Điều chưa biết về nữ sinh đỗ thủ khoa “kép” vào trường Hà Nội - Amsterdam

11:14 | 28/06/2016

2,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đỗ thủ khoa “kép” vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, ở hai môn chuyên Văn và chuyên Hóa với tổng điểm ấn tượng 44,5 điểm, Phan Hà Linh đang là cái tên khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. 

Một mình… hai suất thủ khoa

Ai gặp Hà Linh lần đầu tiên cũng không khỏi bất ngờ bởi Hà Linh rất khác với tưởng tượng. Những tưởng sẽ là một cô nàng ít nói, mang cặp kính cận dày cộp, lúc nào cũng ôm bàn học rồi chăm chăm vào một cuốn sách nào đó… Thế nhưng, Hà Linh lại đem đến một hình ảnh khác, nhí nhảnh và rất năng động.

Những ngày này, dù giành liền lúc 2 suất thủ khoa vào trường Hà Nội Amsterdam nhưng Hà Linh không ngồi đó tận hưởng dư vị thành quả của mình mà lao ngay vào những dự án làm từ thiện cùng người thân.

Hà Linh kể: Sau kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, em còn 2 tháng xả hơi để chuẩn bị cho một chặng đường mới.

Liền lúc “rinh” 2 suất thủ khoa vào lớp 10 từ một trường chuyên danh tiếng như Hà Nội Amsterdam, lại ở cả hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội là môn Hóa và môn Ngữ Văn, đã là thành tích vô cùng đáng nể của cô bé này.

Hà Linh tâm sự: “Văn là môn học em thích, còn em yêu thực sự là môn Hóa”.

dieu chua biet ve nu sinh do thu khoa kep vao truong ha noi amsterdam
Phút thư giãn của Hà Linh bên gia đình

Thế nhưng, phải thừa nhận rằng dù yêu thích nhưng để vừa học tốt môn tự nhiên, lại xuất sắc cả môn xã hội như Hà Linh thì đúng là… của hiếm.

Đỗ thủ khoa “kép”, khi cả hai môn Hà Linh đều đạt số điểm cao ngất với 8.5 điểm, Hà Linh chia sẻ: Thực sự em vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Cũng giống như các bạn khác thường nói nếu được làm lại, em sẽ làm tốt hơn.

Nhưng theo Hà Linh thì em đặc biệt ấn tượng với đề thi của cả hai môn Hóa và Văn trong kỳ thi vừa qua. Nếu như môn Hóa cần phải học sinh phải có khả năng ứng biến thì môn Văn lại đòi hỏi học sinh phải vận dụng những kỹ năng xã hội riêng, khi đề thi ra rất mở.

Đặc biệt với môn Văn, Hà Linh còn gây ấn tượng khi chỉ trong 150 phút mà em đã “tua” đến 14 trang giấy cho bài thi của mình. Hà Linh thực sự phấn khích với đề thi Văn nghị luận xã hội khi bàn về hiện tượng nghiện smartphone, ảnh hưởng đến khả năng kết nối và cảm nhận của con người.

Theo Hà Linh thì: Đề Văn có độ khó của chuyên văn nhưng vẫn có độ mở để học sinh thỏa sức tưởng tượng. Vì thế, em đã viết tới 14 trang giấy.

Theo lời của Hà Linh thì: Dân chuyên của bọn em hay có câu cửa miệng là phải luyện viết được 10 phút/1 trang giấy. Thành thử, việc viết 14 trang/150 phút như em là chưa phá kỷ lục đâu”- Hà Linh cười nhí nhảnh.

Hà Linh kể lại, với thí sinh thi chuyên, hầu như ai cũng làm bài điên cuồng để giành một suất vào trường. Bản thân em cũng vậy, chỉ 30 phút đầu tiên sau khi bóc đề, em lên xin giấy lần 1. Đương nhiên, em cũng hiểu rằng, dù dài như thế nào thì văn cũng cần phải có tứ.

Khi được hỏi, làm thế nào mà em có thể “luyện” được cách viết nhanh đến vậy? Hà Linh chia sẻ: Trước đây, em đã dự định cho tương lai của mình là đi du học. Mà em biết rằng, đi học ở nước ngoài là sẽ không có chuyện ai cho mình mượn vở để chép rồi, nên ngay từ khi còn nhỏ em đã phải luyện viết thật nhanh. Em luyện bằng cách khi nghe cô giáo đọc, em viết lại, khi cô đọc nhanh quá thì tất nhiên mình không thể chép nguyên mà phải có thủ thuật riêng để “chuyển thể” nó theo cách hiểu của mình, thậm chí là dùng ký hiệu. Với em, như vậy cũng là một cách học và em thấy nó hiệu quả.

Thừa hưởng khiếu văn chương từ ông nội

Ngạc nhiên hơn, đây chưa phải là bài thi dài nhất của Linh. Trong một bài tập tháng về nhà, môn Ngữ Văn năm lớp 9, với đề bài: “Hãy tượng tưởng 30 năm sau, em và các bạn trở về trường cũ để dự Đại lễ mừng ngôi trường tròn 60 năm, hãy kể lại sự kiện ấy bằng bài văn có sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn...”.

Trong vòng 4 giờ đồng hồ ngồi lì trong phòng học, Hà Linh đã viết liền tù tì 33 trang giấy. Em đặt mình vào hoàn cảnh sau 30 năm đã trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Và bài văn ấn tượng đến mức được cô giáo cho điểm 9 với lời phê của cô giáo dạy Văn: “Khép lại 33 trang này, cô cứ nghĩ em là người lớn Hà Linh à!”...

dieu chua biet ve nu sinh do thu khoa kep vao truong ha noi amsterdam
Hà Linh và ông nội

33 trang cho một bài Văn để chuyển tải ước mơ của cô bé lớp 9, quả thực có nhiều điều để nói. Đương nhiên, với một cô bé nhiều mơ mộng như Linh thì chắc hẳn còn nhiều điều thú vị hơn nữa.

Chuẩn bị tâm lý là vậy, thế nhưng cũng như cô giáo của Linh, khi được đọc lại những dòng Linh viết trong vai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trở lại trường Amsterdam, tôi cứ ngỡ rằng: Linh đang ở cái độ tuổi 45, đúng như độ tuổi em giả định.

Bởi không thể ngờ, một cô bé mới học lớp 9 mà lại có những suy nghĩ chín chắn và chỉn chu đến vậy. Từng chi tiết, từng triết lý sống mà Linh đưa ra trong bài viết cảm tưởng như ý nghĩ của những người trưởng thành chứ không phải là một cô bé mới chỉ học lớp 9.

Theo Linh tâm sự thì để có những kiến thức thực tế, những chi tiết văn chương ấy đều là do em sớm được thừa hưởng gen văn học từ ông nội.

Linh kể, ngày còn nhỏ em rất hay “quấy rầy” lúc ông làm việc. Mỗi lần đến nhà ông nội chơi, căn phòng em thích nhất là phòng làm việc của ông, căn phòng đó có rất nhiều sách. Và thế là trong lúc ông làm việc thì em đọc ngấu nghiến những tác phẩm ông sáng tác, em còn đặc biệt thích sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh hay cuốn sách kinh điển với nhiều tên tuổi nhà văn nước ngoài khác.

Sớm biết cháu có năng khiếu văn chương, ông nội của Linh vốn cũng là một nhà báo, nhà thơ nên ông luôn biết cách hướng dẫn, động viên Linh học tập. Tình cảm của ông dành cho Linh cũng thật đặc biệt, khi mỗi tác phẩm văn chương của Linh đều được ông đọc, nhận xét rồi in để lưu lại như sự trân trọng sản phẩm của đứa cháu yêu. Như bài văn dài 33 trang, hay bài thuyết trình về Hoa Sen của Linh cũng được ông nội rất tâm đắc. Ông đã trịnh trọng để tác phẩm của cháu in chung với sách của mình.

Là đứa trẻ hiếu động và có khiếu văn chương rất sớm nên mọi hoạt động học hành của Linh đều được ông theo sát chỉ bảo. Ông nhận xét: Linh có khiếu văn chương từ khi còn là cô bé 5-6 tuổi, mới tập đánh vần đã rất thích thú với sách của ông. Đến nỗi, mỗi khi cầm tập thơ thì cô bé lại đánh vần là “Tập Thỏ”, rồi sau này mỗi cuốn sách của ông ra đời cô bé đều là độc giả trung thành. Theo ông nội thì chính sở thích ham đọc sách đã giúp Linh học tốt môn Văn. Một điều ở Linh khiến ông hài lòng đó là luôn có tính tự lập.

Mỗi người cần tìm ra phương pháp học cho riêng mình

Ngoài việc giành 2 tấm vé thủ khoa “kép” hai môn chuyên Văn và Hóa trong kì tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam vừa qua. Trước đó Hà Linh còn có thành tích học tập vô cùng đáng nể khi liên tục đạt học sinh giỏi toàn diện trong suốt 9 năm học.

Trong thời gian học THCS 4 năm thì có tới 3 năm liền, Linh nhận nhận được học bổng của trường, 2 lần suất sắc được vinh danh trong " Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô”.

dieu chua biet ve nu sinh do thu khoa kep vao truong ha noi amsterdam
Hà Linh trong buổi Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2016

Gần đây nhất, trong “Lễ tri ân và trưởng thành giành cho học sinh khối 9 - Nineternal” năm 2016 của Trường Amsterdam, Linh được chọn để thay mặt cho 200 học sinh khối 9 phát biểu. 

Với thành tích học tập "khủng" như vậy nhưng khi chia sẻ Linh vẫn khiêm tốn: Em cũng có những khoảnh khắc giống như các bạn khác là hay nói chuyện trong lớp, có lần cô còn gọi điện phản ánh với bố mẹ vì tội... hiếu động quá.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Linh hài hước: “Đầu của em hoạt động cũng khác người khác lắm, em chỉ tập chung học được sau 8h30 tối thôi”.

Theo Linh thì cũng như các môn khác, cả môn Hóa và môn Văn đều cần phải học thuộc ở một mức độ nhất định. Thế nhưng Linh lại không bao giờ học thuộc một cách dập khuôn được nên em phải tự mầy mò cách học cho riêng mình. Em hay ngồi đọc đi đọc lại để nhập tâm rồi hay gắn với những ký hiệu, hiện tượng riêng để nhớ.

“Khi học thì ai cũng có áp lực của riêng mình nhưng điều cơ bản là mình có tạo áp lực cho mình hay không? Riêng em tự thấy giảm áp lực cho mình thì việc học hiệu quả hơn. Mình cứ cố gắng hết sức thay vì cố đạt được bằng mọi giá. Học mà không có hệ thống, hay không logic thì nó thể hiện ngay.

Trước đây, em cũng có hỏi các anh chị khóa trên về phương pháp học thì mọi người thường nói là đọc sách rồi một vài phương pháp khác. Nhưng phương pháp nào em cũng thấy chưa thực phù hợp với mình. Em nghĩ mình là mình thì làm sao lại áp dụng phương pháp của người khác? Rồi sau em tự cảm nhận thời điểm nào là lúc mình học hiệu quả nhất. Và phương pháp chủ yếu là lựa chọn đúng thời gian học cho hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa nghỉ ngơi và học hành”- Hà Linh chia sẻ.

Nhận rõ phương pháp này từ rất sớm nên học đàn và bơi là hai hình thức nghỉ ngơi, giải trí hữu hiệu nhất của Hà Linh. Nên khoảng thời gian trước 8h30 tối là em thường dành để chơi đàn hoặc trò chuyện với mọi người trong gia đình.

dieu chua biet ve nu sinh do thu khoa kep vao truong ha noi amsterdam
Thành tích  học tập của Hà Linh trong năm học 2015-2016

Nói về ước mơ nghề nghiệp, cô gái thủ khoa chia sẻ: “Bây giờ thì em vẫn đang trong quá trình khám phá để xem mình hợp với chuyên ngành nào. Hiện tại, em nhận thấy tính em là thích được đi nhiều nơi, khám phá nhiều nền văn hóa trên thế giới và lại em cũng hay nói, nên em muốn được hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao. Điều này, em đã viết trong bài văn “giả tưởng” của em rồi. Em viết vậy, nếu những năm tới em vẫn giữ ước mơ này thì em sẽ cố gắng thực hiện nó”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, Hà Linh tinh nghịch: “Trong bài văn viết về 30 năm sau khi trở lại trường học cũ, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam em có viết, em trở về với tư cách khách mời lúc ấy đã là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thôi thì cứ ước mơ đi, chị nhỉ? Có ai đánh thuế giấc mơ đâu!”.

Tôi tin vào Linh, bởi sau này em có làm gì đi nữa thì cũng là em đã thực hiện giấc mơ của mình. Bất cứ ai đọc những dòng Linh viết trong bài văn dài 33 trang Linh viết cũng sẽ tin vào điều đó.

Xin trích đoạn văn “giả tưởng” của Hà Linh khi như một lời kết: “Nhiều người từng nói rằng, không ai có thể đoán trước được tương lai bởi số phận mỗi người cũng giống như một quân cờ nhỏ bé trên bàn cờ rộng lớn. Quân cờ đó có thể đi sai hướng, có thể đi đúng hướng, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào nước đi của người đánh cờ. Dẫu là vậy, dẫu đã trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, phải chăng khi ta không có ước mơ, ta sẽ không tự định đoạt được cuộc đời mình? Riêng tôi, tôi đã sống và đã không để tuột mất những mong muốn của tuổi trẻ. Chính vì vậy, tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng cuộc sống của mỗi người do chính họ vẽ nên…”

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.