Điều gì sẽ xảy ra nếu sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã đạt đỉnh?!

19:00 | 12/04/2021

|
Dự thảo Dự báo phát triển ngành dầu mỏ của LB Nga đến năm 2035 cho biết, nhiều khả năng Nga sẽ không thể phá vỡ kỷ lục sản xuất dầu 561 triệu tấn vào năm 2019. Theo kịch bản thường, Bộ Năng lượng Nga dự báo, sản lượng khai thác dầu thô của Nga có thể tăng lên 554 triệu tấn trong năm 2029, sau đó suy giảm dần xuống mức 471 triệu tấn vào năm 2035.

Ở kịch bản thuận lợi nhất, khi thỏa thuận OPEC+ sẽ kết thúc trong năm 2025 và nhu cầu dầu thô tăng mạnh, Bộ Năng lượng Nga dự báo, sản lượng khai thác dầu của Nga sẽ đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới. Theo đó, Nga sẽ đạt đỉnh khai thác dầu thô với sản lượng kỷ lục 641 triệu tấn vào năm 2030, sau đó giảm dần về mốc 551 triệu tấn vào năm 2035. Ở kịch bản triển vọng, sản xuất dầu của Nga sẽ ở trong trạng thái “trì trệ” đến năm 2023, trước khi đạt đỉnh ở mức 596 triệu tấn vào năm 2028, sau đó giảm dần về mốc 493 triệu tấn vào năm 2035.

Điều gì sẽ xảy ra nếu sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã đạt đỉnh?!

Dự thảo này cũng cho biết, trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu sụt giảm mạnh khi Nga tham gia thỏa thuận OPEC+, tỷ trọng khí ngưng tụ trong tổng sản lượng hydrocarbon lỏng khai thác đã tăng lên 7,1% vào năm 2020. Theo đó, sản lượng khí ngưng tụ trong năm 2020 của Nga đạt 36,4 triệu tấn, tăng 2% so với mức bình quân hàng năm. Đồng thời, do sản xuất khí đốt thiên nhiên dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể đến năm 2035, sản lượng khí ngưng tự được dự báo sẽ tăng lên 43,1 - 48,6 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên 50,2 - 66,3 triệu tấn vào năm 2035. Sản lượng khí ngưng tụ sẽ gia tăng mạnh tại khu vực Đông Siberia và Viễn Đông, cũng như trên bán đảo Yamal và Gydan.

Bên cạnh dự báo về tình hình sản xuất dầu của Nga đến năm 2035, Bộ Năng lượng Nga cũng đưa ra dự báo về tình hình tiêu thụ dầu toàn cầu. Theo đó, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô đến năm 2023-2024. Đồng thời, không loại trừ rủi ro đại dịch sẽ khiến sản xuất dầu thô toàn cầu đạt đỉnh trước năm 2030, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Nga cũng nhận định, đại dịch có thể dẫn đến suy giảm sản xuất dầu thô tại Nga đến năm 2040.

Kịch bản thực tế

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, kịch bản thường của Bộ Năng lượng Nga dựa trên cơ sở kiểm kê trữ lượng dự trữ dầu mỏ được thực hiện trong năm 2019 và 2020. Do đó kịch bản này có xác suất cao nhất trong thực tế. Một trong những vấn đề của ngành công nghiệp dầu khí tại Nga hiện nay là nguồn dự trữ dầu truyền thống đang bắt đầu cạn kiệt. Sự suy giảm trữ lượng của các mỏ dầu được bù đắp một phần bởi sự gia tăng lợi nhuận khai thác dầu khí vào cuối những năm 2000. Trong giai đoạn đó, giá dầu cao đã hỗ trợ phát triển các hoạt động dầu khí ngoài khơi. Nhiều mỏ dầu khí khó tiếp cận đã được phát triển. Tuy nhiên, sau các cuộc khủng hoảng giá dầu vào các năm 2015-2016 và 2020 vừa qua, mức giá dầu hiện tại chỉ đảm bảo lợi nhuận cho 30-60% trữ lượng dầu có khả năng thu hồi tại Nga. Hoạt động sản xuất dầu ở LB Nga đang phải đối mặt với suy giảm đầu tư đáng kể do gánh nặng thuế cao và nhu cầu tái cấp vốn cho các nghĩa vụ nợ.

Giới chuyên gia nhận định, những kịch bản dự báo của Bộ Năng lượng cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi hệ thống thuế liên bang và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu đối với các trữ lượng dầu khó thu hồi hơn. Bên cạnh đó, một rủi ro đối với ngành sản xuất dầu khí của Nga là sự phục hồi hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Hoạt động này sẽ tiếp tục làm giảm lợi nhuận của toàn ngành dầu khí sau khi cán cân cung - cầu cân bằng. Việc thu hồi dầu trong các mỏ đá phiến tại Mỹ được đánh giá là có chi phí thấp hơn sản xuất dầu ở các mỏ khó thu hồi tại khu vực Siberia, vốn bị ngưng trệ vì cam kết cắt giảm sản lượng của Nga trong thỏa thuận OPEC+.

Thách thức đối với nền kinh tế

Sự suy giảm dần sản lượng khai thác dầu thô tại Nga sau năm 2030 sẽ là kịch bản chính nếu tính đến sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu và sự cạn kiệt các trữ lượng dự trữ dầu truyền thống. Do đó, ngành công nghiệp dầu khí Nga sẽ chịu thiệt hại lớn do sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu trong nước. Suy giảm sản xuất dầu trong nước sẽ dẫn đến giảm thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu dầu và do đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, việc sụt giảm nguồn thu của các công ty dầu khí sẽ ảnh hưởng đến việc thu thuế.

Cũng bởi doanh thu từ sản xuất dầu giảm, việc triển khai các dự án dài hạn mới sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi thời gian hoàn vốn của những dự án này sẽ phải kéo dài. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Nga cũng sẽ có thời gian để thích nghi dần với những thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, lĩnh vực khí đốt với trữ lượng dồi dào có khả năng sẽ là động lực tăng trưởng chính, qua đó hỗ trợ tích cực do tăng trưởng dài hạn của ngành dầu khí Nga.

Cuộc sống của người dân Nga sẽ khó khăn hơn

Các vấn đề trong ngành dầu mỏ của Nga sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sản lượng dầu sụt giảm sẽ tác động tiêu cực đến khối lượng đầu tư vào nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP. Mặc dù nhiều quan chức Chính phủ Nga tuyên bố rằng, sự phụ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động xuất khẩu dầu khí đã giảm đáng kể; tỷ trọng nguồn thu từ dầu khí trong cơ cấu ngân sách liên bang giảm xuống dưới 40%, nhưng việc đồng rúp “neo” theo giá dầu (tức là đồng rúp yếu khi giá dầu thấp và đồng rúp mạnh khi giá dầu cao) đang ảnh hưởng đến tất cả các khoản thu nhập. Quy tắc ngân sách không thể bù đắp đầy đủ cho sự mất cân bằng dòng ngoại hối vào thị trường nội địa. Do đó, không thể ngoại trừ khả năng tăng giá hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu, chưa tính đến các ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị. Việc giảm sản lượng khai thác dầu khí và xuất khẩu dẫn đến giảm thu ngân sách. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các chương trình xã hội của nhà nước. Do đó, sẽ rất khó để đảm bảo sự tăng trưởng lương và thu nhập thực tế của người dân.

Các chuyên gia Nga kỳ vọng, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu năng lượng vào cuối thập kỷ này, đồng thời các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ khá phổ biến vào năm 2030.

Viễn Đông