Dịch chuyển từ "Nhồi Kiến thức" tới "Rèn Nhân cách"

21:44 | 12/08/2019

417 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lâu nay, hiện tượng giáo dục nước ta đang "nặng dạy chữ, nhẹ dạy người" và tất yếu sẽ gây ra nhiều lệch lạc cũng như tác hại cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Thực tế hiện nay, đã có những bạn trẻ sống trong tình trạng khuyết tật tâm hồn, thiểu năng ý chí.    

Thiếu quan tâm giáo dục nhân cách, dẫn đến khủng hoảng ý chí

Nhiều gia đình đưa con đi du học, những mong con sẽ được hưởng nền giáo dục tiên tiến của thế giới, khi tốt nghiệp về Việt Nam sẽ thay đổi tư duy, cách làm việc, tận dụng tốt năng lực và cống hiến được hiệu quả. Nhưng đa phần, bạn trẻ du học về nước, rơi vào môi trường làm việc của Việt Nam, lại hoang mang thất vọng, không biết phải làm theo những gì mình đã được đào tạo ở phương Tây, hay buộc phải theo cách làm của Việt Nam, nên cũng chẳng phát huy được thế mạnh của mình. Vậy là, một nguồn tài nguyên trí tuệ, năng lực, tâm huyết khổng lồ của người Việt cứ bị bào mòn vì không được sử dụng hợp lý, không được kích hoạt để bùng nổ.

dich chuyen tu nhoi kien thuc toi ren nhan cach
Tiến sĩ Phan Quốc Việt trao đổi với nữ đại sứ Australia Robyn Mudie về giáo dục

Khi cộng đồng của chúng ta đang dần suy yếu, thì chúng ta phải làm gì? Có không ít các bậc cha mẹ khuyên con du học xong thì tìm việc ở nước ngoài, định cư nước ngoài để hưởng cuộc sống văn minh, con người được phát triển hết năng lực của mình và được thụ hưởng xứng đáng những thành quả mình làm ra, trong một xã hội minh bạch, quyền con người được tôn trọng tối đa. Nhưng nếu ai cũng đặt mục tiêu ra nước ngoài sinh sống, thì ai ở lại Việt Nam để xây dựng và cống hiến, để đất nước ngày một phát triển hơn?

Khi cộng đồng chúng ta đang rơi vào khủng hoảng thiếu niềm tin và ý chí, thì chính lúc này, các nhà giáo dục chân chính cần vào cuộc. Nền giáo dục cần có những cải cách táo bạo, đầu tư hết tâm sức để khơi nguồn trí tuệ và năng lực của người Việt trẻ, cùng hướng đến mục tiêu phát triển bản thân và cống hiến cho đất nước. Trong lúc khủng hoảng lại là thời cơ của giáo dục, bởi xã hội bế tắc phát sinh nhu cầu cái mới, sáng tạo, để vượt qua khủng hoảng. Do đó mọi người sẽ đi học, nghiên cứu để cải tiến, phát triển. Rất nhiều khả năng dẫn đến sự bùng nổ giáo dục Nhân cách, rèn Nhân cách khi bao thập kỷ qua, chúng ta đã phát ớn với kiểu giáo dục “Nhồi Kiến thức” mệt mỏi, nặng nề và thiếu hiệu quả.

Những nhân cách lớn trên thế giới và cả ở Việt Nam không thiếu. Việt Nam chúng ta tự hào về Nhân cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người là bài học lớn về Rèn Nhân cách. Thế giới có Nhân cách lớn Nelson Mandela, Mahathir Mohamad, M. Gandhi…

Dịch chuyển từ dạy đạo đức lên “Rèn Nhân cách”

Mới đây, bày tỏ trăn trở về tình trạng “dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, năm học 2019-2020 này, phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; yêu cầu trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này để triển khai ngay trong năm học mới.

Đây chính là thời cơ để chúng ta tập trung tâm sức vào việc tạo nên thay đổi trong dạy Đạo đức, dịch chuyển lên quy trình “Rèn Nhân cách”.

Lâu nay trong trường học, chúng ta vẫn dạy đạo đức, nhưng kết quả không như mong muốn. Vậy thì chúng ta nên hiểu về Đạo đức và dạy Đạo đức theo cách nào?

Trước tiên, trong cuộc đời mỗi người, cần có động lực đúng thì mới có thể đạt tới hạnh phúc bền vững, trong lúc có quan hệ hài hòa với xã hội mình đang gắn bó.

Có nhiều người chỉ nghĩ rằng học giỏi, kiếm việc làm lương cao để có nhiều tiền, nhưng nhiều tiền để làm gì, thì có thể lại là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian qua. Điều cốt lõi là động lực kiếm tiền đã dẫn hầu hết mọi người tới bờ vực thẳm của tai họa. Do đó, trong học đường, nhất thiết phải lấy việc rèn luyện Đạo đức làm trọng, bên cạnh việc dạy kiến thức. Các cụ xưa đã dạy: “Có Đức mặc sức mà ăn”.

Nói và hiểu về Đạo đức một cách chung chung, sẽ chẳng dẫn chúng ta tới đâu cả. Nó chỉ tạo ra một sự hỗn độn như hiện tại, ai cũng kêu ca về vấn đề Đạo đức xuống cấp, nhưng không ai biết gỡ ra từ đâu.

Hãy bắt đầu từ mỗi gia đình và mỗi lớp học. Chúng ta nên xác định cho con cháu mình và các học trò một khái niệm cụ thể hơn, rõ ràng hơn về Đạo đức để nhắm tới mà hành động.

Đạo đức là làm việc thành công. Sống có Đạo đức là làm việc với tất cả tâm sức của mình, làm đến kết quả cuối cùng với mức độ xuất sắc để tạo nên thành công rực rỡ. Bất kể đó là việc gì.

Khi có một việc gì đó để làm, đừng nghĩ rằng mình phải làm, mà là ĐƯỢC LÀM. Bạn làm việc với tâm nguyện cống hiến tối đa, đừng bị phân tán bởi những yếu tố phụ như thù lao, tưởng thưởng, khen ngợi, chức vị, mối quan hệ… thì bạn sẽ tập trung được năng lượng của mình để làm việc tốt nhất.

Đạo đức là rèn Nhân cách xuất sắc. Không “tham bát bỏ mâm”. Nghĩ lớn làm lớn, nhưng con đường dài bắt đầu bằng bước đi nhỏ đầu tiên, bạn cứ cất bước đã, rồi đi nhanh dần, nhẹ dần, tăng tốc thường xuyên, tập trung bám theo con đường, không rẽ ngang rẽ tắt. Phải luôn sáng tạo ra công nghệ mới để tiến bộ theo cấp số nhân. Liên tục bình phương chính mình. Song song đó tạo ra giá trị cho người khác bằng cách huấn luyện họ giỏi cho bằng mình. Thực tế là, khi bạn muốn huấn luyện một ai đó, bạn phải tự nâng tầm mình lên cao hơn mãi.

Hiểu về Đạo đức chưa đủ, học thuộc lòng bài học Đạo đức ở trường cũng vẫn chưa đủ, mà cần rèn Đạo đức qua hành vi hàng ngày, để rèn Nhân cách. Trong trường học, khi ở nhà, cần chú trọng huấn luyện hành vi Đạo đức cho trẻ. Hết sức kiên tâm thực hiện, để hành vi Đạo đức trở thành thói quen trong học tập, lao động, ứng xử của mỗi người từ thuở nhỏ. Từ dạy Đạo đức, cần dịch chuyển lên huấn luyện hành vi Đạo đức, tạo thói quen Đạo đức, tiến tới kết quả là Nhân cách xuất sắc.

Đạo đức là ứng xử đẹp trong mọi tình huống, kể cả khi bạn tạm thời thua, bạn thất bại trong một thời điểm nào đó. Hãy luôn yêu thương và chia sẻ với người khác, kể cả khi người đó đang chống đối hoặc quay lưng lại với bạn. Tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự chia sẻ luôn tạo ra giá trị cho thế giới này, khi xuất phát từ trái tim chân thành.

Khi đã tích đủ Đạo đức, bạn sẽ có thể là chính mình mà quên mình đi, và sống với sứ mệnh duy nhất cuộc đời mình. Không chỉ làm xuất sắc một việc duy nhất mình đã chọn, mà việc ấy mình làm để tạo ra giá trị cho người khác, không phải chỉ cho chính mình. Lúc ấy, bạn đã tạo nên Đạo, và an nhiên đi trên con đường duy nhất ấy. Bạn ăn ngủ cùng Đạo và Đạo là chính bạn.

Đạo ấy là con đường siêu cao tốc thực hiện sứ mệnh của bạn. Đạo cũng chính là phản xạ bạn có với sứ mệnh của mình.

TS. Phan Quốc Việt

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.