Diễn viên Thế Anh: “Lửa cháy mà chẳng gặp... rơm”

11:48 | 25/05/2013

1,288 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ở tuổi 76, sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh, diễn viên Thế Anh có vẻ đã yếu đi nhiều. Nhưng khi nói đến điện ảnh Việt, giọng ông lại hào sảng, rũ bỏ những mệt nhọc, ông chia sẻ: “Nhiệt huyết với điện ảnh trong tôi vẫn bừng bừng, tiếc là chẳng gặp rơm mà cháy”.

Diễn viên Thế Anh

- Là một diễn viên gạo cuội, hơn nữa lại tâm huyết với nghề. Điều gì khiến diễn viên Thế Anh lại vắng bóng trên màn ảnh lâu đến thế?

- Mình ở tuổi 76 rồi, còn làm gì nữa, để cho lớp trẻ nó làm với chứ. Mà nói thật là đến bây giờ tôi cũng hết hy vọng rồi. Tình hình phim truyện dường như ngày càng hết hơi, toàn trông mong vào những người đi làm ở nước ngoài về. Nhưng họ về thì cũng mang theo cả phong cách Tây du nhập vào Việt Nam. Xem phim làm về Việt Nam mà cứ như ông Tây nhìn vào ông Ta ấy, tôi thấy chán lắm.

Hơn nữa, cứ thử điểm trên màn ảnh đấy, phim làm cho giới trẻ nhiều, chúng tôi già rồi, cùng lắm thì vào vai phụ huynh các cháu thôi. Mà phim Việt bây giờ lạ lắm, dân mình còn nghèo, nhưng mở phim ra thì toàn thấy nhà cao, cửa rộng, xa hoa, phù phiếm. Tất nhiên là theo nội dung chủ đạo của phim, nhưng tôi đồ rằng, một khía cạnh nào đó của đời sống Việt đang bị lãng quên.

- Xã hội phát triển thì kéo theo điện ảnh cũng phải phản chiếu thực trạng xã hội là điều đương nhiên?

- Vẫn biết là vậy nhưng tôi thấy không trọn vẹn hoặc thiên lệch. Như tôi đã nói là nó Tây hóa. Từ hành động, đến chi tiết... nó bị lai căng nhiều. Cũng phải thôi, vì đạo diễn Việt kiều nhiều, ít nhiều ảnh hưởng lối Tây hóa. Còn đạo diễn Việt Nam thì toàn là học nhau, phó đạo diễn rồi lên đạo diễn là chủ yếu. Nên tôi mong rằng, nhà nước nên đầu tư cho đội ngũ này đi học. Họ đã có vốn căn bản, cái thuần Việt căn bản, khi được đi học tiếp cận với cách làm phim hiện đại... họ sẽ phát triển nhanh. Cứ đầu tư bây giờ đi, 10 năm nữa nước mình sẽ có những đạo diễn xứng tầm, tôi hy vọng như thế.

- Vậy ra, lý do là chưa tin đạo diễn tốt, chưa tìm được kịch bản hay để ông tiếp tục dấn thân?

- Nó khác với cách làm phim thời xưa của tôi. Và lại, đúng là chưa tìm được kịch bản hay. Tuy ít xuất hiện để làm nghề, nhưng tôi vẫn luôn theo dõi tình hình phim ảnh trong nước và quốc tế. Tôi thấy rằng, phim nước ngoài họ làm hay lắm, trí tuệ lắm. Còn của mình tôi thấy nó cứ rập khuôn, na ná nhau, các hành động trong phim cứ tuần tự cũ mòn, xem rất chán. Vừa rồi liên hoan phim, rõ ràng phim của ta thua xa phim của nước bạn. Cách kể chuyện của họ rất hiện đại, thú vị và tạo được bất ngờ. Phim Việt Nam nói thực là cổ lỗ sĩ lắm. Cái thiếu là thiếu nội tâm nhân vật, tình huống không gây bất ngờ và cứ phải kể sợ khán giả không hiểu.

- Vậy những đạo diễn nên đi học tiếp?

- Tôi nghĩ rằng, đầu tư cho đạo diễn là đầu tư lâu dài. Có đầu tư thì chỉ chục năm nữa, chúng ta sẽ có một đội ngũ đạo diễn tinh nhuệ. Mình đi học để mình tiếp thu, học hỏi người ta, nhưng không làm mất đi cái nguyên bản của mình. Chứ không phải đi học về rồi lại làm phim bằng con mắt người Tây làm về người Việt.

DV Thế Anh trong phim "Tự thú trước bình minh"

- Nghĩa là cứ có đạo diễn giỏi, sẽ có phim hay?

- Là một trong những nhân tố quyết định thôi, nhưng là cơ bản. Nhiều phim diễn viên không thực sự giỏi và cũng không cần diễn nhiều nhưng lại tạo được hiệu ứng rất tốt. Đó là do cách xử lý và sắp xếp tài tình của người đạo diễn, để thông điệp chuyển đến công chúng hiệu quả nhất. Ví dụ gần đây nhất tôi có xem bộ phim mà thấy rằng rất tâm đắc là phim Mật mã Dyatlov được kể dựa trên một câu chuyện có thật của đạo diễn Die Had và Cliffhanger. Cái hay của bộ phim là nó kể một cách hiện đại, kết hợp vừa hư lại vừa thực, có lúc như phim tài liệu, có lúc như phim truyện mà vẫn hấp dẫn. Tính hiện đại của phim gần với cuộc sống. Điều đó phải chăng là do đạo diễn tài năng?. Thế mới bảo, cái khó của nghệ thuật là sự sáng tạo nhưng ở ta thì hơi hiếm.

- Vậy còn vai trò của diễn viên thì sao, thưa ông?

- Tất nhiên cũng là quan trọng rồi, nhưng chọn diễn viên là khâu của đạo diễn. Nên chăng thành bại của phim phần lớn là do tài năng và bàn tay sử dụng người tài của đạo diễn rồi.

- Vậy, bản thân là một diễn viên gạo cội, ông có nhận xét gì đối với thế hệ diễn viên trẻ?

 - Phải nói là chúng ta đang sở hữu một dàn diễn viên trẻ, đẹp. Nhưng tôi không hài lòng, bởi đa phần là tay ngang. Xuất hiện quá nhiều diễn viên không được đào tạo bài bản, trong khi những người học ra thì lại không có chỗ. Nói vậy không phải là tôi quan trọng hóa việc học vấn. Mà tôi thấy tiếc cho những tài năng sau khi được đào tạo lại không có nhiều cơ hội để phát triển.

Thứ nữa, phần đi sâu vào tu dưỡng diễn xuất có phần yếu, lại bị ngộ nhận hơi sớm. Tôi cho rằng, đó cũng là do lỗi của truyền thông, tung hô những gương mặt trẻ sớm quá, họ dễ ảo tưởng, kéo theo đó nếu có tài năng thực thì cũng chóng bị thui chột. Phải chăng cần biết chê, và ít đi những diễn viên tay ngang, chân dài, hotgirl, hotboy thay vào đó là nên tập trung vào chiều sâu có lẽ sẽ khác.

- Rõ ràng là có nhiều nguồn diễn viên nhưng để tìm được những diễn viên có tố chất và tài năng thực sự được xem như “đãi cát tìm vàng”, hơn nữa không phải ai cũng giỏi ngay được?

- Theo ý kiến cá nhân của tôi thì điện ảnh Việt cũng không phải thiếu diễn viên tài, mà chỉ thiếu những người thầy giỏi. Đó là ai? Tôi vẫn giữ ý kiến là đạo diễn. Họ có vai trò quan trọng trong việc tìm và dẫn dắt diễn viên. Đi theo những nhân tố cốt rễ để tìm diễn viên thực lực thì tôi tin chúng ta cũng có dàn diễn viên giỏi tương đương với các nước có nền điện ảnh phát triển khác.

"Ngọn lửa với điện ảnh của tô chưa bao giờ tắt"

- Ông có nghĩ nhu cầu giải trí kéo theo những tác phẩm nhàn nhạt?

- Đúng thế, xã hội bây giờ nhu cầu giải trí cao, xem đem lại những cảm xúc man mác hoặc những nụ cười nhạt...thì nhà sản xuất phim thức thời phải đi theo. Nhưng như thế thì tội cho nền điện ảnh Việt quá, đành rằng giải trí nhưng đừng quên nghệ thuật chứ. Nếu mỗi lần đem phim đi thi mà đem phim giải trí để đánh xứ người thì chán. Mà chẳng nói đâu xa, ngay ở vị trí chủ nhà trong 2 liên hoan phim vừa qua, chúng ta đã chẳng có phim xứng tầm với các tác phẩm đến dự giải.

- Vậy một người đã gần trọn cuộc đời gắn bó với lịch sử phát triển điện ảnh nước nhà, ông chờ mong điều gì?

-  Tất nhiên là những bộ phim mang tinh thần Việt, để tôi không được đóng thì cũng xem được.

- Bản thân ông còn muốn đóng góp gì với rất nhiều ngổn ngang cần giải quyết như vậy?

- Giờ già yếu rồi, chỉ mong may mắn thì lại được cống hiến ở một vài vai diễn nữa. Lửa nghề vẫn còn cháy rừng rực nhưng chưa gặp rơm hoặc cái nhà tranh nào để mà cháy. Bản thân tôi tuổi hổ, vẫn nằm phục và chờ những vai diễn hợp với mình thì lúc đó lại “tung hoành” cho bõ nhớ.

Tôi kỳ vọng vào những kịch bản hay làm về đề tài lịch sử nhưng chưa thấy đâu cả. Xem ra, lâu thế này thì cũng chẳng hy vọng làm gì nữa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (Thực hiện)