế luật cũ ngày càng làm khó doanh nghiệp. Ví dụ như việc quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí trong Dự thảo Luật Dầu khí đang phải chịu cao hơn các dự án thông thường khác. Đây là việc cực kỳ phi lý bởi một dự án dầu khí từ quyết định đầu tư đến thăm dò - khai thác - chế biến cần một số vốn rất lớn và mất thời gian gấp 2-3 lần một dự án thông thường. Vấn đề này đã được báo chí, các nhà khoa học dầu khí đề cập nhiều lần nhưng các nhà làm luật... vẫn bỏ ngỏ.

Tiếp đến, dầu khí là tài nguyên quốc gia, vậy để khai thác tài nguyên quốc gia như thế nào để đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, cho nhân dân, hạn chế đến mức nhỏ nhất thất thoát tài sản là việc của cả hệ thống chính trị. Để trả lời câu hỏi khai thác như thế nào thì phải có sự so sánh với các quốc gia trong khu vực, các cường quốc dầu khí trên thế giới sao cho phù hợp với đặc thù dầu khí Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, đảm bảo tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn đầu tư.

Trong đó, cần phải làm rõ chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã ký kết và đang thực hiện nhưng các phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian. Đặc biệt là phải bổ sung vào Dự thảo Luật các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí). Ví dụ như tại Malaysia đã áp dụng hình thức hợp đồng chia sản phẩm trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí (PSC - từ năm 1976) và luôn có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với các điều kiện đặc thù về tài nguyên dầu khí (áp dụng PSC R/C với các mỏ có chi phí cao/rủi ro cao, RSC đối với các mỏ dầu khí cận biên, các điều khoản PSC riêng đối với khu vực nước sâu, khu vực có nhiệt độ cao/áp suất cao)...

Đôi điều về chuyện Sửa đổi Luật Dầu khí
Petronas được giao tự chủ và linh hoạt đã trở thành cường quốc dầu khí của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến năm 2019, Petronas đã và đang nghiên cứu mẫu PSC mới (SFA PSC) theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, ở giai đoạn tiền phát triển, tiến trình phát triển mỏ (FDP) được Petronas xem xét 1 lần thay vì 5 bước đánh giá như các dự án thông thường trước khi có FDP chính thức. Như vậy có thể thấy rằng, Luật Dầu khí sửa đổi cần phải theo hướng để hoạt động dầu khí được nhanh hơn, đơn giản và linh hoạt hơn.

Có thể thấy rằng, xu thế chuyển dịch năng lượng ngày một nhanh, giá dầu tăng cao khi tài nguyên dầu khí của Việt Nam chỉ hữu hạn, chủ yếu tập trung ở khu vực nước sâu xa bờ, cần vốn đầu tư lớn, rủi ro cao… Đây là lúc cần phải có một tâm thế sửa đổi Luật Dầu khí quyết liệt, từ điều chỉnh mô hình quản lý nhà nước về dầu khí theo hướng linh hoạt, đến gia tăng các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Đặc biệt là phải chấm dứt ngay tình trạng một dự án thăm dò khai thác dầu khí từ lúc hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên các cấp quản lý nhà nước phải mất đến vài năm mới được cấp giấy phép đầu tư.

Tùng Dương

Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững
Sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa giá trị tài nguyên Dầu khí Sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa giá trị tài nguyên Dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí lần thứ 6: Dự thảo Luật Dầu khí lần thứ 6: "Chưa đáp ứng yêu cầu"
Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí

DMCA.com Protection Status