“Đà Nẵng - Thành phố môi trường”

Đích đến còn rất xa

09:05 | 30/07/2019

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được triển khai từ năm 2008. Sau hơn 10 năm, Đà Nẵng đã làm được khá nhiều việc để ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết nếu Đà Nẵng thực sự muốn trở thành “thành phố môi trường”.

Dưới biển, trên núi đều ô nhiễm

Đà Nẵng đang trong chuỗi ngày nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ ban ngày có những thời điểm lên đến 39-40 độ C, nắng như ném lửa xuống mặt đất. Thế nhưng, chỉ cần một trận mưa to đổ xuống, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với vấn nạn nước thải ồ ạt tuôn ra biển. Điều này không chỉ xảy ra ở các bãi biển xa khu dân cư, mà còn xảy ra ở ngay cả những bãi biển đông đúc khách du lịch. Nếu gõ trên Google cụm từ “xả thải ra biển Đà Nẵng” sẽ cho ra 1.050.000 kết quả trong 0,47 giây.

dich den con rat xa
Nước thải đổ thẳng ra bãi biển Đà Nẵng

Mới đây nhất, cuối tháng 3/2019, chỉ sau cơn mưa to kéo dài vài tiếng đồng hồ, người dân và du khách phát hiện nước thải từ hệ thống cửa xả ven biển chảy tràn ra bãi cát. Một đoạn bờ biển dài có nước nổi bọt trắng, bốc mùi hôi thối. Người dân đã ghi lại hình ảnh về nước thải màu đen chảy cuồn cuộn qua cửa xả, chia sẻ lên mạng xã hội, tạo những hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng đến du lịch Đà Nẵng.

Dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa (thuộc quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà) dài khoảng 10km đang có 9 hệ thống cống xả dẫn ra biển. Còn suốt dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, dài hơn 12km, có tới 29 cống xả nước thải sinh hoạt ra biển, nghĩa là cứ 400m lại có một miệng cống xả nước thải. Hiện tại, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong năm 2019. Trong đó, khu vực ven biển phía đông quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn sẽ được xây dựng thêm các công trình thoát nước, tổng kinh phí 2.450 tỉ đồng. Đã 10 năm thực hiện Đề án “Thành phố môi trường”, việc để nước thải đen ngòm chảy thẳng ra bãi biển du lịch là một điều khó chấp nhận.

Đó là ở dưới biển, còn nếu đi lên núi, phía ngoại ô thành phố, thì điểm nóng bãi rác Khánh Sơn vẫn còn. Liên tục những ngày gần đây, người dân đã ngăn cản xe vào bãi rác Khánh Sơn vì phản đối việc xử lý rác thải. Đây cũng không phải lần đầu tiên người dân ở khu vực này cực chẳng đã phải làm như vậy.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, hiện mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải, dự kiến từ năm 2020-2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn 2025-2030 phát sinh hơn 2.400 tấn/ngày; giai đoạn 2030-2040 phát sinh hơn 3.000 tấn/ngày. Và, toàn bộ số rác thải này được đưa về bãi rác Khánh Sơn, bãi rác duy nhất của thành phố.

Trong buổi tổng kết Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được tổ chức mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, còn rất nhiều mục tiêu của đề án chưa thể thực hiện được, dù Đà Nẵng đã đầu tư 11.922 tỉ đồng giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.

Lực lượng cảnh sát cơ động đã được huy động để bảo vệ xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn trước sự phản đối của người dân sau nhiều cuộc đối thoại bất thành với chính quyền, thế rồi gần 2.000 tấn rác ùn ứ trên toàn thành phố tạm thời được giải quyết.

Ông Trần Minh Tám, một người dân sống gần bãi rác, nêu ý kiến: “Phải di dời bãi rác đi chỗ khác chứ chúng tôi hứng đến 30 năm nay rồi. Đây là yêu cầu tha thiết nhất của người dân vùng này”. Chưa giải quyết được triệt để vấn đề bãi rác Khánh Sơn thì bức tranh môi trường của Đà Nẵng chưa thể gọi là sạch đẹp.

Đó chỉ là 2 vấn đề nổi cộm trong rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng. Còn rất nhiều vấn đề khác như: Âu thuyền Thọ Quang, tình trạng chặt phá rừng ở bán đảo Sơn Trà, thiếu cây xanh đô thị, thiếu nước sạch cung cấp cho người dân... Đây là những tiêu chí để đánh giá sự thành công hay không của Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

Nhiều mục tiêu chưa thực hiện được

Trong buổi tổng kết Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được tổ chức mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận, còn rất nhiều mục tiêu của đề án chưa thể thực hiện được, dù Đà Nẵng đã đầu tư 11.922 tỉ đồng giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.

dich den con rat xa
Bãi rác Khánh Sơn là bãi rác duy nhất của TP Đà Nẵng

Trong đề án được xây dựng 10 năm trước, hàng loạt mục tiêu được đề ra, trong 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2008-2010 sẽ giải quyết một số vấn đề như nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, ô nhiễm nước biển ven bờ, ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang...

Giai đoạn 2011-2015 phấn đấu đạt tiêu chuẩn 90% chất lượng nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% nước thải sinh hoạt của tất cả các quận nội thành được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% số dân nội thành và 70% số dân các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch; kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh gồm giao thông đường bộ, khí thải công nghiệp và khí thải từ các khu vực đô thị. Đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố.

Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2011-2015, đạt được tất cả các tiêu chí “thành phố môi trường”, cụ thể: 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng. Khi đó sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu đánh giá và công bố “thành phố môi trường” sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển nóng đang khiến cho Đà Nẵng phải đối diện với nhiều bất cập mà những người soạn thảo, phê duyệt đề án từ 10 năm trước không tính toán được hết. Đó là sự gia tăng dân số cùng với hệ lụy từ phát triển du lịch - dịch vụ, sự suy giảm tài nguyên và thách thức về biến đổi khí hậu.

Các tiêu chí chưa đạt như tỷ lệ chất lượng nước tại các khu vực sông, ven biển, nước ngầm; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phân loại và tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và rác thải nhựa; tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí… tiếp tục là vấn đề nan giải của Đà Nẵng.

Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho rằng: “Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì nhiều mục tiêu trong đề án vẫn chưa thực hiện được, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Chắc chắn, công cuộc thực thi “thành phố môi trường” càng lúc sẽ càng khó khăn bởi những thách thức sẽ gia tăng theo sự gia tăng từ các hoạt động không kiểm soát của con người và biến đổi khí hậu. Do đó, chúng ta phải đặt ra những quyết tâm to lớn hơn nữa”.

Nhìn nhận một cách tổng thể, Đà Nẵng là một thành phố có cảnh quan đẹp, môi trường cơ bản trong lành. Nhưng trong bức tranh môi trường sạch đẹp đó vẫn còn có những điểm nóng ô nhiễm. Và, đích đến của con đường trở thành “thành phố môi trường” của Đà Nẵng vẫn còn ở rất xa.

Hà Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps