Những mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam:

Đoàn 36S và giếng khoan sâu đầu tiên tại làng Khuốc

06:00 | 29/07/2021

2,722 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 23/9/1970, những mét khoan đầu tiên của Giếng khoan thông số số 1 được tiến hành. Một năm lẻ 5 ngày sau đạt chiều sâu 3.000m, thêm 70 ngày nữa đạt đến chiều sâu 3.303m, trở thành kỷ lục khoan sâu đầu tiên ở Việt Nam thời điểm đó. Những người công nhân, kỹ sư của Việt Nam với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô đã thực hiện những việc chưa từng có trong lịch sử non trẻ của ngành Dầu khí.
Công trình làm thay đổi diện mạo địa vật lý Việt NamCông trình làm thay đổi diện mạo địa vật lý Việt Nam
Nhớ về mốc son của ngành Dầu khíNhớ về mốc son của ngành Dầu khí
Hành trình tiếp lửa của các thế hệ địa vật lý giếng khoanHành trình tiếp lửa của các thế hệ địa vật lý giếng khoan

Giếng khoan thông số số 1, số hiệu GK-100 là giếng khoan sâu đầu tiên ở miền võng Hà Nội, cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, các giếng khoan ở Đồng bằng sông Hồng được đánh số theo quy định về độ sâu. Những giếng sâu dưới 1.200m mang số hiệu dưới 50; mang số hiệu từ 50-59 là những giếng 1.700m; mang số hiệu từ 60-99 là những giếng 2.400m. Và mang số hiệu 100 trở lên là những giếng khoan sâu hơn 3.000m.

Giếng GK-100 được chọn trên cấu tạo Tiên Hưng thuộc dải nâng Khoái Châu - Tiền Hải, vị trí đặt tại làng Khuốc, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vì giếng khoan cách Phố Tăng khoảng 800m về phía Tây Bắc, nên thường gọi là giếng khoan sâu ở Phố Tăng. Để chuẩn bị cho việc khoan giếng GK-100, ngày 1/2/1969, Đoàn Khoan sâu 36S được thành lập, kỹ sư Nguyễn Đức Quý làm Đoàn trưởng, kỹ sư Đặng Của làm Đoàn phó phụ trách thi công.

Tháng 2/1969, những lô máy móc, vật tư đầu tiên được chuyển về. Giếng khoan được thi công bằng máy khoan 4LD-150D do Rumani sản xuất, công suất khoan được 3.200m. Thiết bị của bộ máy khoan này nặng gần 1.000 tấn, có những cấu kiện nặng 18, 20 và 25 tấn, riêng tháp khoan được thiết kế thành 3 đoạn, có những đoạn dài 18m. Thiết bị thuộc về dạng siêu trường - siêu trọng kèm theo cần khoan, ống chống, choòng khoan và các loại vật tư tiêu hao khác có trọng lượng hơn 2.000 tấn. Do máy bay Mỹ bắn phá cảng Hải Phòng, các thiết bị, vật tư được chở rải rác bằng nhiều tàu, nhiều chuyến khác nhau, nên hàng đưa lên cảng Hải Phòng được đưa đi cất giấu ở dọc đường số 5.

Đường sá, cầu cống bấy giờ chỉ chịu được tải trọng rất thấp, Đoàn 36S cùng với đơn vị giao thông có phương tiện bốc dỡ chuyên dụng đã phải tìm mọi phương án vận chuyển các cấu kiện về đến khoan trường, kết hợp cả đường thủy, đường bộ. Đường vào vị trí giếng khoan từ Phố Tăng vào làng Khuốc là đường làng rất hẹp, nền khoan nằm ngay giữa ruộng. Việc thi công mở rộng đường gia cố nền móng phải mất 4 tháng. Nền móng yếu phải gia cố bằng việc đóng cọc thép đường kính 299 mm sâu từ 40-45 m, số lượng hai bệ đỡ gồm 16 cọc. Thiết bị, vật tư được vận chuyển về để dọc đường theo Phố Tăng, một số đưa vào khoan trường, để rải rác ở một số kho trong làng Khuốc và các làng lân cận.

Giếng khoan sâu đầu tiên
Lắp ráp máy khoan 4LD-150D trên nền khoan giếng GK-100. (Ảnh tư liệu)

Tháng 6/1970, khi các công tác chuẩn bị, vận chuyển thiết bị xong, Liên Xô cử đội xây lắp sang, có kỹ sư và 15 công nhân cùng với cán bộ và công nhân của ta tiến hành xây lắp giàn khoan. Tháng 9/1970, việc xây lắp giàn khoan đã hoàn tất, tháp khoan cao 53 m, có sức nâng 150 tấn, đứng sừng sững giữa cánh đồng của làng Khuốc, đi cách xa hàng cây số cũng đã nhìn thấy. Cùng thời gian này có thêm một đội khoan của Liên Xô, Đoàn trưởng là chuyên gia K.A. Friev. Đoàn gồm 20 người, chia làm 4 kíp, khoan liên tục. Mỗi kíp gồm kíp trưởng, 2 thợ khoan, 1 thợ chạy máy diesel, 1 thợ nguội thiết bị chuyên sửa chữa máy khoan và máy bơm. Ngoài ra còn có 3 kỹ sư khoan.

Trực tiếp thực hiện phương án khoan GK-100 là kỹ sư khoan Đặng Của và kỹ sư khoan Đinh Văn Danh. Đội khoan sâu do kỹ sư Phan Văn Ngân phụ trách, gồm 4 kíp khoan và 1 tổ diesel gồm 1 tổ trưởng và 8 thợ chạy máy. Mỗi kíp khoan gồm kíp trưởng, thợ cả, thợ trên cao và 2-3 thợ phụ. 3 kíp khoan thay phiên nhau làm việc suốt ngày đêm, một kíp nghỉ. Cùng thời gian này có thêm một đội khoan của Liên Xô, Đoàn trưởng là chuyên gia K.A. Friev.

Sau gần 2 năm chuẩn bị, ngày 23/9/1970, giếng khoan được khởi công. Đến ngày 28/9/1971 đạt chiều sâu 3.000 m, đóng giếng vào ngày 7/10/1971 và khoan tiếp đến ngày 5/12/1971 đạt chiều sâu 3.303 m; đó là kỷ lục khoan sâu nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Theo thiết kế ban đầu, chiều sâu giếng khoan là 3.000 m, nhưng do yêu cầu về địa chất đã khoan quá công suất máy từ 3.200 m lên 3.303 m.

Các hoạt động của GK-100 được tiến hành trong 6 năm, tính cả thời gian xây dựng. Trong suốt khoảng thời gian đó, rất nhiều mồ hôi, sức lực, thậm chí là máu đã đổ tại khoan trường này. Những người kỹ sư có mặt tại khoan trường khi ấy sẽ không thể nào quên được sự hy sinh của đốc công khoan người Liên Xô L.M. Cerdukov - một chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đã hết lòng giúp đỡ và truyền nghề cho cán bộ, công nhân Việt Nam. Vào một ngày tháng 9/1971, ông Cerdukov đã gặp tai nạn trên khoan trường trong khi cố gắng xử lý một sự cố. Ông là chuyên gia đầu tiên đã hy sinh vì sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 10/6/1972, Tổng cục Địa chất quyết định ngừng việc thử vỉa ở GK-100 vì đế quốc Mỹ đang leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Nhằm bảo vệ giếng khoan, chuyên gia và cán bộ, công nhân khẩn trương tháo dỡ và bảo quản toàn bộ thiết bị khoan. Vấn đề nan giải nhất lúc này là tìm thuê cho được cần cẩu có sức nâng 30 tấn để tháo dỡ. Đơn vị có cần cẩu không thể cho thuê được vì đang phục vụ cho công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải. Cuối cùng, Đoàn 36S đã nảy ra sáng kiến là đấu thử 2 cần cẩu để trên xe ôtô KRAZ (кPAЗ), mỗi chiếc có sức nâng 16 tấn để nâng trục tời nặng tới 25 tấn ở độ cao trên sàn 4,70 m. Ở đây đòi hỏi sự điều khiển đồng bộ, có bộ thần kinh vững chắc và cuối cùng cán bộ, công nhân đã nâng cụm thiết bị nặng nhất xuống mặt đất an toàn. Bộ máy khoan được đưa đến địa điểm sơ tán tại vùng dự kiến xây dựng giếng khoan GK-101 tại Quang Bình. Các chuyên gia Liên Xô được thu xếp về nước. Chuẩn bị kế hoạch thiết bị, vật tư, cán bộ và công nhân… khi có điều kiện tiếp tục ngay việc thử vỉa.

Giếng khoan sâu đầu tiên
Vị trí của GK-100 trên cánh đồng làng Khuốc ngày nay.

Trong hồi ức của mình, kỹ sư Đặng Của kể lại: "Thái Bình tuy không phải là vùng trọng điểm nhưng thường là nơi trút bom thừa trên đường về Hạm đội 7 của máy bay Mỹ, bất kể ngày đêm... Có lần máy bay địch ném bom cách giàn khoan 500 m, nhưng may mắn không ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị và người. Chuyên gia Liên Xô, cán bộ, công nhân ta không kể ngày đêm tìm mọi cách tháo dỡ nhanh bộ máy khoan 4LD-150D, sớm hơn kế hoạch được giao 10 ngày. Các thiết bị nhẹ được vận chuyển đưa vào trong làng, thiết bị nặng để hai bên đường dọc Phố Tăng có ngụy trang. Làm việc nặng nhọc, chế độ lương thực được cung cấp cho mỗi người được 18 kg kể cả độn khoai, bo bo,… về sau được tăng lên 21 kg và 2,5 kg thịt trong một tháng..." (Trích lời kể của kỹ sư Đặng Của trong cuốn Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam - Tập 1).

Sau khi Đoàn 36S đã xây dựng xong hầm hố trú ẩn và chấn chỉnh hệ thống tổ chức báo động trong thời gian tạm ngừng sản xuất, ngày 21/6/1972, Tổng cục Địa chất cho phép tiến hành trở lại các công việc ở khoan trường. Từ ngày 21/8/1974 đến ngày 26/8/1974, các cán bộ kỹ sư của ta đã tiến hành thử vỉa đầu tiên, trực tiếp từ đáy giếng sâu 3.073 m, nhưng không phát hiện khí và condensate. Sau 3 năm, đến 17 giờ ngày 30/4/1975 kết thúc thử vỉa tại giếng GK-100.

Trong suốt 6 năm, những người công nhân, kỹ sư của Việt Nam với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô đã thực hiện những việc chưa từng có trong lịch sử non trẻ của ngành Dầu khí nói riêng cũng như ngành địa chất nói chung. Tuy không tìm được tầng sinh dầu, nhưng giếng khoan sâu GK-100 đã lần đầu tiên phát hiện tầng trầm tích mới, được chuyên gia Liên Xô và kỹ sư Nguyễn Ngọc Cư đặt tên là tầng Phong Châu. Trong quá trình khoan cũng đã phát hiện khí cháy, nhưng không lớn; mặt cắt địa chất cho thấy có những màn chắn là đất sét, sét kết và cát kết... đều là những cơ sở quan trọng để khẳng định khả năng có dầu, khí ở Đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, giếng GK-100 còn mang lại những kinh nghiệm vô cùng quý giá cho cán bộ kỹ sư người Việt về quá trình khoan, lựa chọn vị trí khoan, trở thành tiền đề để Liên đoàn 36 tiếp tục thực hiện những giếng khoan sâu khác.

Lâm Anh

Thương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giớiThương mại Dầu khí - khát vọng vươn ra tầm thế giới
Petrovietnam: Khi vắc-xin là ưu tiên số 1Petrovietnam: Khi vắc-xin là ưu tiên số 1
Công nghiệp khí: Phát triển năng động và trách nhiệmCông nghiệp khí: Phát triển năng động và trách nhiệm
[E-Magazine] Những hoạt động nổi bật của tuổi trẻ Dầu khí 6 tháng đầu năm 2021[E-Magazine] Những hoạt động nổi bật của tuổi trẻ Dầu khí 6 tháng đầu năm 2021
(Kỳ 4) Đà phát triển của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam(Kỳ 4) Đà phát triển của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam
Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Hành trình 30 năm Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Hành trình 30 năm "giữ lửa"
PTSC: Trọn giải pháp, vẹn niềm tin, vươn tầm quốc tếPTSC: Trọn giải pháp, vẹn niềm tin, vươn tầm quốc tế

DMCA.com Protection Status