Điểm sàn đại học: Bỏ thì thương, vương thì tội

06:00 | 10/04/2014

717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay là xóa điểm sàn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phương án ngưỡng tối thiểu vẫn chưa thống nhất, khiến dư luận lo ngại việc bỏ điểm sàn sẽ hạ thấp chất lượng nguồn tuyển cho ĐH, CĐ.

Năng lượng Mới số 311

Lửng lơ con cá vàng

Thực tế cho thấy, việc đưa điểm sàn là tiêu chí duy nhất xác định ngưỡng chất lượng đầu vào để tuyển sinh còn có nhiều bất cập. Theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội Các trường ÐH, CÐ ngoài công lập) việc kiểm soát chất lượng đầu vào thông qua điểm sàn thì trường “tốp trên”, trường trọng điểm vẫn có quyền tuyển cả thí sinh chỉ đạt điểm sàn, điều đó dẫn đến các trường “yếu thế” hơn như trường “tốp dưới”, trường mới thành lập, trường ngoài công lập cạn kiệt nguồn tuyển. Mặt khác, theo một số chuyên gia giáo dục, mỗi ngành có một đặc thù và yêu cầu riêng đối với môn học. Việc “cào bằng” các môn thi theo khối thi của tiêu chí điểm sàn sẽ khiến thí sinh giỏi môn học mà ngành tuyển sinh yêu cầu lại không trúng tuyển.

Thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ

Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam từng lấy thí dụ, có thí sinh dự thi vào ngành Vật lý được 15 điểm đạt điểm sàn thì đỗ, nhưng môn Vật lý chỉ được 4 điểm. Trong khi đó, có thí sinh được 14,5 điểm nhưng môn Vật lý được 7 điểm, vẫn trượt. Đại diện cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT) cho biết: “Cách áp dụng một giá trị điểm sàn cho bậc ĐH và một giá trị điểm sàn cho toàn bộ bậc CĐ ứng với mỗi khối thi có nhược điểm là không dựa trên sự đa dạng của các ngành đào tạo và đặc thù của từng trường, năng lực từng thí sinh. Vì thế, cần có quy định mới linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn để các trường tận dụng được nguồn tuyển, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào”.

Cuối tháng 3, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 5 phương án thay thế điểm sàn để lấy ý kiến. Có 2 phương án đang được chú ý nhiều nhất là 1 và 5. Cụ thể, phương án 1 đề xuất phân tầng theo tổng điểm 3 môn thi. Điềm sàn tính theo tổng điểm ba môn thi của từng khối thi. Điểm sàn được tính trên cơ sở phổ điểm và bảo đảm tổng nguồn tuyển vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với mỗi khối thi, xác định 3 mức điểm sàn (cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn. Sau khi Bộ công bố các mức điểm sàn, căn cứ vào đặc thù của trường và tình hình tuyển sinh các năm để xác định mức điểm sàn tương ứng (các trường ĐH chỉ được chọn mức cao hoặc trung bình). Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn (do trường chọn) trở lên; điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi theo khối thi có nhân hệ số đối với môn ưu tiên của ngành. Việc xét tuyển thưc hiện theo nguyên tắc lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Phương án 5 được xác định theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị. Theo đó sẽ chia phổ điểm ba môn thi thành các mức 25%, 50%, 65% và 80%. Đợt xét tuyển thứ nhất các trường ĐH tùy theo khả năng tuyển sinh của mình, ưu tiên gọi thí sinh trong nhóm 25% hay nhóm 50%. Đợt hai, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển thí sinh đến nhóm 65%. Những thí sinh có mức điểm ngưỡng 50% và 65% trước khi vào học chính thức phải học bổ sung kiến thức 6 tháng. Nhóm 80% dành cho các trường CĐ tuyển sinh. Điểm môn ưu tiên tính theo ngành đào tạo, được nhân hệ số.

Tuy nhiên, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn lúng túng trong việc xác định phương án thay thế cho điểm sàn. Xin nhắc lại, trong năm 2014, Bộ GD&ĐT đã cho phép hơn 60 trường tuyển sinh riêng. Nếu như những trường ĐH thi “3 chung” phải tuân thủ phương án đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ (1 trong 5 phương án trên) thì nhiều trường trong số 60 trường được tuyển sinh riêng lại chỉ lấy thí sinh dựa trên điểm tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập của năm lớp 12 với mức tối thiểu bình quân là 5 điểm.

Bà Lê Thị Thu Thủy (Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương) cho biết, mặc dù đồng tình với quan điểm bỏ điểm sàn của Bộ nhưng bà cũng băn khoăn sẽ có những trường hợp thí sinh “trượt ngưỡng” của bộ trong kỳ thi 3 chung lại đủ điều kiện đỗ ĐH, nếu xét về kết quả học tập phổ thông. Như vậy, rất khó để giải thích với xã hội về chất lượng nguồn tuyển không đồng đều.

Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng, một kỳ thi tốt nghiệp mà tỷ lệ đỗ lên tới 99%, trong đó có tới 90% thí sinh đạt điểm “chuẩn” đủ điều kiện vào ĐH là quá dễ dãi. Còn theo ông Vũ Văn Hóa (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ: “Hiện chúng ta chưa thể tin vào chất lượng đánh giá ở bậc THPT. Bởi trước đây chúng ta đã từng xét vào ĐH bằng học bạ, chỉ có 40% thí sinh là thực sự đạt điểm trung bình, còn 60% có sức học yếu nhưng vẫn có học bạ đẹp”.

Ai cứu trường tư thục?

Không thể phủ nhận việc Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn ĐH, CĐ trong 10 năm qua đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Tuy nhiên, việc “ốp cứng” điểm sàn cũng khiến Bộ phải chịu áp lực phải “cứu” các trường ĐH khó tuyển sinh, trong đó phần lớn là các trường ngoài công lập (NCL). Các trường này đổ lỗi cho Bộ vì áp dụng điểm sàn quá cao mà họ không đủ nguồn tuyển và nhiều trường đã bị đình chỉ tuyển sinh bởi không nhận đủ hồ sơ nhiều năm liền.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, năm 2013, hơn 1/3 trong số 353 trường ĐH, CĐ tuyển sinh có tỷ lệ nhập học dưới 50% chỉ tiêu, trong đó ở bậc ĐH có 25 trường và tất cả đều là trường NCL. Tỷ lệ nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của ĐH NCL cũng chỉ đạt 72,51%, trong khi con số này ở các trường công lập là 98,26%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trường Tùng, để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, trừ số ngành học khó tuyển có thể thấy thí sinh tốt nghiệp THPT, với các ngành khác, cần nâng ngưỡng điểm phổ thông lên ít nhất là 7,0. Ngoài ra, cần có quy định “cứng” buộc các trường tuyển sinh riêng chỉ được phép tuyển tối đa 30% chỉ tiêu bằng việc xét kết quả học phổ thông, còn lại phải tuyển theo “3 chung” của Bộ.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Trọng Thắng (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) cho rằng: “Điểm sàn là mức điểm tối thiểu để yêu cầu người học cần đạt được nếu muốn vào học các bậc đào tạo này. Đối với các trường công lập tổ chức theo phương án “3 chung”, vẫn nên áp dụng điểm sàn và có biện pháp đảm bảo việc xét tuyển là khách quan”.

Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay thế cho tiêu chí duy nhất là điểm sàn được Bộ GD&ÐT triển khai và công bố từ lâu. Tuy nhiên, đến thời điểm học sinh đã hoàn tất việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, Bộ GD&ÐT vẫn loay hoay với việc xác định điểm sàn và các tiêu chí bảo đảm chất lượng như thế nào, ảnh hưởng đến tâm lý, tác động đáng kể đến việc lựa chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh của thí sinh. Bởi vì khi xác định đăng ký tuyển sinh vào ngành nghề đào tạo của trường ÐH, CÐ nào đó, thí sinh phải dựa theo năng lực học tập, khả năng tài chính của bản thân, gia đình mình và điều kiện tuyển sinh của các trường. Các trường ÐH, CÐ gặp khó khăn khi phổ biến công tác tuyển sinh, xác định tiêu chí đầu vào.

Bộ GD&ÐT đưa ra 5 phương án dự kiến như kể trên khá rắc rối và khó hiểu, càng gây nên những bất cập trong công tác tuyển sinh. Ðiều quan trọng là phương án xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào cần ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm công bằng cũng như bảo đảm tốt nguồn tuyển của các trường. Bộ GD&ÐT cần hoàn thiện và sớm công khai các tiêu chí xác định chất lượng nguồn tuyển đầu vào để công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt.

Khánh An