Điện về làng!

12:11 | 25/07/2019

416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làng tôi ở cuối huyện Vĩnh Bảo, cách thị trấn huyện 10km, và cách thành phố hơn 30km. Trước đây muốn ra thành phố, dân quê tôi phải đi qua một con đò và một cái phà. Thế hệ chúng tôi lớn lên ở làng, đi học và tham gia việc đồng áng, có người học đến cấp III cũng chưa một lần được ra thành phố. Những đêm tối trời lên đê nhìn về hướng thành phố Hải Phòng thấy cả một vùng sáng, người lớn bảo đấy là ánh sáng điện.

Đám trẻ con chúng tôi dù mới học cấp I (nay là tiểu học), buổi chiều đã được bố mẹ giao cho việc quét dọn nhà cửa, sân ngõ, lau bóng đèn và rót dầu vào các cây đèn. Khi trời đã tối phải đốt đèn, chuẩn bị cho cả nhà ăn cơm. Cả nhà quây quần bên mâm cơm trong ánh đèn dầu leo lét. Khi học bài cũng luôn bị người lớn nhắc việc vặn đèn vừa phải. Để có đủ ánh sáng, chúng tôi lấy giấy trắng làm chụp đèn. Đến 10 giờ tối là cả nhà và xóm làng chìm trong bóng tối.

Chỉ những đêm trăng sáng, đám trẻ con mới tụ tập ở sân đình, sân kho của hợp tác xã chơi các trò chơi. Còn những đêm không trăng lại tiu nghỉu ngồi nhà đợi đến trăng của tháng sau. Những ngày hè nóng nức, người lớn, trẻ con thường ngủ ngay trên chiếu trải ngoài sân, thềm nhà để đón gió đông nam. Mặt mũi, chân tay ai cũng có nhiều nốt muỗi đốt.

Điện về làng!
Điện lực Hải Phòng: Cải tạo lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận

Làng có đội chèo, một năm vài lần biểu diễn ở sân đình. Ánh sáng là hai chiếc đèn măng xông, cứ độ nửa tiếng người ta lại phải mang đèn xuống bơm khí để đảm bảo cho đèn được cháy sáng.

Huyện có đội chiếu bóng lưu động, vài tháng mới về làng một lần. Mãy nổ, máy chiếu, các cuộn phim và dụng cụ căng phông để trên chiếc xe bò kéo. Ngày nào thấy đội chiếu phim về là đám trẻ chúng tôi rạo rực cả ngày chờ đến tối được xem phim và được nhìn thấy ánh sáng điện.

Ba, bốn giờ chiều, đám trẻ con chúng tôi đã kéo nhau ra sân kho xem các anh trong đội chiếu bóng dựng phông, treo hoa, tua lại phim, đặc biệt là xem anh thợ máy nổ lau máy, đổ xăng và quay cho máy nổ. Tiếng máy nổ giòn, mùi xăng hăng hắc làm chúng tôi thấy thích thú, nhất là khi mấy chiếc bóng điện ở cổng ở trong sân bật sáng là chúng tôi òa lên reo hò. Cả một góc làng bừng sáng, các ngõ xóm nhờ ánh điện hắt đến không còn tối tăm, trẻ con chạy nhảy uỳnh uỵch, người lớn cũng hớn hở theo. Người lớn kiệm tiền, chỉ trẻ con và thanh niên được cho một, hai hào mua vé vào sân háo hức đợi xem phim trong ánh điện lung linh.

Chúng tôi cứ thế lớn lên trong bóng tối, ánh trăng và thỉnh thoảng được chìm đắm trong ánh điện của đội chiếu phim. Tôi lớn lên, rời làng tham gia quân đội mang theo những ký ức ấy. Những tháng huấn luyện quân sự, buổi tối cũng chỉ sinh hoạt, ca hát dưới ánh đèn dầu hỏa. Cho đến khi được đơn vị cử đi học về máy nổ, điện nguồn tôi mới thực sự được sống và sinh hoạt trong ánh đèn điện, những ký ức về ánh sáng điện ở làng trong những đêm có chiếu phim cứ ùa về trong tôi.

Đất nước bước vào đổi mới, xây dựng kinh tế, điện khí hóa là đường lối là nhu cầu để phát triển, ngành điện phát triển nhanh chóng, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện được xây dựng khắp mọi miền của tổ quốc. Tôi được chuyển ngành về ngành điện của thành phố Hải Phòng.

Được sống ở thành phố chan hòa ánh điện, tôi và những người làm trong ngành điện luôn khao khát và mơ ước được đưa điện về làng. Thành phố cũng như cả nước bắt đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới, có bốn tiêu chí thì tiêu chí về điện được đặt lên hàng đầu: Điện, đường, trường, trạm.

Điện về huyện, về làng, tôi nhớ câu thơ - khát vọng của người xưa: “Đồng xanh cài lược dây cao thế” mà bồi hồi trong niềm vui khôn tả. Những con đường nhựa, đường bê tông thay thế cho ngõ xóm chật hẹp, tối tăm khi xưa, những hàng cột điện dọc các con đường về đến tận nhà dân.

Làng quê bừng sáng, trường học, trạm y tế, công sở, trong nhà, ngoài ngõ điện sáng lung linh, bữa cơm mỗi gia đình không còn nóng bức, muỗi cũng bị quạt máy xua đi không còn đốt được vào người. Tôi nhớ lại có lần đứng trước cửa hàng điện máy trong thành phố cứ băn khoăn không biết dân quê tôi bao giờ mới có điện để dùng được những cái quạt, cái đèn điện này, thì nay đã thành sự thật.

Bây giờ, mỗi lần về quê, cả nhà quây quần ăn cơm dưới ánh điện, mâm cơm lung linh hơn, thức ăn cũng như ngon hơn; trẻ con không còn đợi trăng mới được nô đùa. Đi qua trạm xay sát, tôi nhờ bà tôi khi xưa xay giã dần sàng từng hạt gạo, cứ tiếc bà không sống được đến bây giờ. Đám ma có ánh điện như bớt đi nỗi buồn đau, đám cưới có anh điện rộn ràng hơn, hạnh phúc hơn.

Những người già trong làng tôi bảo: Bây giờ làng quê có điện, cả người chết lẫn người sống đều sướng. Ở nông thôn bây giờ cũng chả khác gì thành phố.

Những cây cầu đã nối đôi bờ sông, điện đã về làng, tương lai của quê hương, đất nước đang bừng sáng.

Hoàng Hữu Trường

Vì ánh sáng điện nơi vùng cao
Nhọc nhằn thợ điện!
Một ngày với thợ điện hotline
“Sáng” giữa lòng dân
Viết về người thợ điện tri kỷ