DNNVV kiến nghị gì tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”?

08:57 | 17/06/2018

314 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có doanh nghiệp xin thủ tục cấp sổ đỏ mất đến cả chục năm, việc công bố quỹ đất sạch để phục vụ DNNVV cũng còn yếu, làm chậm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
dnnvv kien nghi gi tai hoi nghi ha noi 2018 hop tac dau tu va phat trien
Ông Mạc Quôc Anh

Đó là những chia sẻ của ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme) với Báo DĐDN trước thềm Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Theo đó, mặc dù ghi nhận những nỗ lực và kết quả của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phản hồi còn gặp nhiều khó khăn.

- Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020 được xác định là trở thành Thành phố tiên phong cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp đánh giá việc hiện thực hoá nhiệm vụ này thế nào thời gian qua, thưa ông?

Trước tiên, để hiện thực nhiệm vụ nói trên, Thành phố đã xác định việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ở tất cả các khâu trong chuỗi hoạt động của doanh nghiệp, bắt đầu từ các hoạt động khởi sự kinh doanh đến các hoạt động sau khi khởi nghiệp và quá trình sản xuất kinh doanh, mở rộng, tăng cường đầu tư.

Đồng thời, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những khâu đột phá. Cụ thể, công tác cấp phép và giấy chứng nhận của ngành Công thương đã có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng đã tháo gỡ nhiều cho doanh nghiệp về thủ tục vay vốn bằng giải pháp cùng doanh nghiệp xây dựng dự án và phương án sản xuất kinh doanh.

Nhờ vậy, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thủ đô từng bước được cải thiện, được nhân dân và cộng động doanh nghiệp ghi nhận. Trong đó, Ngành Thuế và Hải quan được doanh nghiệp đánh giá cao sự đổi mới tích cực trong thủ tục, làm giảm thời gian cho doanh nghiệp. Công tác đào tạo đã được quan tâm là một trong chỉ số đứng cao nhất góp phần PCI đạt mức cao hơn năm 2016. Đơn cử, Trung tâm hỗ trợ DNNVV đã có nhiều chương trình thiết thực và bổ ích cho doanh nghiệp. Do đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng hạng trong 5 năm gần đây.

- Mặc dù cải thiện, tuy nhiên, PCI 2017 của Hà Nội chỉ tăng 1 bậc so với năm 2016, đặc biệt ghi nhận sự thụt lùi của tiêu chí chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), PCI năm 2017 của Hà Nội đạt 64,71 điểm (tăng 3,97 điểm), xếp ở vị trí thứ 13/63, tăng 1 bậc so với năm 2016. Kết quả Chỉ số PCI khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của Thành phố trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Trong đó, đáng lưu ý là sự cải thiện của nhiều yếu tố thành phần như chi phí thời gian, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động… Tuy nhiên, Hà Nội lại chưa có cải cách, thậm chí là thụt lùi về tiêu chí chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Qua phân tích chỉ số PCI hàng năm và đặc biệt là phản hồi từ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thầy việc tiếp cận đất đai còn gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp xin thủ tục cấp sổ đỏ còn chậm, chi phí không chính thức vẫn còn chiếm tỉ trọng cao. Việc công bố quỹ đất sạch để phục vụ DNNVV còn yếu, dẫn đến doanh nghiệp chậm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tính năng động của Chính quyền ở cấp Thành phố thì chuyển biến tốt, nhưng ở cơ sở vẫn còn chậm.

- Vậy đâu là lời giải cho những khó khăn trên của doanh nghiệp, thưa ông?

Để thực hiện mục tiêu “Tiên phong cả nước về môi trường kinh doanh” như cam kết của Hà Nội trước sự chứng kiến của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội cần tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ số PCI.

Thành phố cũng phải đạt mục tiêu như Xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, tiếp tục khuyến khích sáng kiến cải cách hành chính, rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục, tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư.

Muốn làm được, trước hết phải đổi mới thực sự từ các bộ máy giúp việc, thay đổi nhận thức của cán bộ công chức phải là người phục vụ doanh nghiệp và công dân, đối với các lĩnh vực nêu trên thì thu hút đầu tư mới tăng trưởng được.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các Sở ngành chuyên ngành và Quân huyện trong các lĩnh vực thuộc thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp và kết quả thực hiện công vụ.

- Hiệp hội Hanoisme có “hiến kế” gì cho chính quyền thành phố trong việc hiện thực mục tiêu thu hút, đầu tư phát triển trong thời gian tới, thưa ông?

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tp Hà Nội (PCI) 2018 và các năm tiếp theo, UBND TP Hà Nội ngày 7/6/2018 đã ban hành kế hoạch số 130/KH-UBND chủ trì theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” trong Bộ chỉ số PCI.

Phát huy vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, là cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ phối hợp với các Sở, ngành xây dựng và triển khai các chương trình phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp. Tích cực tham gia xây dựng và phản biện chính sách của Trung ương và Thành phố. Định kỳ hàng quý tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp báo cáo UBND TP Hà Nội.

Hiệp hội kiến nghị, Chính quyền TP xem xét nghiên cứu giao một số dịch vụ công cho các tổ chức đủ điều kiện làm công tác dịch vụ, để Công chức không mất nhiều thời gian trong xác nhận và cấp một số giâý chứng nhận mang tính chuyên ngành như an toàn hóa chất, an toàn điện lực, kiến thức ATTP…để cán bộ công chức giành thời gian nghiên cứu và am hiểu chuyên sâu ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý, nhằm tham mưu giúp việc cho Thành phố nhiều chủ trương chính sách thiết thực hiệu quả để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và xây dựng quy hoạch, kế hoạch được tốt hơn, nhằm phát triển kinh tế Thủ đô.

Thành phố cũng nên xem xét tập trung thu hút các lĩnh vực như Cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, cụm công nghiệp, dịch vụ - thương mại, cải tạo chung cư, nông nghiệp công nghệ cao…

Xin cảm ơn ông!

Enternews