Điệp thức khác với từ láy

09:00 | 12/01/2013

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết rõ về thuật ngữ ngôn ngữ học “doublet” trong tiếng Pháp. Nhân bài “Hát nghêu ngao và con nghêu, con ngao” của ông trên Báo Năng lượng Mới số 187 (4/1/2013) có ý kiến cho rằng, nên dịch nó sang tiếng Việt thành “từ láy”, dựa theo khái niệm “doublet impressif” mà Maurice Durand đã đưa ra trong công trình năm 1961. Có người đã dịch “doublet impressif” là “từ láy biểu cảm” và khẳng định rằng, Cao Xuân Hạo đã dịch nó thành “reduplicative”. Vậy ta có nên dịch “doublet” thành “từ láy”? Đỗ Trần Phú Đức (Q.11, TP HCM)

Học giả An Chi: Công trình hữu quan năm 1961 của Maurice Durand là “Les impressifs en vietnamien. Étude préliminaire”, đăng trên Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, nouvelle série, tome XXXVI, no1, pp. 5-50. Đối tượng mà Durand phân tích trong bài này đã được chính tác giả gọi là “doublet impressif”, đúng như bạn đã nêu. Ông đã miêu tả nó như sau:

“[…] on se trouve devant un foisonnement de mots doubles dont les deux termes ou parfois un seul ont un sens pré cis ou bien alors dont les deux termes se présentent avec un sens imprécis, mais dans tous les cas leurs sons suggèrent un bruit, un mouvement, une sensation, un état d’âme, plus qu’un concept précis”.  ([…] ta đứng trước sự phong phú của những từ đôi mà hai vế hoặc có khi chỉ một vế là có nghĩa rõ ràng hoặc nữa hai vế [của chúng] xuất hiện với một cái nghĩa mơ hồ nhưng trong tất cả những trường hợp [đó thì] âm hưởng của chúng [đều] gợi tả một tiếng động, một sự chuyển dịch, một cảm giác, một tâm trạng hơn là một khái niệm minh xác).

Sự miêu tả trên cho phép ta khẳng định rằng, cái mà Durand muốn nói đến ở đây chính là hiện tượng “từ láy”. Nhưng “doublet impressif” mà dịch thành “từ láy biểu cảm” thì không sát. Hai tiếng “biểu cảm” đã được các nhà Việt ngữ học trong nước hầu như nhất trí dành để diễn đạt một khái niệm khác. Còn “impressif” ở đây là “se dit de la qualité acoustique et auditive d’un son, qui le rend propre đ évoquer certains bruits naturels” (nói về tính chất âm học và thính giác của một tiếng động, làm cho nó thích hợp để gợi tả những tiếng ồn tự nhiên), như có thể thấy trên www.larousse.fr. Với nghĩa này của “impressif” - vì đây mới là nghĩa mà Durand muốn dùng - thì “doublet impressif” không phải gì khác hơn là cái mà Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và một số tác giả khác của nửa đầu thế kỷ XX từng gọi một cách tâm đắc là “từ tượng thanh” và “từ tượng hình”, rồi cách đây trên dưới 60 năm thì Việt ngữ học trong nước bắt đầu gọi là “từ lấp láy”, còn bây giờ thì ngắn gọn là “từ láy”.

Một tác giả người Việt Nam ở nước ngoài là Tạ Trọng Hiệp cũng đã theo Maurice Durand mà gọi từ láy là “doublet impressif”, như trong bài “Note bibliographique sur Lý Văn Phức (à propos de quelques récentes publications)” trên Bulletin de l’Ecole française d’Extrâme-Orient (Année 1964,   vol. 52, no 52-1, p.286). Nhưng rất tiếc rằng đây lại không phải là một thuật ngữ chính danh mà các nhà ngữ học nước ngoài dùng để gọi từ láy. Nếu là tiếng Anh thì họ dùng “reduplicative” còn tiếng Pháp là “redoublement” hay “réduplication”. Chính là với cách hiểu và cách gọi này mà Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu [Anh Việt - Việt Anh] của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng (NXB Khoa học xã hội, 2005) mới dịch “reduplicative” là “từ láy”. Nhưng họ chưa bao giờ - vì không thể - liên hệ “reduplicative” với “doublet”.

Còn “doublet”, với tính cách là một thuật ngữ ngữ học chính danh thì khác hẳn. Nó đã được Dictionnaire de l’Académie française (8ème édition) định nghĩa: “En termes de linguistique, il se dit de mots ayant la mâme étymologie et ne différant que par quelques particularités d’orthographe et de prononciation, mais auxquels l’usage a donné des acceptions différentes. Les mots digital et dé, hĩpital et hĩtel, sacrement et serment, rédemption et rançon, captif et chétif, natif et naêf sont des doublets” (về mặt ngữ học thì “doublet” chỉ những từ cùng từ nguyên và chỉ khác nhau ở vài đặc điểm chính tả và phát âm nhưng được gán cho những nghĩa khác nhau trong việc sử dụng.

Những từ digital [liên quan đến ngón tay] và dé [cái đê], hôpital [bệnh viện] và hôtel [khách sạn], sacrement [thánh lễ] và serment [lời thề], rédemption [sự chuộc tội] và rançon [tiền chuộc], captif [bị giam cầm] và chétif  [gầy yếu], natif [bẩm sinh] et naêf  [ngây thơ] là những doublets). Rõ ràng là ở đây chẳng có gì liên quan đến từ láy. Trong tiếng Anh cũng thế. Những due [tiền nợ] và debt [món nợ], carton [bìa cứng] và cartoon [biếm họa], chief [người đứng đầu] và chef [đầu bếp], price [giá cả] và prize [giải thưởng], vine [cây nho] và wine [rượu], v.v…, đâu phải từ láy mà là những doublets. Vì vậy nên chúng còn được gọi là “etymological twins” (song sinh từ nguyên). Thực ra thì tiếng Anh, tuy không nhiều như tiếng Việt đến mức có thể nói là “foisonnement”, chứ cũng có từ láy, tức reduplicative, chẳng hạn: boogie-woogie [một điệu nhạc], hokey-pokey [kem bình dân], razzle-dazzle [sự vui nhộn], teenie-weenie [nhỏ xíu xìu xiu], walkie-talkie [điện đài xách tay], v.v… Nhưng những đơn vị này không phải là doublet(s).

Danh từ “doublet” của tiếng Pháp lần đầu tiên chính thức được dịch với tính cách của một thuật ngữ ngữ học là trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973) do Cao Xuân Hạo chuyển ngữ (nhưng không được đứng tên) từ quyển Cours de linguistique générale của Ferdinand de Saussure. Tại Phần ba, Chương III, §3, “doublet” đã được Cao Xuân Hạo dịch thành “song lập thể”. Nhưng đến khi in lại bản dịch này năm 2005 (cũng do NXB Khoa học xã hội) thì Cao Xuân Hạo đã đổi thành “từ song lập”(*). Về phần mình, tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Tạp chí Kiến thức ngày nay (KTNN), ban đầu chúng tôi cũng đã theo bản 1973 của Cao Xuân Hạo mà dùng “song lập thể” (chẳng hạn trên KTNN số 84, 156, v.v...), rồi sau đó đã đổi thành “song thức”.

Nhưng đến năm 1997 (KTNN số 230, 239, v.v…) thì chúng tôi đã đổi “song thức” thành “điệp thức” vì nghĩ rằng, “song” chỉ là “hai” nhưng còn có cả “triplet” (“bộ ba”, như tiếng Ý fiaba [truyện cổ tích], fola [truyện kể] và favola [ngụ ngôn]), thậm chí “quadruplet” (“bộ tứ”, như tiếng Anh: gentle [hiền dịu], genteel [quý phái], Gentile [phi Do Thái] và jaunty [vui nhộn]) nữa. Tiếng Việt cũng có đến “bộ tứ”, mà sau đây là hai thí dụ. Bản thân hình vị Hán Việt “loạn” [亂]  đã là một từ; nó có ba điệp thức là “lộn”, “rộn” và “nhộn”. “Tích” [析] cũng có ba điệp thức là “tách” (trong “tách rời”), “tếch” (Một gánh càn khôn quảy tếch ngàn) và “tác” (trong “tan tác”). Và như vậy thì “doublet” đã từng được dịch thành “song lập thể”, “song thức”, “điệp thức” và “từ song lập”, không liên quan gì đến “từ láy”, mà có ý kiến đã liên hệ với “reduplicative”. Thực ra thì Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu [Anh Việt - Việt Anh] của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng (NXB Khoa học xã hội, 2005) đã dịch “reduplicative” là “cặp đồng nguyên; song thức”.

Trở lại với bài “Hát nghêu ngao và con nghêu, con ngao”, chúng tôi xin dẫn lại đoạn sau đây để làm rõ cách hiểu và cách phân biệt của mình:

“Chẳng hạn, “rêu” là một điệp thức của “rao” (trong “rao hàng”, “rao vặt”, v.v…), đã kết hợp với nhau thành từ tổ đẳng lập “rêu rao” - nghĩa là tổ hợp của từ “rêu” và từ “rao” - mà có lẽ tuyệt đại đa số nhà Việt ngữ học đều cho là một từ láy”.

Trong đoạn trên đây, “điệp thức” là “doublet” còn “từ láy” là “reduplicative”. Chúng tôi đã viết như thế vì, với chúng tôi, thì “rêu” và “rao” đều vốn là hai từ độc lập và là những “doublets” (điệp thức) cho nên, về mặt tạo từ, “rêu rao” vốn là một tổ hợp đẳng lập chứ không phải một “reduplicative” (từ láy).

A.C

(*) Bản 2005 đã in thiếu chữ “lập” sau chữ “song” ở dòng 3 và dòng 8, tr.297.